Đổi mới công nghệ, thiết bị trên địa bàn giai đoạn 2009 - 2011
- Cập nhật: Thứ hai, 26/3/2012 | 2:42:36 PM
YBĐT - Đổi mới công nghệ là việc chủ động thay thế phần quan trọng (cơ bản, cốt lõi) hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng một công nghệ khác tiên tiến hơn, hiệu quả hơn.
Dây chuyền chế biến của Công ty cổ phần chè Văn Hưng.
|
Bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu không có những hoạt động nhằm đổi mới công nghệ thì chắc chắn hệ thống công nghệ, dây chuyền sản xuất, máy móc, trang thiết bị… sẽ trở nên lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, dẫn đến bị đào thải, làm cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp bị đe doạ. Do đó, đổi mới công nghệ là tất yếu và phù hợp với quy luật phát triển.
Đổi mới công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp, nhà sản xuất cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố, duy trì và mở rộng thị phần, đa dạng hoá mẫu mã sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức độ an toàn sản xuất cho người và thiết bị, giảm tác động xấu đến môi trường.
Theo đó, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt. Để giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình đổi mới công nghệ, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp. Đây là hoạt động cần thiết để giúp các doanh nghiệp có những bước đổi mới công nghệ hoàn thiện.
Theo số liệu thống kê của Sở KH&CN, hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ yếu trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong 3 năm 2009- 2011 ước đạt khoảng 330 tỷ đồng. Trong đó, sản xuất chế biết chè là 39,354 tỷ đồng; sản xuất tinh bột sắn là 20 tỷ đồng; sản xuất bia với dây chuyền đồng bộ của Đức là 46 tỷ đồng; chế biến lâm sản là 64,3 tỷ đồng; sản xuất vật liệu xây dựng là 40,6 tỷ đồng; sản xuất khác 17, 2 tỷ đồng.
Thông qua nguồn vốn sự nghiệp KHCN khuyến công được cân đối hàng năm, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ 6,943 tỷ đồng cho 94 cơ sở, doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và tiếp cận các tiêu chuẩn tiên tiến, tập huấn kỹ thuật chuyên môn về ISO 9000, TQM, GMP, HACCP, KCS…
Theo đó, nhiều hoạt động về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, công nghệ, sử dụng công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng đã được các doanh nghiệp triển khai đồng bộ.
Điển hình là chế biến nông sản thực phẩm: Đối tượng được hỗ trợ tài chính chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp chè đã thực hiện đổi mới công nghệ bao gồm: chuyển đổi công nghệ chế biến chè từ công nghệ truyền thống Orthodox sang công nghệ CTC; đầu tư mua sắm thiết bị hiện đại (máy tách cẫng màu quang học) và đầu tư các dây chuyền thiết bị chế biến chè xanh chất lượng cao,… nhằm từng bước nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm chè Yên Bái.
Trong 3 năm, thông qua nguồn vốn sự nghiệp khoa học đã hỗ trợ cho 10 cơ sở chế biến chè với số tiền 2,163 tỷ đồng. Hỗ trợ thông qua các đề án khuyến công 16 cơ sở chế biến chè và 1 cơ sở sản xuất gạo với số tiền 736 triệu đồng.
Trong chế biến lâm sản, đối tượng được hỗ trợ tài chính chủ yếu tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ (ván bóc, ván ép, ván ghép thanh), các cơ sở sản xuất gỗ mộc dân dụng thủ công mỹ nghệ cao cấp và sản xuất tinh dầu quế.
Theo số liệu thống kê, đến nay đã hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị cho 5 cơ sở với số tiền là 789 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học. Hỗ trợ thông qua các đề án khuyến công 34 cơ sở với số tiền là 1,433 tỷ đồng.
