Sản xuất chè an toàn - hướng đi bền vững ở Yên Bái
- Cập nhật: Thứ ba, 22/5/2012 | 9:44:16 AM
YBĐT - Làm gì để sản xuất, kinh doanh chè ngày một hiệu quả và trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh luôn là vấn đề trăn trở của các cấp, doanh nghiệp và những người tâm huyết với chè. >>Bảo Hưng hướng đến xây dựng vùng chè sạch
Nông dân thị trấn Nông trường Liên Sơn (Văn Chấn) thu hái chè an toàn bán cho nhà máy.
|
Yên Bái là tỉnh có diện tích chè rộng gần 13 ngàn ha, cùng với gần 100 cơ sở chế biến chè từ 3 tấn đến 40 tấn búp tươi/ngày và hàng vạn hộ nông dân có thâm niên làm chè. Không chỉ có vậy mà đất đai, khí hậu rất thuận lợi, hàng năm tỉnh cũng đầu tư khá nhiều nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh chè thế nhưng chè vẫn chưa thực sự trở thành một ngành kinh tế quan trọng của địa phương.
Làm gì để sản xuất, kinh doanh chè thực sự hiệu quả và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn luôn là điều trăn trở của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người làm chè Yên Bái.
Chưa ai biết cây chè trên đất Yên Bái có từ bao giờ nhưng nhiều chuyên gia nước ngoài sau khi đến nghiên cứu từ những cây chè Shan tuyết cổ thụ ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn thì cho rằng nơi đây là thủy tổ của cây chè.
Có phải Yên Bái là thủy tổ của cây chè hay không điều đó có lẽ cũng không quá quan trọng, người ta chỉ biết rằng từ những năm 64,70 của thế kỷ trước người dân đã biết trồng chè với quy mô lớn và đến hôm nay diện tích chè đã đạt gần 13 ngàn ha trong đó có 11 ngàn ha chè kinh doanh.
Đã hơn 40 năm làm chè và cũng trải qua bao biến cố, thăng trầm nhưng người làm chè vẫn chưa thực sự khá được. Đành rằng giá trị mà cây chè mang lại, góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương... nhưng so với tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu, lao động, sự quan tâm, đầu tư của tỉnh thì vẫn chưa tương xứng.
Liên tục trong vòng 5 năm trở lại, đây sản xuất, kinh doanh chè gặp khó khăn. Diện tích, năng suất, sản lượng chè vẫn tăng nhưng giá trị thu nhập thì không tương xứng.
Năm 2011, năng suất chè bình quân đạt 83,3 tạ/ha, tăng 4 tạ so với kế hoạch, sản lượng chè búp tươi trên 90 ngàn tấn, doanh thu từ các doanh nghiệp chế biến đạt 393 tỷ đồng, nộp ngân sách 24,7 tỷ đồng, lương bình quân của công nhân ngành chè đạt 1,6-1,8 triệu đồng/người/tháng, giá trị thu nhập trên mỗi ha canh tác đạt 22 triệu đồng.
Giá thu mua nguyên liệu bình quân từ 2-4 ngàn đồng/kg, cuộc sống của hàng vạn hộ làm chè gặp khó khăn và không thể sống bằng cây chè được. Không chỉ có vậy, sản xuất, kinh doanh chè trong nhiều năm nay rất khó khăn, năm thì chè "bom" lò quay tay, năm thì chè vàng, năm 2011 vừa qua thì "chè bẩn". Lúc thì tranh mua nguyên liệu giữa các nhà máy, có thời kỳ thiếu nguyên liệu... làm cho sản xuất, kinh doanh chè lao đao, khốn đốn.
Người làm chè thu hái không đúng kỹ thuật, chạy theo số lượng, hái quá lứa, quá dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng của cây chè, chất lượng búp xấu, dẫn tới tỷ lệ thu hồi chè phẩm cấp cao thấp, tăng chi phí sản xuất, chất lượng chè thành phẩm kém, giá bán thấp.
