"Nghề” trồng rừng ở Văn Chấn
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/7/2012 | 8:58:29 AM
YBĐT - Trước đây, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có vài chục nghìn ha đất có thể trồng rừng nhưng đều bị bỏ trống. Việc trồng rừng kinh tế còn rất xa lạ. Giờ đây, Văn Chấn đang nỗ lực phủ kín những khoảng rừng trọc bằng các giống cây nguyên liệu có giá trị kinh tế cao.
Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn giao cây giống đến tay người dân để chuẩn bị trồng rừng.
|
Thôn Văn Thi 4 có hơn 150 hộ dân là thôn xa nhất của xã Sơn Thịnh, cuộc sống rất khó khăn và là thôn có tỷ lệ đói nghèo cao, nhưng đến nay nhờ trồng rừng kinh tế mà cái đói cái nghèo ngày một lùi xa.
Gia đình anh Đặng Thanh Thủy là một trong những hộ có mô hình trồng rừng hiệu quả ở thôn cho biết: “Trước đây cũng như nhiều hộ trong thôn, gia đình tôi làm quần quật cả ngày mà cũng không đủ ăn, chưa nhận thức được giá trị của rừng. Thế rồi được các ngành của huyện, xã vào thôn tuyên truyền, vận động, giải thích về tác dụng của rừng, chúng tôi đã nhận thức được lợi ích từ rừng".
Từ năm 2006, gia đình anh Thủy nhận đất trồng rừng theo Dự án 661, được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc. Qua 5 năm, triển khai trồng rừng gia đình đã có hơn chục ha rừng kinh tế, đến thời điểm này diện tích rừng trồng năm thứ tư đã cho tận thu khai thác.
"Mỗi năm tỉa thưa bán được 15 - 20 triệu đồng, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, bán thu được đồng nào gia đình tiếp tục đầu tư vào trồng rừng" - anh Thủy nói.
Cùng với gia đình anh Thủy ở Văn Thi 4 còn có 15 hộ gia đình đã bắt tay vào trồng rừng kinh tế, trong đó phải kể đến gia đình ông Đào Quốc Nhuận, Vũ Văn Sáu có hàng chục ha rừng kinh tế.
Không phải ngẫu nhiên mà phong trào trồng rừng ở Văn Chấn lại rầm rộ như bây giờ. Trước năm 2003, trồng rừng kinh tế còn rất xa lạ với người dân Văn Chấn, người dân chỉ chủ yếu trồng rừng cho các lâm trường. Bà con người Dao, người Mông, Thái ở Văn Chấn chỉ quen với việc trồng quế, trồng thông… còn trồng rừng kinh tế mà lại bằng giống keo ngoại rất xa lạ.
Để hàng chục ngàn ha rừng kinh tế xanh mướt như bây giờ là những cuộc vận động, tuyên truyền và cán bộ nông nghiệp, cán bộ kiểm lâm xuống cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm với người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn, với quyết tâm đưa lâm nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao thu nhập cho bà con, huy động các đơn vị, cơ quan và nhân dân hưởng ứng trồng rừng kinh tế, các cán bộ khuyến nông đến từng thôn bản hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.
"Cán bộ kiểm lâm xuống các bản làng để giao cây giống, cầm tay chỉ việc các khâu kỹ thuật cho bà con; hướng dẫn từ cách đào hố diệt mối, bón phân, gỡ bầu đúng quy trình kỹ thuật. Giống, phân bón được chuyển đến tận thôn, bản” - ông Toản cho biết.
Từ tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho người dân cùng với những chính sách hợp lý của huyện nên nhận thức của người dân về lợi ích từ rừng đã ngày một nâng cao, đặc biệt trong cách nghĩ cách làm.
Từ đó, đã đưa diện tích rừng trồng mới của Văn Chấn ngày một tăng. Từ năm 2008 đến nay, mỗi năm toàn huyện trồng mới được trên 3.000ha rừng. Riêng năm 2012 toàn huyện đã trồng mới được trên 2.000 ha rừng các loại, một số xã có phong trào trồng rừng không kém gì các xã vùng thấp như: Thượng Bằng La, Chấn Thịnh, Sơn Thịnh…
Kinh tế đồi rừng đang trở thành một hướng đi tích cực trong xóa đói nghèo cho người dân. Quan trọng hơn là người dân đã nhận thức được giá trị kinh tế và vai trò của rừng đối với đời sống.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Thanh Bình - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn, diện tích trồng rừng còn manh mún, đường đi lại còn khó khăn, số hộ tham gia trồng rừng thì nhiều như nhỏ lẻ. Cán bộ kiểm lâm địa bàn ít nên khó khăn cho công tác chỉ đạo và nghiệm thu từng khâu trong công tác trồng rừng. Khâu vận chuyển cây giống đến nơi trồng bị dập nát ảnh hưởng đến chất lượng cây giống. Một số bà con ở các xã vùng cao trồng còn không theo đúng quy trình kỹ thuật, trồng theo ý của mình và trồng không đúng thời vụ dẫn đến tỷ lệ cây sống thấp.
Thực tế cho thấy, rừng phát triển bền vững khi người dân tập trung cho sản xuất rừng và coi đó là một nghề. Đặc biệt, người dân biết dựa vào rừng để đảm bảo cuộc sống, còn nếu phát triển rừng là phụ và người dân vẫn phải lo ăn từng bữa thì không có thể có rừng trồng đạt kết quả cao.
Do đó, để tiếp tục phát huy hiệu quả kinh tế đồi rừng, Văn Chấn rất cần chính sách hỗ trợ của tỉnh, các ngành để người dân tiếp tục đầu tư vào trồng rừng kinh tế, đặc biệt là ở các xã vùng cao.
Văn Thông
Các tin khác
Ngày 5-7, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam (Vista) cho biết tới đây sẽ có nhiều tour du lịch giá rẻ vì được giảm giá vé máy bay tới 49%.
Với mức phí cao nhất đã được chốt là 280.000 đồng/lượt và thấp nhất là 70.000 đồng/lượt, tất cả các phương tiện lưu thông trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từ sẽ bắt đầu phải nộp phí từ 22h ngày 6/7.
YBĐT - Mô hình ứng dụng SRI được Trạm Bảo vệ Thực vật (BVTV) huyện Lục Yên triển khai thực hiện tại thôn Đồng Tâm, xã Liễu Đô trên diện tích 1000m2, bằng giống lúa Thiên Trường 750, với 30 học viên là các hộ nông dân tham gia.
Ngày 4-7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình tài chính sáu tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ sáu tháng cuối năm.