5 năm hội nhập: Việt Nam đang ở đâu ?
- Cập nhật: Thứ năm, 1/3/2012 | 7:50:12 AM
Sau gần 10 năm đàm phán, ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Năm năm trôi qua, Việt Nam đã và sẽ ở đâu trong quá trình hội nhập? Đây chính là chủ đề hội thảo do VCCI tổ chức với sự hỗ trợ của Mutrap, diễn ra ngày 29/2 tại Hà Nội.
|
Là một trong những người tham gia từ vòng đàm phán đầu tiên, ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, nguyên trưởng đoàn đàm phán thương mại của Chính phủ đã có những chia sẻ xung quanh chủ đề này.
- Xin ông cho biết Việt Nam có những thay đổi như thế nào sau 5 năm gia nhập WTO?
Khi bắt đầu đàm phán gia nhập WTO, thu nhập trung bình của Việt Nam là 400 USD/người/năm. Sau khi gia nhập WTO một thời gian, thu nhập bình quân đã lên đến mức 1.000 USD/người/năm, và đến bây giờ là trên 1.200 USD/người/năm.
Tất nhiên, không phải chỉ mỗi yếu tố mở cửa thị trường mà thu nhập nâng lên mà là sự cố gắng của toàn dân, đặc biệt là các doanh nghiệp đã tận dụng được sự mở rộng thị trường để tăng đầu tư phát triển. Điểm nổi bật nhất chính là xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tục, sau 5 năm kim ngạch xuất khẩu tăng 97,7%, năm 2011 đã đạt 96,9 tỷ USD.
Khi kết thúc đàm phán gia nhập WTO thì thu hút đầu tư nước ngoài cũng tăng vọt, lên trên 60 tỷ USD và là một đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Tiếp đến, việc gia nhập WTO đã tạo ra một hệ thống pháp luật mới để phục vụ cho chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh. Người dân và doanh nghiệp đều có tư duy mới, không chỉ bó hẹp ở thị trường nội địa mà là toàn cầu.
- Sau 5 năm gia nhập WTO, có điều gì mà ông cảm thấy chưa đạt kỳ vọng ban đầu?
Sau 5 năm, khảo sát cho thấy có đến 3/4 DN cho rằng họ phát triển tốt hơn. Tuy nhiên điều không may là chúng ta rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng tài chính và chu kỳ suy thoái kinh tế của thế giới, nếu không các DN còn có thể tiến xa hơn nữa.
Tuy nhiên, có một tồn tại lớn là các DN phát triển quá nhanh nhưng trình độ quản lý và sự am hiểu thị trường chưa theo kịp với mức tăng quy mô vốn và hoạt động.
- Xin ông lấy một ví dụ cụ thể về việc kỳ vọng không đạt được?
Tôi lấy ví dụ như việc phát triển ngành đường biển. Việt Nam là nước có điều kiện rất tốt để phát triển ngành đường biển. Vụ việc Vinashin vừa qua đã là một bài học lớn cho chúng ta, tuy nhiên chúng ta không nên vì thế mà quá lo lắng, e ngại với ngành đường biển. Việt Nam có lợi thế là nguồn lao động rẻ, dồi dào, có rất nhiều vịnh có thể đóng tàu quanh năm. Các nước phát triển khác chỉ có thể đóng tàu theo mùa. Đây là cơ hội trời cho và vĩnh viễn. Nếu chúng ta tập trung vào phát triển và điều chỉnh lại những sai sót thì ngành đóng tàu của Việt Nam hoàn toàn có thể ở vị trí hàng đầu của thế giới. VN có khả năng trở thành trung tâm đóng tàu lớn của thế giới, điều kiện tự nhiên hoàn toàn cho phép. Vấn đề chỉ là chính sách quản lý và con người.
- Ông đánh giá thế nào về việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật kể từ khi gia nhập WTO?
Tôi cho rằng hệ thống pháp luật của chúng ta đã thay đổi khá nhanh và tốt. Tháng 4 năm 2004, đại sứ Nhật Bản nói rằng mỗi năm quốc hội Việt Nam chỉ thông qua được 5 luật, như vậy phải 20 năm nữa Việt Nam mới có được hệ thống pháp luật hoàn thiện để gia nhập WTO.
Thế nhưng từ năm 2004 đến nay, Quốc hội đã tập trung và thông qua được rất nhiều luật. Đây là nỗ lực rất tốt của chính phủ và quốc hội để hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo xã hội phát triển ổn định. Tuy nhiên, điểm yếu của chúng ta là các văn bản dưới luật, nghị định đưa ra không kịp nên luật đi vào cuộc sống còn chậm.
- Có quan điểm cho rằng chúng ta đang phải trả giá vì mở cửa quá rộng thị trường tài chính, cụ thể là thị trường chứng khoán. Ông nghĩ thế nào về nhận định này?
Theo tôi, vấn đề không phải là lỗi do chúng ta mở cửa hay không. Khi VN chuẩn bị gia nhập WTO, đã có những cảnh báo rằng chúng ta phải cảnh giác với việc mở cửa thị trường tài chính. Không phải chỉ riêng thị trường Việt Nam mà điều này đã xảy ra với nhiều thị trường khác như Mexico, Argentina, Thái Lan. Việc vội vã tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ gây những hậu quả khó lường với thị trường tài chính.
Năm 2008, tăng trưởng tín dụng của VN lên đến 52%, thì chúng ta phải chấp nhận hậu quả là lạm phát cao, lãi suất cao, tác động xấu đến kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, tôi cho rằng có thể khống chế, điều tiết lại bằng cách đưa ra các văn bản dưới luật. Đó là điều không ai cam kết, không bị cấm, nhưng phải thực hiện theo đúng tiêu chí đã thỏa thuận. Ví dụ với ngân hàng nước ngoài, mặc dù chúng ta đã mở cửa nhưng thị phần của họ cũng không cao, chỉ khoảng 10%.
Sự thành công của nền kinh tế rất rõ nét sau khi gia nhập WTO, tuy nhiên liệu chúng ta có thể đánh giá được đâu là thành công do WTO mang lại, đâu là do sự thuận lợi chung của môi trường kinh tế trong nước và thế giới ? Nếu không gia nhập WTO thì liệu chúng ta vẫn có thể phát triển tốt hay không ?
Tất nhiên, rất khó để có thể tách riên nhưng rõ ràng là các điều kiện này có tác động qua lại rất lớn. Chẳng hạn, tuy chúng ta cam kết đổi mới nhưng nếu chúng ta không gia nhập WTO thì vốn đầu tư sẽ không thể tăng nhanh như hiện nay. Tuy nhiên, nếu sự quản lý và môi trường trong nước không ổn định và hiệu quả thì dù gia nhập WTO cũng không thu hút được nhiều đầu tư. Đây là sự tác động hỗ trợ lẫn nhau, cần phải đánh giá như vậy mới thấy được hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
YBĐT - Ngày 29/2, Ban chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản (NTNN&TS) tỉnh Yên Bái vừa tổ chức hội nghị tổng kết cuộc Tổng điều tra NTNN&TS năm 2011.
YBĐT - Là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, Văn Chấn có tổng diện tích tự nhiên trên 139.145 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 122.010 ha, diện tích đất phi nông nghiệp 5.039 ha và diện tích đất chưa sử dụng 12.103 ha.
Mặc dù đang gặp phải nhiều vấn đề tại khu vực đồng Euro, song Liên minh châu Âu (EU) vẫn cam kết viện trợ 1 tỷ USD cho riêng Việt Nam trong năm 2012 này.
Sau phiên giảm điểm hôm qua, giá vàng trong nước lại tăng trở lại lên mức cao nhất trong tháng qua theo đà tăng của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, mức tăng chậm hơn khiến cho khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới chỉ còn khoảng 300.000 đồng/lượng.