Trong chế biến, nhà máy thì nhiều, nhưng máy móc, công nghệ lạc hậu, việc gắn kết giữa nhà máy với vùng nguyên liệu không có sự ràng buộc dẫn đến không làm chủ nguyên liệu đầu vào. Đặc biệt từ tháng 5/2011, một số nhà máy, người dân chạy theo lợi nhuận sản xuất chế biến "chè bẩn" làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thị trường chè Yên Bái...
Làm gì để sản xuất, kinh doanh chè ngày một hiệu quả và trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh luôn là vấn đề trăn trở của các cấp, doanh nghiệp và những người tâm huyết với chè. Quan điểm, mục tiêu phát triển chè của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh bền vững, coi trọng chất lượng, lấy nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến chè là khâu đột phá để nâng cao giá trị và hiệu quả…
Những mục tiêu, quan điểm đó là rất phù hợp và chỉ có làm như vậy thì việc sản xuất, kinh doanh chè mới phát triển bền vững. Nhưng có lẽ vấn đề quan trọng nhất là làm sao phải phát triển theo hướng "chè sạch", chè an toàn theo tiêu chuẩn (Vietgap) từ khâu sản xuất đến chế biến. Đối với sản xuất nông nghiệp, trước hết người dân cần thay đổi tư duy, cũng như cách làm chè bằng kinh nghiệm truyền thống trước đây.
Có nghĩa là đã sản xuất chè sạch, chè an toàn là phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt từ cách trồng và chế biến. Ngay cả việc bón phân cũng phải bón làm sao cho cân đối để hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thu hái đến đâu đưa vào chế biến ngay đến đó tránh tình trạng chè bị ôi, khi sao sấy không để lẫn nước, tránh chè bị dập búp, bảo quản chè nguyên liệu và chè thành phẩm phải đúng quy chuẩn.
Thực hiện các yêu cầu đó ngoài những kiến thức đã có của người dân, ngành nông nghiệp, các huyện, thị phải thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân, doanh nghiệp về sản xuất, chế biến chè an toàn, chè sạch. Tích cực đầu tư dây chuyền máy móc, đổi mới công nghệ chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện nay, đã có nhiều địa phương và doanh nghiệp đang triển khai thực hiện quy trình sản xuất chè sạch hiệu quả như: thôn Ngòi Đong, Trực Thanh xã Bảo Hưng (thành phố Yên Bái), Công ty cổ phần Chè Liên Sơn, Doanh nghiệp Thành Công…
Trong những năm gần đây tỉnh cũng đã có những cơ chế "đặc thù" trong việc trồng và cải tạo giống chè, tuy nhiên, chúng ta mới làm được phần ngọn còn vấn đề chính là chăm sóc, thu hái theo Vietgap và khâu chế biến thì lại chưa làm được.
Điều đó bắt buộc chúng ta phải đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cũng như công nghệ chế biến đi theo mới có thể phát huy hiệu quả. Một vấn đề cốt lõi trong sản xuất chè sạch, chè an toàn là phải có sự liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp.
Sự liên kết này chỉ bền chặt và thành công khi lợi ích đôi bên được đảm bảo hài hòa, sản xuất chè búp sạch thì giá mua của doanh nghiệp cũng theo chè sạch. Chỉ có sản xuất, chế biến chè sạch, chè an toàn mới tạo cho ngành chè phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Thanh Phúc
Các tin khác
Do các yếu tố đầu vào thường xuyên biến động theo thị trường, nên việc Thủ tướng phê duyệt mức giá bán lẻ điện cụ thể sẽ không linh hoạt.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình triển khai Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Ngày 21-5, Bộ NN-PTNT cho biết, sau khi có chỉ đạo về kiểm tra chất cấm trên rau quả nhập khẩu và lưu thông trên thị trường, Cục Bảo vệ thực vật vừa chính thức có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát về kết quả kiểm tra chất cấm formaldehyde (thuốc ướp xác).
YBĐT - Đến xã vùng cao Sùng Đô vào mùa khô nắng gắt, điều làm tôi chú ý chính là những thay đổi trong lĩnh vực đời sống xã hội. Được đầu tư từ nguồn vốn chương trình 135, chương trình 30a của Chính phủ, xã đã xây dựng công trình thủy lợi tại thôn Nà Nọi với tổng vốn đầu tư gần 2,8 tỷ đồng.