Lục Yên đưa công nghiệp thành khâu đột phá

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/4/2012 | 10:05:37 AM

YBĐT - Phát triển công nghiệp - TTCN để công nghiệp là khâu đột phá trong phát triển kinh tế, Lục Yên luôn cam kết tạo điều kiện thông thoáng nhất về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Văn Chiến thăm nhà máy khai thác, chế biến đá của Công ty TNHH Chế biến đá cẩm thạch R.K tại huyện Lục Yên. (Ảnh: Đức Toàn)
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Văn Chiến thăm nhà máy khai thác, chế biến đá của Công ty TNHH Chế biến đá cẩm thạch R.K tại huyện Lục Yên. (Ảnh: Đức Toàn)

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lục Yên lần thứ XX và định hướng phát triển kinh tế đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, giá trị công nghiệp của huyện đạt gần 1000 tỷ đồng, hết nhiệm kỳ công nghiệp - xây dựng chiếm 40% cơ cấu kinh tế; trong đó, tập trung vào các ngành khai thác khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông lâm sản, thực phẩm.

Giữ vững và phát triển các ngành nghề truyền thống: dệt may, mây tre đan, tranh đá quý; phát triển công nghiệp gia công cơ khí, sửa chữa: sửa chữa ô tô, điện tử, điện lạnh, các sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp; hình thành khu công nghiệp, quan tâm ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp; tổ chức sắp xếp lại sản xuất của các cơ sở TTCN; xây dựng mô hình hợp tác xã và tổ hợp sản xuất để huy động sức mạnh của các thành phần kinh tế trong phát triển CN - TTCN.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng trong  năm 2011 (năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX), giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của huyện Lục Yên vẫn đạt trên  201 tỷ đồng (tính theo giá cố định), đạt trên 421 tỷ đồng (tính theo giá hiện hành), bằng 171% so với năm 2010.

Trong quý I năm nay, giá trị sản lượng CN - TTCN vẫn đạt trên 45 tỷ đồng (theo giá cố định) và đạt 100 tỷ đồng (giá hiện hành). Có thể nói, CN - TTCN  phát triển đã làm chuyển dịch mạnh mẽ  cơ cấu kinh tế, đưa nền kinh tế của huyện phát triển đúng hướng, hiệu quả, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo địa phương.

Bên cạnh việc là địa phương có tiềm năng về điều kiện địa lý, tự nhiên và con người, yếu tố quan trọng  quyết định kết quả trên là trong những năm qua và đặc biệt trong nhiệm kỳ XX, Đảng bộ huyện Lục Yên đã có nhiều giải pháp phát huy tiềm năng thế mạnh này.

Lục Yên đã thực hiện một hệ thống các giải pháp mang tính khả thi gồm: chính sách đầu tư, thu hút vốn, khai thác thị trường, ứng dụng khoa học - công nghệ, thực hiện các chính sách ưu đãi của tỉnh đối với các nhà đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư và mở rộng qui mô sản xuất, tạo lượng hàng hoá có giá trị kinh tế cao. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Lục Yên đã quy hoạch các cụm công nghiệp Yên Thế, Vĩnh Lạc, Tân Lĩnh.

Trong đó, cụm công nghiệp Yên Thế với diện tích 50ha đã đầu tư xây dựng một số hạng mục cơ sở hạ tầng, hiện đang được đầu tư các hạng mục công trình, đến nay đã thu hút 4 nhà đầu tư là: Công ty TNHH Chế biến đá cẩm thạch R.K, Công ty Đại Hoàng Long, Công ty TNHH Thành Phát và Công ty cổ phần Khoáng sản Cửu Long VPV với tổng vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng, trong đó 3 doanh nghiệp đã đi vào khai thác.

Theo thống kê, riêng về khoáng sản đã có trên 30 công ty đã và đang tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn.

Không chỉ khai thác tiềm năng thế mạnh trong lĩnh vực khoáng sản, với tiềm năng của mình, lĩnh vực TTCN cũng được chú trọng. Thông qua việc khuyến khích, tạo điều kiện thực hiện tốt các chính sách, sản xuất TTCN trên địa bàn huyện Lục Yên đã có cơ hội phát triển.

Theo thống kê, đến nay trên địa bàn có trên 1.000 cơ sở sản xuất chế biến TTCN các loại, hàng năm tạo giá trị sản xuất hàng nghìn tỷ đồng, đồng thời giải quyết việc làm và thu nhập cho hàng vạn lao động địa phương.

Phát triển CN-TTCN để công nghiệp là khâu đột phá trong phát triển kinh tế, lãnh đạo Lục Yên luôn cam kết, doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương được tạo điều kiện thông thoáng nhất về thủ tục hành chính, được hưởng ưu đãi đầu tư  theo đúng chính sách thu hút ưu đãi của tỉnh.

Bên cạnh đó, địa phương sẽ bám sát, động viên, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đặc biệt làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đây là khâu khó khăn cần quan tâm tích cực, trách nhiệm cao, làm tốt công tác bảo đảm an ninh cho các doanh nghiệp yên tâm làm ăn lâu dài.

Cùng tạo thông thoáng về cơ chế, chính sách, việc đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục được quan tâm. Song song với tuyến đường Khánh Hoà -  Minh Xuân đang được đầu tư nâng cấp, huyện đã phối hợp với các ngành của tỉnh xây dựng dự án nâng cấp cầu Tô Mậu bắc qua sông Chảy để xe trọng tải lớn có thể  vận chuyển hàng hoá; xây dựng dự án mở thêm 4 tuyến đường đi các huyện phụ cận và ngoại tỉnh; dự án nâng cấp 7 tuyến đường giao thông nội huyện...

Có thể nói, những giải pháp đồng bộ này sẽ giúp các nhà đầu tư yên tâm đầu tư sản xuất để CN-TTCN thực sự là khâu đột phá thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững, góp phần xây dựng Lục Yên trở thành huyện giàu mạnh.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Đàn lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh đến kỳ xuất chuồng vẫn chưa thể bán vì giá lợn hơi giảm mạnh.

YBĐT - Một số người bán thịt lợn nói chung và tại các chợ ở thành phố Yên Bái nói riêng đều cho biết giá thịt lợn đã hạ nhiều theo giá lợn hơi nhưng sức tiêu thụ giảm đi rất nhanh.

Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, 4 doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối xăng dầu (Petrolimex, PV Oil, Sài Gòn Petro và Cty TNHH một thành viên Thương mại Dầu khí Đồng Tháp) vừa gửi văn bản xin tăng giá bán lẻ xăng dầu.

Thủ tướng vừa phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2020, trong đó nêu rõ mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính - tiền tệ.

YBĐT - Đến nay huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã trồng mới được hơn 1 triệu cây phân tán, tăng 120 nghìn cây so với kế hoạch. Các giống cây được trồng là quế, keo, bồ đề và một số giống cây khác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục