Xuất khẩu qua EU gặp khó
- Cập nhật: Thứ hai, 26/3/2012 | 8:34:22 AM
Không chỉ khó khăn do khu vực này thắt chặt chi tiêu mà EU còn là một trong những thị trường có nhiều quy định kỹ thuật khắt khe.
Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty Hai Thanh - KCN Hiệp Phước (TPHCM).
|
Doanh nghiệp thiếu đơn hàng
Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường EU, cho biết EU là một trong 3 thị trường quan trọng nhất của Việt Nam sau Mỹ và Nhật Bản. Trong nhiều năm qua, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU tăng nhanh. Những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam qua thị trường này là hải sản, gạo, cà phê, dệt may, giày dép… Năm 2011, các mặt hàng đứng đầu danh sách xuất khẩu qua thị trường EU gồm gạo (14,5 triệu USD, tăng 85,6%), cà phê (hơn 1 tỉ USD, tăng 48,05%), hạt điều (325,5 triệu USD, tăng 43,1%) và nhiều mặt hàng khác như cao su, hải sản, dệt may… Tuy nhiên, qua đầu năm 2012, các nước EU phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công buộc họ phải tiết kiệm chi tiêu. Tăng trưởng xuất khẩu các ngành dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ vào thị trường này không còn cao, nhiều DN gặp khó khăn. Một số DN ngành đồ gỗ cho biết đơn hàng từ các nước châu Âu đã giảm khoảng 50% - 60% so với cùng kỳ.
Không chỉ gặp khó khăn do khu vực này thắt chặt chi tiêu, EU còn là một trong những thị trường có nhiều quy định kỹ thuật khá khắt khe. Hiện tại, EU vẫn đang duy trì chính sách bảo hộ sản xuất nội khối (cho 27 nước trong khu vực). Do đó, việc tăng xuất khẩu quá nhanh vào khu vực này có thể đưa đến các nước trong EU sẽ tiến hành một số biện pháp tự vệ, chống bán phá giá...
Theo Bộ Công Thương, các DN khi xuất khẩu vào thị trường EU cần chú ý các yêu cầu về thuế và phi thuế như quy định về hóa chất (reach) hay quy định TRACY về truy nguyên hàng hóa (nguồn gốc hàng hóa, số lô sản xuất…). Một số quy định phi thuế mới như quy định chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không quản lý (IUU). Trong năm 2011, nhiều DN đã bị EU cảnh báo về các vi phạm này. Đồng thời, các nước trong khối EU cũng đang đẩy mạnh thực hiện Luật Nghề rừng (FLEGT), yêu cầu DN phải có chứng chỉ rừng, sử dụng gỗ có nguồn gốc.
Đừng để “sự đã rồi”
Gần đây, các nước EU còn đưa ra một số yêu cầu về vệ sinh, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm rất cao không phải DN nào cũng đáp ứng được nên rất khó đưa hàng qua thị trường này. Chẳng hạn, với mặt hàng thủy sản, nhiều yêu cầu về dư lượng ngay cả một số phòng xét nghiệm cũng không thực hiện được.
Mới đây, các mặt hàng rau thơm (nhóm rau quả) của Việt Nam xuất sang EU rất có tiềm năng nhưng đã bị theo dõi vì phát hiện có sinh vật, bọ trong sản phẩm. Bộ NN-PTNT phải ra công điện yêu cầu sản phẩm rau quả xuất khẩu vào EU phải có chứng thư xuất khẩu. Thế nhưng chỉ trong một tháng, các DN đã 2 lần vi phạm điều này. “Nếu Việt Nam có 5 vụ vi phạm, EU sẽ cấm nhập khẩu rau thơm vào khu vực. Dù rau thơm xuất khẩu sang EU chưa nhiều nhưng đây là uy tín của Việt Nam, sẽ ảnh hưởng đến cả các mặt hàng khác nên cần phải chú ý” - ông Trần Ngọc Quân nhấn mạnh.
Bộ Công Thương cũng khuyến cáo: Các DN khi xuất khẩu vào EU cần kiểm tra kỹ đối tác, nhất là về khả năng thanh toán và tài chính của họ. Thời gian qua, một số DN xuất khẩu vào EU đã gặp tình trạng bị trả chậm tiền hàng, thậm chí có đối tác tuyên bố phá sản.
Các tin khác
YBĐT - Huyện Văn Yên hiện có 20.500 ĐVTN sinh hoạt tại 53 cơ sở đoàn. Những năm qua, phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp có những chuyển biến, thế nhưng những mô hình thanh niên lập thân lập nghiệp vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay và chỉ ở những xã vùng thấp, còn vùng cao hầu như không có.
Thành lập Công ty 100% vốn Việt Nam với tên giao dịch VietnamGold- Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam tại Lào.
YBĐT - Mới đây, trên 1.000 con lợn của hơn 600 hộ dân ở xã Hạnh Sơn huyện Văn Chấn (Yên Bái) có triệu chứng lâm sàng như bỏ ăn, sốt cao, tụ huyết trùng, sốt huyết toàn thân, tiêu chảy khó thở và đã có trên 300 con bị chết, trong đó có 51 con lợn nái.