Làng miến Giới Phiên đón đợi cơ hội mới
- Cập nhật: Thứ ba, 24/4/2012 | 3:16:03 PM
YBĐT - Ngòi Đong - làng “thủy tổ” của nghề làm miến ở xã Giới Phiên đang được chính quyền địa phương hoàn tất các thủ tục đề nghị thành phố và tỉnh Yên Bái công nhận là làng nghề sản xuất miến.
Làng miến vào vụ.
(Ảnh: Hoàng Đô)
|
Đây thực sự là tín hiệu vui, mở ra cơ hội mới trong việc gìn giữ và phát triển một nghề truyền thống đã từng gắn bó với người dân địa phương hơn bốn thập kỷ qua. Đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi để Giới Phiên tiến tới xây dựng một thương hiệu uy tín cho sản phẩm miến dong của làng nghề.
Nghề làm miến ở Giới Phiên có từ đầu những năm của thập kỷ 60 thế kỷ trước. Uy tín của miến dong Ngòi Đong đã được người dân trong vùng, trong tỉnh và cả nước biết đến như một sản vật. Thời kỳ thịnh vượng, xã có tới 120 hộ sản xuất miến đao, sản lượng đạt khoảng 300 - 400 tấn bột, tương đương gần 250 tấn miến khô. Người biết làm miến có ở khắp các thôn nhưng tập trung chủ yếu ở Ngòi Đong.
Làng Ngòi Đong có 113 hộ, 360 nhân khẩu thì có tới 41 hộ có thâm niên mấy mươi năm làm nghề. Câu chuyện thiếu nguyên liệu tại chỗ phục vụ cho sản xuất miến không còn là nỗi lo của những người làm nghề tâm huyết “sinh nghệ tử nghệ” gìn giữ nghề truyền thống mà tổ tiên để lại.
Ông Phạm Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã phân trần: “Mấy năm nay, tuy diện tích trồng đao của xã còn không đáng kể nhưng người làm nghề lại không chút bận tâm vì nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất miến khô rất sẵn, được nhập từ rất nhiều nguồn nhưng chủ yếu từ Dương Liễu (trước thuộc Hà Tây, nay thuộc Hà Nội), Sơn La, Lai Châu, Lào Cai và cả các xã sản xuất cây đao giềng của huyện Trấn Yên… Vấn đề phải lo nhất khi Giới Phiên được công nhận làng nghề là nguồn điện sản xuất phục vụ máy móc thiết bị hoạt động; việc xử lý nước thải bảo đảm vệ sinh môi trường; việc tính toán để có diện tích sân phơi phù hợp; sản xuất tập trung thành vùng nhằm đạt chuẩn chung về chất lượng, tiến tới xây dựng một thương hiệu uy tín cho sản phẩm của làng nghề”.
Trời tháng Tư đỏng đảnh như một cô bé mới lớn, chợt nắng rồi lại chợt mưa khiến người làng miến cứ phấp phỏng trông trời trông đất... Ông Trần Văn Sản, người được mệnh danh là “vua miến” Giới Phiên bộc bạch: “Nghề làm miến phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Thường thì một ngày, gia đình làm được 1,2 tạ nhưng thời tiết ẩm ương thế này chẳng dám làm nhiều vì mưa xuống là không có chỗ phơi mà rồi miến không được nắng sẽ không thơm, màu cũng không được đẹp. Chất lượng không bảo đảm, mất uy tín làng nghề như chơi. Đấy, như hôm nay, sáng lắc rắc mấy hạt mưa, chiều bỗng dưng nắng đẹp. Thế là nhỡ mất 4 nồi bột…”.
Thấu hiểu cái khó, cái khổ của người làm nghề nhưng gần cả cuộc đời gắn bó với nghề mà ông cha để lại, ông Sản vui và mong hơn ai hết ngày làng Ngòi Đong quê ông sẽ được công nhận là làng nghề sản xuất miến. Là người đầu tiên của xã được hỗ trợ gần 30 triệu đồng để đầu tư máy làm miến từ chương trình khuyến công của tỉnh, ông thật sự biết ơn sự quan tâm của tỉnh, của thành phố đối với nghề làm miến truyền thống của quê mình.
Với ông và những người làm miến quanh năm ở Giới Phiên thì đây thực sự là một cuộc cách mạng về công nghệ, giúp thay dần sức người bằng thiết bị máy móc, tăng năng suất, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của bà con. Tuy vậy, bí quyết ngon, giòn khác biệt của miến dong Ngòi Đong vẫn nằm ở công đoạn thủ công mà chưa máy móc nào có thể thay thế kinh nghiệm truyền đời của người làm nghề nơi này.
Người dân làm miến làng Ngòi Đong nói riêng và 54 hộ sản xuất miến trên địa bàn xã Giới Phiên nói chung đang vui mừng đón đợi và sẵn sàng hội nhập làng nghề. Chẳng thế mà bươn trải qua bao nghề, biết địa phương và thành phố có chủ trương xây dựng làng nghề sản xuất miến đao, mấy năm nay, ông Nguyễn Danh Chiến lại quay về với nghề làm miến xưa kia của tổ tiên. Cụ nội ông - cụ Cả Mai được coi là người đầu tiên của nghề làm miến làng Ngòi Đong từ thời người làng còn làm miến tráng, miến thái rất đỗi thủ công.
Trở lại với nghề, ông Danh là người mạnh dạn tiên phong thí điểm lắp đặt lò sấy miến - Dự án do Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh và Công ty Cơ khí Hồng Hà Yên Bái triển khai đầu tư thí điểm trên địa bàn. Nếu cả năm 2010, gia đình ông sản xuất được 7 tấn miến thành phẩm thì năm 2011 đã tăng lên 13 tấn. Bỏ ra không ít tiền đầu tư, lò sấy miến thí điểm tại gia đình ông bước đầu phát huy hiệu quả kinh tế, khắc phục được những hạn chế về thời tiết, giúp người làm nghề chủ động được thời vụ sản xuất trong năm.
Năm 2010, Giới Phiên có 9 hộ được hỗ trợ kinh phí từ chương trình khuyến công, khuyến nông của tỉnh để mua máy thủy lực ép miến. Năm 2011 và đầu năm 2012, 10 hộ sản xuất miến đao trên địa bàn xã tiếp tục được thành phố hỗ trợ 200 triệu đồng đầu tư lắp đặt 10 máy ép miến. Chỉ tính riêng ở Ngòi Đong, hiện đã có 21 hộ có máy ép miến thủy lực. Các máy ép thủ công đã được cải tiến, giảm được sức lao động và hộp miến được bọc bằng thép trắng bền hơn, bảo đảm vệ sinh hơn. Đến nay, số hộ sản xuất miến quanh năm ở thôn 6 - Ngòi Đong đã chiếm trên 60%. Năm 2010, cả thôn sản xuất được 259 tấn miến thành phẩm thì năm 2011 đã tăng lên 344 tấn, đưa mức thu nhập của lao động làng nghề bình quân đạt từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Ngòi Đong đã đảm bảo được các tiêu chí công nhận làng nghề của Chính phủ. Người sản xuất miến Giới Phiên đón đợi cơ hội này với ước vọng gìn giữ và phát triển nghề truyền thống; quảng bá, đưa sản phẩm miến đao đến với các thị trường tiềm năng, tiến tới xây dựng thương hiệu uy tín cho sản phẩm của làng nghề. Trước mắt, xã tiếp tục vận động nhân dân đưa máy móc, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và phấn đấu năm 2012, sản lượng miến của toàn xã đạt 500 tấn trở lên.
Ông Phạm Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Giới Phiên:
Ông Trần Văn Sản - người dân thôn Ngòi Đong:
Ông Nguyễn Danh Chiến - người dân thôn Ngòi Đong:
Phạm Minh (thực hiện) |
Minh Thúy
Các tin khác
YBĐT - Nhiều năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Bình (Yên Bái) luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp chỉ đạo của cấp trên, tích cực cho vay đối tượng chính sách xã hội ở cơ sở, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Với quyết định này của Ngân hàng Nhà nước, BIDV trở thành ngân hàng nhà nước thứ tư cổ phần hóa sau Vietcombank, Vietinbank và MHB.
YBĐT - Xác định “Giao thông đi trước một bước”, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đang tăng cường huy động mọi nguồn lực cho nâng cao chất lượng và phát triển mạng lưới giao thông, phục vụ hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
YBĐT - Hiện nay, thành phố Yên Bái có 8.716 hộ, 28.644 khẩu tham gia sản xuất nông - lâm - thủy sản, trong đó có 3.453 hộ sản xuất nông nghiệp, chiếm 39,6%.