Vị thế măng tre Bát Độ trong tập đoàn cây công nghiệp ở Yên Bái
- Cập nhật: Thứ hai, 12/3/2012 | 2:36:53 PM
YBĐT - Sau nhiều hoài nghi, cuối cùng cây măng tre Bát độ đã trở thành cây trồng chủ lực trong tập đoàn cây công nghiệp ở huyện Trấn Yên (Yên Bái). >>Hiệu quả của măng tre Bát độ ở Kiên Thành
Măng tre Bát độ góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo ở Trấn Yên.
|
Từ vài ha trồng năm 2005, qua 6 năm toàn huyện đã phát triển thành vùng măng tre hàng hóa với diện tích trên 1.350ha ở 12 xã, sản lượng măng đạt trên 15 ngàn tấn, giá trị kinh tế thu đạt gần 20 tỷ đồng. Cây măng tre Bát độ đã làm hồi sinh nhiều xã, bản làng vùng cao từ Kiên Thành, Tân Đồng, Hồng Ca, Lương Thịnh đến Việt Thành, Báo Đáp, Đào Thịnh... góp phần xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn Trấn Yên.
Khó ai có thể tin nổi Kiên Thành là một xã vùng sâu, vùng xa khó khăn và nghèo đói vào bậc nhất huyện Trấn Yên nhưng qua 6 năm thực hiện Dự án trồng măng tre Bát độ đã có bước phát triển vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, nhiều hộ đã trở nên giàu có. Toàn xã có 750 hộ dân thì có tới trên 507 hộ trồng măng tre Bát độ, nhà ít cũng vài trăm gốc, nhà nhiều 5.000 - 6.000 gốc thậm chí lên tới cả chục ha.
Khi mới đưa cây măng tre Bát độ vào trồng cũng gặp không ít khó khăn, người dân không mấy mặn mà, ngay cả cán bộ, đảng viên cũng hoài nghi về tính hiệu quả của nó, nào là: đất đai có phù hợp không, nếu cây sống thì có măng không, có măng rồi thì bán cho ai…?
Nhưng với quyết tâm cùng với sự ký kết hợp tác giữa huyện và Công ty TNHH Vạn Đạt, theo đó Công ty có trách nhiệm cung ứng giống, vật tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, cho vay vốn chăm sóc không lãi và bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch trong vòng 10 năm, người dân bắt tay vào trồng, năm đầu vài chục ha, năm sau nhân lên gấp đôi, gấp ba và cho đến hôm nay toàn xã đã có 500 ha.
Riêng tiền bán măng trong năm 2011, Kiên Thành thu gần 6 tỷ đồng - một con số không hề nhỏ ở một xã vùng cao. Bản Đồng Ruộng nơi cư trú của 32 hộ dân, phần lớn là người dân tộc Mông, trước đây luôn là bản có tỷ lệ hộ đói, nghèo cao nhất xã nhưng đến nay cây măng tre đang làm hồi sinh cả bản, tất cả 32 hộ đều tham gia trồng, đến nay đã cho thu hoạch ổn định. Nhiều gia đình từ nghèo khó nay đã có cuộc sống khá giả hơn với mức thu nhập đạt gần trăm triệu đồng mỗi năm như gia đình anh Giàng A Sáu, Giàng A Khay, bản Đồng Ruộng; Lộc Văn Tường, thôn Gốc Đa…
Rõ ràng trồng măng tre Bát độ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác trên diện tích đất đồi rừng. Trồng măng tre không chỉ cần ít vốn đầu tư mà giai đoạn kiến thiết cơ bản cũng ngắn, chỉ sau 1 năm là đã bắt đầu cho thu hoạch, sau 3 năm cây cho thu hoạch với năng suất cao, bình quân 18-20 tấn, giá trị đạt trên 25-30 triệu đồng/ha, cao gấp 2,5-3 lần so với trồng cây nguyên liệu giấy và cho thu lâu dài.
Để hình thành được vùng măng tre Bát độ hàng hóa như hôm nay là thành quả của mối liên kết giữa 4 nhà, đặc biệt là giữa doanh nghiệp và nông dân. Công ty cho người dân vay vốn trồng măng, mua phân bón không tính lãi và thu hồi vốn bằng sản phẩm. Công ty còn tổ chức ký hợp đồng trực tiếp với các hộ nông dân bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ năm 2006-2016, giá thu mua tăng theo giá thị trường và thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt.
Với cách làm đó vùng măng tre Bát độ ở Trấn Yên đã lớn dần theo năm tháng và đến nay đã hình thành rõ nét 3 vùng nguyên liệu tập trung làm hàng hoá: phía Tây Bắc gồm xã Y Can, Quy Mông và Kiên Thành với diện tích trên 500ha; vùng phía Tây gồm có: Hồng Ca, Lương Thịnh, Hưng Khánh, Hưng Thịnh 400ha; phía Bắc gồm: Tân đồng, Đào Thịnh, Việt Thành 200ha, đưa tổng diện tích toàn huyện đảm bảo theo tiêu chuẩn lên trên 1.350ha.
Nếu như năm 2006 sản lượng măng mới đạt 2 ngàn tấn, giá trị thu đạt 2 tỷ đồng thì tới năm 2011 sản lượng măng đã tăng lên 15 ngàn tấn, giá trị thu đạt trên 20 tỷ đồng, riêng xã Kiên Thành thu trên 6 tỷ đồng. Rồi đây hơn một ngàn ha măng vào kỳ kinh doanh thì con số ba, bốn chục tỷ đồng mỗi năm là khoản thu nhập trong tầm tay.
Hiệu quả kinh tế của cây măng tre Bát độ đã rõ, nó không chỉ góp phần xoá đói giảm nghèo và làm giàu trong nông nghiệp nông thôn mà còn góp phần nâng cao độ che phủ của rừng, cải thiện môi trường sinh thái. Quan trọng hơn nó đã khai thác được tiềm năng về đất đai, lao động ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự tin tưởng của người dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền huyện Trấn Yên.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã giành được nhiều kết quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế - xã hội.
YBĐT - Đã lâu lắm rồi Trạm Tấu (Yên Bái) mới lại có được một tiết trời đầu xuân thuận lợi như năm nay, đó là nhận xét chung của mọi người dân Trạm Tấu. Tranh thủ sự ưu ái của thời tiết, nhà nông khắp các xã, thị trấn trong huyện tấp nập xuống ruộng lên nương để gieo cấy lúa xuân, làm đất trồng ngô và thu hoạch sắn.
Theo Văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố quyết định cuối cùng của đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ bảy (POR 7) đối với cá tra phi lê nhập khẩu từ Việt Nam.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình vừa có quyết định giảm các mức lãi suất điều hành của NHNN và lãi suất tiền gửi tối đa đối với VND từ ngày mai 13/3. Trong đó, trần lãi suất huy động VND sẽ giảm còn 13%/năm.