Nhiều lao động xã Tân Lĩnh (Lục Yên) có thu nhập ổn định nhờ chế tác đá trắng. (Ảnh: Quang Thiều)
Trong Sản xuất vật liệu xây dựng, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng (chủ yếu là sản xuất gạch) được hỗ trợ tài chính cho việc đổi mới và áp dụng công nghệ mới trong khâu nung đốt gạch bằng hệ thống lò đứng liên tục, đây là phương pháp công nghệ vừa tiết kiệm được nhiên liệu vừa giảm thiểu tác động của khí thải đến môi trường xung quanh.
Trong 3 năm, bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học đã hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị cho 4 cơ sở là: Công ty cổ phần vật liệu xây dựng, Công ty cổ phần xây dựng Quang Thịnh, Công ty sản xuất vật liệu xây dựng Bảo Hưng và Công ty cổ phần khai thác sản xuất và xây dựng Văn Yên) với số tiền 840 triệu đồng. Hỗ trợ thông qua các đề án khuyến công 9 cơ sở với số tiền 286,5 triệu đồng.
Còn lại các lĩnh vực khác: Hỗ trợ đổi mới công nghệ cho 1 cơ sở sản xuất thuốc tân dược (Công ty cổ phần dược phẩm Yên Bái) với số tiền 184 triệu đồng, 1 dây chuyền sản xuất giống nấm Hồng Hà số tiền 50 triệu đồng.
Thông qua các đề án khuyến công hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất cơ khí gia dụng, nông nghiệp, đóng tàu thuyền cho 13 cơ sở với số tiền 461.5 triệu đồng, hỗ trợ đầu tư thiết bị sản xuất nghề truyền thống dệt thổ cẩm cho 1 hộ sản xuất với số tiền 12 triệu đồng... doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và tiếp cận các tiêu chuẩn tiên tiến, tập huấn kỹ thuật chuyên môn về ISO 9000, TQM, GMP, HACCP, KCS…
Tuy nhiên, bên cạch những thành công trong việc đầu tư đổi mới công nghệ vẫn còn những hạn chế là các doanh nghiệp đã có những đầu tư mạnh về thiết bị máy móc công nghệ song lại thiếu cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành; công nhân có trình độ thấp, chưa được đào tạo qua trường lớp. Các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào thiết bị máy móc công nghệ song lại quên mất một vấn đề quan trọng là môi trường.
Sản phẩm tạo ra cơ bản chất lượng đã có nhưng khâu tiếp thị mở rộng thị trường chưa cao và sự đơn điệu về mẫu mã khiến hiệu quả kinh tế vẫn không ổn định.
Nhìn chung, sau 3 năm, việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất được tiến hành đúng quy định, đối tượng nên đã góp phần giúp cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giải quyết công ăn việc làm, có tác động tích cực và hiệu quả trong việc thúc đẩy hoạt động KH&CN, góp phần để doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh.
Trong giai tiếp theo (2012-2015) Sở KHCN sẽ tham mưu với UBND tỉnh về việc hỗ trợ đầu tư, đổi mới công nghệ có chiều sâu, khắc phục những hạn chế tồn tại ở giai đoạn (2009 - 2011), đa dạng hoá, tăng nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị.
Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị. Khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp tiêu biểu tích cực trong việc đổi mới công nghệ. Tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động KHCN, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, khẳng định vị thế trên thị trường, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trang Nhung
Các tin khác
Sáng nay (26-3), giá vàng trong nước tăng mạnh lên 44,15 triệu đồng/lượng nhưng sau đó giảm trở lại.
YBĐT - Sau hơn 5 năm (từ 2006 – 2010) và năm 2011, tổng nguồn vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) trên địa bàn huyện Yên Bình (Yên Bái) đạt trên 140 tỷ đồng. >>Các đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Yên Bái giám sát tình hình đầu tư công cho "tam nông"
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và nông thôn cho biết thời gian gần đây cơ quan chuyên môn đã phát hiện một số nơi người chăn nuôi dùng chất cấm để tạo nạc cho lợn.
Không chỉ khó khăn do khu vực này thắt chặt chi tiêu mà EU còn là một trong những thị trường có nhiều quy định kỹ thuật khắt khe.