Trấn Yên đã khống chế được dịch tai xanh
- Cập nhật: Thứ hai, 21/5/2012 | 9:09:45 AM
YBĐT - Tính đến ngày 23/4/2012, toàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã có 6 hộ có gia súc ốm chết và phải tiêu hủy do mắc bệnh tai xanh, trong đó 83 con lợn bị ốm, 20 con bị chết và 25 con phải tiêu hủy. Hiện nay, dịch bệnh tai xanh ở Trấn Yên đã tạm thời được khống chế, công tác phòng chống dịch đang tiếp tục khẩn trương.
Trấn Yên đã khống chế được dịch tai xanh
|
Cụ thể, Trạm Thú y huyện đã cung ứng và chỉ đạo các xã, thị trấn tiêm phòng tai xanh trên 7.100 liều, dịch tả gần 33.000 liều, tụ huyết trùng trên 12.000 liều và phun thuốc tiêu độc khử trùng tại 22 xã, thị trấn với tổng số 1.487 lít thuốc. Ngoài ra, tại địa bàn thị trấn Cổ Phúc đã tổ chức phun tiêu độc khử trùng 1lần/ngày ở vùng dịch; tạm dừng giết mổ, tiêu thụ sản phẩm, vận chuyển mua bán lợn trên địa bàn. Các xã còn lại thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo kế hoạch của Ban chỉ đạo huyện nhằm ngăn chặn và chống dịch hiệu quả.
Đặc biệt, Trạm đã có Thông báo số 10 về việc cấm giết mổ lợn trên địa bàn thị trấn Cổ Phúc kể từ ngày 17/4/2012. Ngay sau khi có thông báo tới từng cơ sở thôn, khu phố và các hộ dân thì hoạt động, mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn đã tạm dừng hoàn toàn, tất cả các quầy bán thịt lợn đều đóng cửa; một số hộ đã chuyển sang kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác như thịt gà, thịt chó, thịt bò…
Sau hơn 20 ngày thực hiện các biện pháp khống chế, dập dịch, đến nay, tình hình dịch lợn tai xanh tại thị trấn Cổ Phúc tạm thời được khống chế. Để đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho nhân dân và lưu thông các sản phẩm từ lợn, Trạm Thú y huyện đã ra Công văn số 16 hướng dẫn việc kiểm soát giết mổ lợn trên địa bàn thị trấn Cổ Phúc. Cụ thể các hộ kinh doanh giết mổ lợn phải cách xa nơi có dịch, lợn giết mổ phải khỏe mạnh, nếu đã tiêm vac xin phải đảm bảo sau 15 ngày trở lên.
Ngoài ra, lợn được phép giết mổ là lợn của các hộ chăn nuôi bên ngoài vùng dịch, được chủ hộ nuôi viết giấy cam kết về tình trạng sức khỏe. Cùng với đó, các kiểm dịch viên Trạm thú y huyện được giao nhiệm vụ kiểm tra giấy cam kết của chủ hộ nuôi và giám định sức khỏe của lợn ngay tại điểm giết mổ. Sau khi kiểm tra tiếp tục giám sát, đóng dấu và dán tem lên sản phẩm theo quy định. Đồng thời hướng dẫn tiêu độc khử trùng nơi giết mổ.
Sau khi có Công văn của Trạm Thú y huyện, UBND thị trấn Cổ Phúc đã thông báo cho các hộ kinh doanh giết mổ trở lại vào ngày 4/5. Tuy nhiên hiện nay, đa số người tiêu dùng vẫn hoang mang, không dám mua thịt lợn vì sợ dịch bệnh. Chị Phạm Thị Hòa, chủ cửa hàng bán thịt lợn tại chợ Cổ Phúc chia sẻ: “Cửa hàng tôi đã đã bán hàng trở lại sau khi có thông báo của UBND thị trấn Cổ Phúc nhưng đến nay việc kinh doanh thịt lợn vẫn khá ế ẩm. Mặc dù hàng của chúng tôi đã được kiểm dịch đầy đủ nhưng người mua vẫn lo ngại”.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, đến nay, dịch bệnh tai xanh ở lợn trên địa bàn huyện Trấn Yên đã tạm thời được khống chế không để lây lan ra diện rộng ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi, kinh doanh giết mổ và người tiêu dùng. Người tiêu dùng nên xóa bỏ tâm lý e ngại, hãy mua thịt lợn có sự kiểm định của cơ quan chuyên môn và có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình.
Kim Oanh - Thanh Tiến
Các tin khác
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) cho biết, Tổng Công ty đang tập trung mọi nguồn nhân lực, tài chính và máy móc thiết bị để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện, phấn đấu trong năm 2012 sẽ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia gần 1.290 MW công suất, nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội.
Đến thời điểm giữa tháng 5/2012, số xe ô tô công đã sử dụng vượt quá thời gian quy định trên 10 năm lên tới 10.700 chiếc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Công văn số 3263/BKHĐT-PC hướng dẫn về việc lựa chọn dự án phải chuyển đổi hình thức đầu tư, sau khi không còn được nhận vốn từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ. Đây là một nỗ lực quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu đầu tư công.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phê duyệt dự án “Hỗ trợ quản trị tri thức và đối thoại chính sách thông qua Đối tác phòng chống cúm gia cầm và cúm ở người” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP).