Bảo Hưng hướng đến xây dựng vùng chè sạch
- Cập nhật: Thứ ba, 10/4/2012 | 3:44:14 PM
YBĐT - Chuyển mục tiêu theo hướng sản xuất chè sạch, chất lượng cao như ở Bảo Hưng đang rất cần sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn, và là mô hình cần làm đối với đất chè Yên Bái.
Ngòi Đong, Trực Thanh và Khe Ngay là ba thôn có diện tích trồng chè lớn nhất của xã Bảo Hưng. Với 314 hộ dân nhưng có hơn 100 ha đất sử dụng để trồng các loại chè Bát Tiên, Phúc Vân Tiên và LDP1. Khi xã phát động mô hình sản xuất chè sạch, chất lượng cao đã có 31 hộ dân ở các thôn đăng ký tham gia với diện tích ban đầu khoảng 10ha.
Việc đưa mô hình trồng chè theo quy trình "sạch" vào sản xuất và tiếp tục nhân rộng diện tích đang là hướng đi của chính quyền và nhân dân tại địa phương.
Xã Bảo Hưng dự kiến sẽ cải tạo thêm 20ha và vận động các hộ gia đình tham gia dự án sản xuất chè an toàn theo hướng GAP (GAP bao gồm việc sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hái, vệ sinh đất, chế biến…) với mục đích đảm bảo an toàn cho sản phẩm, bảo vệ cho người sản xuất, giữ vệ sinh môi trường và xác định rõ được nguồn gốc sản phẩm.
Trong thời gian vừa qua, người dân địa phương đã được tham gia 2 đợt thăm quan công nghệ chế biến chè tại Thái Nguyên, xã mở các khóa tập huấn này nhằm thay đổi tập quán canh tác để người trồng chè trực tiếp học hỏi và rút kinh nghiệm.
Gia đình ông Phạm Văn Tuyến, thôn Ngòi Đong là một trong những hộ có diện tích trồng chè tương đối lớn trong xã, mỗi tháng thu 1,5 tạ sản phẩm sau chế biến. Hiện tại, gia đình anh đang có khoảng 1 mẫu chè, anh dự kiến cuối năm nay sẽ mở rộng thêm 5 sào.
Ông Tuyến chia sẻ: “Việc chế biến của gia đình và ở Thái Nguyên gần giống nhau chỉ khác ở công đoạn hái. Ở đó họ hái non hơn nên chất lượng chè cũng ngon. Trong cách làm chè, chúng tôi có thể làm được như người dân Tân Cương nhưng cũng tùy từng hộ, như gia đình tôi có thể làm được hơn thế. Để nâng cao chất lượng, tôi đã hướng dẫn cho gia đình cách hái chè non hơn”.
Tại xã, nhiều hộ dân khác đã triển khai ngay những điều học tập được trong khóa tập huấn. Ở khâu chăm bón giữa đợt thu hoạch, người dân đã chuyển đổi từ việc sử dụng phân hóa học sang phân sinh học bằng cách ủ trấu hoặc rơm với chế phẩm vi sinh đến khi hoai mục mới đem bón cho từng gốc chè. Loại phân này giúp tạo chất mùn cho đất, thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Từ khi xã Bảo Hưng triển khai xây dựng hợp tác xã chè sạch, dự án đã được người nông dân ủng hộ và tiến hành thực hiện theo. Sau khi từ Thái Nguyên về, ông Vũ Viết Thập một trong những người đi đầu thực hiện thay đổi mô hình tại địa phương đã đầu tư 25 triệu đồng để xây lại xưởng chế biến chè của gia đình.
Xưởng chế biến của gia đình ông so với trước kia đã có nhiều điểm tiến bộ như: cách ly với gia súc, gia cầm, máy móc được bố trí hợp lý và dễ dàng tháo lắp, đảm bảo an toàn hơn khi làm việc, hạn chế khói, bụi vào sản phẩm.
“Gia đình tôi theo hướng của xã làm chè sạch để đảm bảo cho người tiêu dùng và tăng giá thành. Tôi cải tạo chè đến nay là 3 năm, năm ngoái cũng thu nhập được 40 triệu đồng".
Tại địa phương, giá thành sản phẩm chè vẫn chưa ổn định và thống nhất. Ví như chè Bát Tiên, gia đình anh Tuyến bán ra 90.000đồng/kg nhưng có hộ chỉ bán được 70.000đồng/kg. Có sự chênh lệch như vậy là bởi sau khi chế biến, người dân tự tìm nguồn mua khác nhau và cùng một giống chè nhưng chất lượng khác biệt.
Vì vậy, chính quyền xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động nhân dân áp dụng cùng một cách thức chăm bón, thu hái và công nghệ chế biến nhằm hướng đến tiêu chuẩn chung tiến tới khẳng định "thương hiệu" chè Bảo Hưng.
Việc tạo dựng “thương hiệu” chè Bảo Hưng đang là điểm mấu chốt được quan tâm hàng đầu. Để đạt được điều này, chính quyền địa phương và nhân dân trong xã đang nỗ lực đẩy nhanh các giai đoạn phát triển. Mô hình sản xuất chè theo hướng an toàn được triển khai thành công ở Bảo Hưng sẽ góp phần tăng thu nhập cho bà con nơi đây.
Vũ Thị Thúy
Các tin khác
YBĐT - Năm qua mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ cùng sự leo thang của hàng loại các nguyên liệu đầu vào nhưng giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện Văn Yên (Yên Bái) vẫn có sự tăng trưởng khá và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế.
YBĐT - Tại thời điểm này, toàn tỉnh Yên Bái có tới 15% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể, 55% số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng do năng lực quản trị kinh doanh và tài chính còn hạn chế, sức cạnh tranh thấp.
Hội Thẻ Việt Nam vừa thống nhất sẽ có văn bản kiến nghị Ngân hàng (NH) Nhà nước cho thu phí giao dịch ATM nội mạng. Lý do đưa ra là nhằm tạo điều kiện cho các NH mở rộng đầu tư, trang bị, bảo trì...