Gồng mình chống dịch

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/3/2012 | 9:31:05 AM

YBĐT - Như thông tin đã đưa, dịch lợn tai xanh đang hoành hành ở xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn. Là địa phương tiếp giáp với Văn Chấn, đến nay, thị xã Nghĩa Lộ cũng đã chính thức có dịch tai xanh và đang lây lan với tốc độ chóng mặt. >> Quyết định công bố dịch lợn tai xanh và Công điện khẩn phòng chống dịch

Lãnh đạo xã Nghĩa An kiểm tra dịch bệnh tại hộ dân.
Lãnh đạo xã Nghĩa An kiểm tra dịch bệnh tại hộ dân.

Chúng tôi đến xã Nghĩa An, nơi phát hiện dịch bệnh đầu tiên và nhiều nhất của thị xã Nghĩa Lộ đúng lúc cả Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND xã vừa đi kiểm tra dịch bệnh tại thôn Nậm Đông - thôn xa nhất của xã về. Ông Hà Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã thông báo nhanh tình hình dịch bệnh của địa phương mình: Tính đến 16h ngày 26/3,  toàn xã đã có 162 con lợn mắc bệnh, trong đó 13 con chết ở 5 thôn, bản.

Ông Hồng cho  biết: “Ngay sau khi nhận được tin báo của bà con phát hiện đàn lợn mắc bệnh lạ và lây rất nhanh, xã kịp thời báo cáo cấp trên và thông báo cho người dân về tình hình dịch bệnh. Sau khi được cấp 10 lít thuốc tiêu độc khử trùng và 1,5 tấn vôi bột, xã triển khai phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi trong và xung quanh chuồng trại của 8/8 thôn bản”.

Tính đến ngày 26/3, tức chỉ trong vòng chưa đầy một tuần từ khi phát hiện, dịch tai xanh tại thị xã Nghĩa Lộ đã xuất hiện ở 6/7 xã, phường và đã có 395 con lợn của 100 hộ dân ở 30 thôn, bản mắc bệnh.
Cùng cán bộ thú y thị xã, chúng tôi đến thăm đàn lợn của gia đình anh Vi Ngọc Chình ở bản Đêu 3. Trong chuồng nhà anh Chình thường xuyên có 10 con lợn thịt, nay chỉ còn 7 con, trong đó 3 con mắc bệnh bỏ ăn đã mấy ngày nay.

Anh Chình cho biết, cách đây mấy ngày có thương lái đến trả giá 25.000 đồng/kg lợn hơi nhưng anh không bán vì có bán cũng lỗ mà còn làm lây dịch ra bên ngoài. Anh cố chăm sóc và chạy chữa cho đàn lợn nếu chẳng may bị chết thì cũng đem tiêu hủy để tránh dịch lây lan ra diện rộng.

Được biết, từ dịch bệnh phát hiện ngày 21/3 ở xã Nghĩa An đến hết ngày 26 đã bùng phát ở 6/7 xã, phường và đã có 395 con lợn của 100 hộ dân ở 30 thôn, bản mắc bệnh, trong đó có 3 con chết và 6 con lợn nái bị sảy thai.

 

Bà Hoàng Thị Nồm, tổ Tông Co 1 đau xót nhìn con lợn nái duy nhất của gia đình chết phải đem tiêu hủy.

Đã 18 giờ chiều nhưng tất cả cán bộ của Trạm Thú y thị xã vẫn đang tất bật với việc thống kê số lợn mắc bệnh đang tăng từng giờ. Đang trao đổi với chúng tôi về công tác dập dịch của địa phương thì chuông điện thoại của anh Trần Văn Việt - Trạm trưởng vang lên. “Chắc lại có thêm lợn mắc bệnh ấy mà”- anh Việt nói trước khi ấn nút nghe.

