Văn Chấn bảo vệ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học
- Cập nhật: Thứ tư, 29/2/2012 | 2:52:03 PM
YBĐT - Là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, Văn Chấn có tổng diện tích tự nhiên trên 139.145 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 122.010 ha, diện tích đất phi nông nghiệp 5.039 ha và diện tích đất chưa sử dụng 12.103 ha.
Đồng bào Dao xã Nậm Búng vận chuyển cây cao su phục vụ trồng rừng.
|
Với điều kiện địa hình phức tạp, nhiều đồi núi cao, độ dốc lớn và bị chia cắt mạnh xen kẽ với các thung lũng, huyện có nhiều dân tộc anh em sinh sống như: Kinh, Tày, Thái, Dao, Mông... mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa và tập quán canh tác riêng, nhưng nguồn sống của đa số người dân vẫn là sản xuất nông nghiệp, canh tác nương rẫy và khai thác các nguồn lợi từ rừng. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm diện tích rừng, giảm tính đa dạng của các loài sinh vật trong hệ sinh thái.
Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, đến năm 2011 diện tích đất lâm nghiệp của huyện Văn Chấn là 104.404 ha, bao gồm đất rừng sản xuất 69.073 ha, trong đó đất có rừng sản xuất 21.709 ha, đất quy hoạch trồng rừng sản xuất 14.880 ha, đất rừng phòng hộ 19.984 ha; đất rừng đặc dụng 15.345 ha. Nhìn chung, đất lâm nghiệp chủ yếu tập trung ở các xã vùng cao và thượng huyện, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc ít người sinh sống, tốc độ tăng dân số cao, lao động có trình độ ít, sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy và khai thác tài nguyên rừng. Đất đai bị xói mòn, rửa trôi mạnh, giảm sút độ phì nhiêu, mất sức sản xuất, dần dần hình thành ngày càng nhiều diện tích đất trống đồi núi trọc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng sinh thái, dẫn đến sự đa dạng sinh học ngày càng giảm sút.
Sự biến mất của các thảm thực vật đã gây ra tình trạng rừng ít phát huy tác dụng phòng hộ và cải tạo đất. Hiện tượng sản xuất luân canh nương rẫy ở các hộ dân tộc vùng cao, diện tích đất canh tác khá nhiều song hiệu quả từ việc sử dụng đất chưa cao dẫn đến năng suất trong sản xuất nông nghiệp thấp. Hiện tượng này xảy ra khá phổ biến ở các xã vùng cao như: Sùng Đô, Nậm Mười, Suối Giàng, Suối Bu, Nậm Búng, Nậm Lành… nơi tập trung chủ yếu đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống.
Ở các địa phương này, có những hộ có từ 3- 5 ha đất canh tác nhưng chủ yếu để luân canh, có những diện tích người dân để hoang hóa từ 4-5 năm, gây lãng phí nghiêm trọng nguồn tài nguyên đất, trong khi mật độ che phủ của thảm thực vật rừng chưa cao. Thực tế cho thấy, do sự hiểu biết còn hạn chế của một số dân tộc ít người trong quá trình canh tác nông nghiệp đã để đất bỏ hoang khá nhiều, tầng đất màu bị xói mòn, rửa trôi làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đất đai bị bạc màu và người dân lại tiếp tục bỏ đất hoang hóa, phá rừng, đốt nương làm rẫy. Hiện tượng này liên tục xảy ra trong nhiều năm đã làm hệ sinh thái rừng dần bị mất đi, giảm phát huy được tác dụng phòng hộ của rừng, tính đa dạng các loài, các nguồn gen trong hệ sinh thái dần bị suy giảm, ngoài làm mất đi cân bằng sinh thái cũng như cân bằng sản xuất nông - lâm nghiệp, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều như: hạn hán, lũ quét, lũ ống và biến đổi khí hậu.
Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, huyện Văn Chấn đã tăng cường và thực thi nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tốc độ mất rừng, bảo vệ và phát triển rừng để từ đó bảo tồn các nguồn đa dạng sinh học, đặc biệt đối với các nguồn gen đặc trưng của huyện như chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ, cam Trần Phú; đẩy mạnh các chính sách tuyên truyền vận động người dân bảo vệ, phát triển rừng, khai thác nguồn lợi từ rừng theo hướng bền vững.
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng và đa dạng sinh học trên địa bàn, UBND huyện đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng đến từng hộ dân, tăng cường công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, xây dựng phương án mời gọi các đơn vị đầu tư vào các dự án trồng rừng phong cảnh du lịch sinh thái, nhằm bảo vệ và phát triển các nguồn gen đặc sản của địa phương đồng thời tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), kiện toàn 34 ban chỉ huy PCCCR từ huyện tới cơ sở; tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCCR cho trưởng thôn, bản và trưởng nhóm bảo vệ rừng; xây dựng hương ước quản lý bảo vệ và phát triển rừng; tập trung các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế cho người dân có cuộc sống gắn liền với rừng; tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; nâng cao công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng…
Những việc làm thiết thực nhằm bảo vệ, phát triển rừng và đa dạng sinh học của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Văn Chấn thời gian qua sẽ tạo điều kiện cho công tác gìn giữ, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng ngày càng được nâng cao.
Quang Thiều
Các tin khác
Mặc dù đang gặp phải nhiều vấn đề tại khu vực đồng Euro, song Liên minh châu Âu (EU) vẫn cam kết viện trợ 1 tỷ USD cho riêng Việt Nam trong năm 2012 này.
Sau phiên giảm điểm hôm qua, giá vàng trong nước lại tăng trở lại lên mức cao nhất trong tháng qua theo đà tăng của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, mức tăng chậm hơn khiến cho khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới chỉ còn khoảng 300.000 đồng/lượng.
Giá xăng dầu thế giới đang tăng “phi mã” sẽ là nguyên nhân chính thúc ép giá xăng dầu trong nước khó “kìm cương” lâu hơn nữa.
YBĐT - Năm qua cũng như những tháng đầu năm 2012, Đảng bộ Ngân hàng Nhà nước tỉnh Yên Bái tiếp tục phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị, tập trung lãnh đạo cơ quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn.