Chú trọng áp dụng các biện pháp phòng chống dịch lợn tai xanh
- Cập nhật: Thứ ba, 3/4/2012 | 9:29:26 AM
YBĐT - Ngày 30/3, ông Đặng Bình Nguyên – Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Đến thời điểm này, Chi cục Thú y tỉnh đã nhận được 30 nghìn liều vắc xin và 5 nghìn lít thuốc khử trùng do Cục Thú y Trung ương cấp, kịp thời hỗ trợ các địa phương tại huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ phòng chống dịch lợn tai xanh.
Phun thuốc tiêu độc khử trùng tại vùng có dịch. (Ảnh Đức Toàn)
|
Chi cục đã cấp cho các địa phương 14 nghìn liều vắc xin để triển khai tiêm phòng cho đàn lợn và 450 lít thuốc sát trùng. Riêng huyện Văn Chấn, ngày 30/3 đã cấp bổ sung 480 lít thuốc sát trùng cho nhân dân tiêu độc khử trùng trên địa bàn vùng dịch.
Từ ổ dịch đầu tiên xảy ra tại xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn ngày 17/3/2012, đến ngày 29/3, dịch đã lan ra 48 thôn của 11 xã, phường, thị trấn của huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ làm gần 3 nghìn con lợn mắc bệnh, trong đó trên 1 nghìn con đã chết.
Để dập tắt các ổ dịch, không để lây lan sang các địa phương khác, UBND tỉnh đã ban hành phương án phòng chống dịch bệnh tai xanh ở lợn trên địa bàn tỉnh, trong đó vùng có dịch được xác định là 11 xã, phường, thị trấn của thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn.
Vùng bị uy hiếp và có nguy cơ cao gồm 5 xã của huyện Trạm Tấu là Phình Hồ, Túc Đán, Pá Lau, Pá Hu và Trạm Tấu; 4 xã của huyện Trấn Yên là: Hồng Ca, Hưng Khánh, Hưng Thịnh, Việt Hồng; 3 xã của huyện Văn Yên là: Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Phong Dụ Thượng; 3 xã của huyện Mù Cang Chải là Nậm Có, Cao Phạ và Nậm Khắt. Vùng đệm được xác định có 15 xã thuộc 4 huyện: Mù Cang Chải, Văn Yên, Trấn Yên, Trạm Tấu.
Các xã còn lại của 4 huyện trên và huyện Yên Bình, thành phố Yên Bái là những địa phương chưa có dịch. Trên cơ sở này, tỉnh đã quyết định công bố dịch và thành lập 4 chốt kiểm dịch của tỉnh trên các tuyến đường ra, vào vùng dịch, trong đó có 2 chốt đặt tại xã Bản Dõng, Sơn Lương và Đồng Khê huyện Văn Chấn; 1 chốt đặt tại Km 13, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu và 1 chốt đặt tại xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn qua các trạm kiểm dịch; phun thuốc tiêu độc khử trùng các phương tiện ra vào vùng dịch; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Rắc vôi bột khử trùng trên hố chôn tiêu hủy lợn bệnh. (Ảnh: Văn Thông)
Theo đó, tỉnh chỉ đạo các xã kịp thời thành lập các chốt kiểm dịch trên địa bàn, không để tình trạng vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm của lợn ra khỏi khu vực ổ dịch. Đối với vùng chưa có dịch, cơ quan thú y huyện, xã chỉ tổ chức tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường, tiêm vắc xin cho đàn lợn theo kế hoạch đã phê duyệt; giám sát và phát hiện kịp thời dịch bệnh, báo cáo cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử ký kịp thời.
UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cơ quan thường trực phòng chống dịch tai xanh; Chi cục Thú y tỉnh có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, thực hiện và kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành của tỉnh như Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư… căn cứ quy định và tình hình thực tế địa phương tham mưu cho tỉnh xây dựng kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ trực tiếp các chủ hộ chăn nuôi có lợn bị bệnh phải tiêu hủy theo quy định hiện hành.
Nguồn kinh phí sử dụng được lấy từ kinh phí dự phòng của tỉnh, của huyện và của Trung ương. Tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã chỉ đạo huy động lực lượng phục vụ công tác phòng chống dịch, đặc biệt là công tác tiêu hủy lợn bệnh; thành lập ban chỉ đạo phòng chống bệnh tai xanh cấp huyện, cấp xã, thực hiện theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống bệnh tai xanh tỉnh, trong đó trưởng thôn trực tiếp kiểm tra giám sát tình hình dịch bệnh, phối hợp với các tổ chức đoàn thể quần chúng vận động nhân dân giám sát và thực hiện các biện pháp phòng chống.
Đặc biệt chỉ đạo các thôn ký cam kết thực hiện “5 không” trong phòng chống dịch là: không giấu dịch; không mua bán lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh; không bán chạy lợn bệnh; không vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng dịch và không vứt bừa bãi xác lợn bệnh ra môi trường.
Để dịch bệnh không lây lan rộng, Chi cục Thú y tỉnh cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động và chú trọng áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tăng cường chăm sóc để tăng sức đề kháng cho vật nuôi, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn; khi phát hiện triệu chứng của bệnh cần báo cáo ngay cho trưởng thôn, cán bộ thú y và chính quyền địa phương để nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh.
P.V
Các tin khác
Thủ tướng vừa phê duyệt đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” với phạm vi thực hiện tại các vùng miền núi có nguy cơ trượt lở đất đá thuộc 37 tỉnh, thành.
YBĐT - Những năm qua, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã triển khai các mô hình, chính sách hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp, thuỷ sản bằng việc ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ giống cây trồng, vật nuôi... khá hiệu quả.
YBĐT - Việc áp dụng mô hình phân viên nén dúi sâu đã giúp bà con nông dân vừa tiết kiệm chi phí, nhân lực vừa tăng năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.