Quả đúng lời anh, thú y viên tổ Tông Co 1 báo trong thôn có lợn chết bệnh báo các anh vào làm thủ tục tiêu hủy. Nhìn đồng hồ lúc đó đã gần 18giờ 30 phút. Vai đeo túi đồ nghề với thuốc sát trùng, bảo hộ lao động…, các anh lại lên đường chống dịch. Vào những ngày nước sôi lửa bỏng này, mọi lực lượng đều được huy động để trực chiến, không kể  ngày đêm, bất cứ ở đâu báo có lợn mắc bệnh chết là các anh lại lên đường.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn thị xã, để ngăn chặn kịp thời các ổ dịch phát sinh và không để dịch lây lan ra diện rộng, UBND thị xã Nghĩa Lộ đã tăng cường chỉ đạo nhân dân thực hiện các biện pháp chống dịch, nhanh chóng dập dịch.

UBND các xã, phường phối hợp với Trạm Thú y khoanh vùng giám sát đàn gia súc; phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột trên toàn địa bàn đặc biệt những nơi có dịch; ngăn chặn, nghiêm cấm các hành vi mua bán, vận chuyển gia súc ra vào địa bàn có dịch.

Cán bộ thú y xã phường phối hợp với tổ trưởng dân phố, trưởng thôn bản tăng cường kiểm tra giám sát các hộ chăn nuôi trên địa bàn, phát hiện, hướng dẫn các hộ kiểm soát điều trị dịch bệnh; thường xuyên báo cáo tình hình dịch bệnh vào 16h hàng ngày với UBND xã, phường, Trạm Thú y thị xã.

Đối với các địa phương có ổ dịch, theo dõi, quản lý chặt chẽ số gia súc bị nhiễm bệnh, nếu phát hiện lợn chết phải báo ngay với cán bộ thú y để lập biên bản tiêu hủy. Các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm soát giết mổ, dừng việc xuất, nhập lợn trên địa bàn.

 

Lợn chết lúc nào phải tiêu hủy ngay lúc ấy, ngay cả trong đêm để tránh dịch lây lan.

Bà Lò Thị Huân - Chủ tịch UBND thị xã cho biết: “Chúng tôi đã và đang dồn hết sức mình chống dịch để làm sao dịch không lan ra diện rộng và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do dịch gây ra đối với người chăn nuôi, quyết tâm bảo vệ đàn lợn không để xảy ra tình trạng "trắng" đàn trên địa bàn thị xã. UBND thị xã cũng đã cấp 7,5 tấn vôi bột, 110 lít thuốc sát trùng và tổ chức mở lớp tập huấn về cách phòng chống bệnh tai xanh cho người dân”.

Dịch lợn tai xanh đang diễn biến hết sức phức tạp. Để khống chế và dập dịch hiệu quả, điều quan trọng nhất hiện nay là người dân phải nhận thức rõ tác hại của dịch để thực hiện tốt chỉ đạo của chính quyền và của cán bộ thú y nhằm có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Công tác phòng chống dịch lợn tai xanh phải được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và sự hợp tác của người dân. Có như vậy, chúng ta mới khống chế và dập dịch thành công.

   Hồng Duyên -Văn Thông

Các tin khác

YBĐT - Những ngày vừa qua, dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn đã xuất hiện và bùng phát tại địa bàn thuộc xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) khiến hàng trăm hộ dân ở đây rơi vào tình cảnh khốn đốn và có nguy cơ trắng tay. >> Gồng mình chống dịch >> Công bố dịch lợn tai xanh và Công điện khẩn phòng chống dịch

Theo quy định của Bộ Tài chính, phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất có mức từ 100.000 đồng đến 5 triệu đồng một hồ sơ.

Bộ Tài chính vừa ban hành 4 thông tư mới về việc cắt giảm thuế nhập khẩu một loạt các mặt hàng nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ các khu vực thương mại tự do (FTA).

Ngày 27-3, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) cho biết, bắt đầu từ tháng 6-2012, cơ quan này cùng các đơn vị chức năng sẽ tiến hành tổng kiểm tra xăng dầu trên địa bàn toàn quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục