Mô hình lúa SRI ở Lục Yên
- Cập nhật: Thứ năm, 5/7/2012 | 3:05:46 PM
YBĐT - Mô hình ứng dụng SRI được Trạm Bảo vệ Thực vật (BVTV) huyện Lục Yên triển khai thực hiện tại thôn Đồng Tâm, xã Liễu Đô trên diện tích 1000m2, bằng giống lúa Thiên Trường 750, với 30 học viên là các hộ nông dân tham gia.
Các đại biểu thăm quan mô hình canh tác lúa cải tiến SRI tại xã Liễu Đô.
|
Hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) là sự tác động tổng hợp của các biện pháp kỹ thuật như cấy mạ non, mật độ cấy thưa, quản lý nước, rút nước 3 - 4 lần trong giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng thay cho việc để ruộng ngập liên tục, làm cỏ sục bùn, tăng cường bón phân hữu cơ và bón phân theo nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa và quản lý dịch hại theo IPM. Đây là một công nghệ thích hợp tăng năng suất lúa thông qua việc thay đổi tập quán quản lý, giảm thiểu đầu vào về giống, thuốc BVTV và tiết kiệm nước, nhưng vẫn đảm bảo năng suất cao.
Hệ thống SRI được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Chương trình SRI là một chương trình phù hợp để ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất lúa, do Cục BVTV và tổ chức OXFAM Hoa Kỳ hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí, đã được mở rộng ứng dụng trên nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có tỉnh Yên Bái.
Qua việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật SRI và quản lý dịch hại theo IPM vào sản xuất vụ xuân tại xã Liễu Đô cho thấy, so với tập quán, ruộng lúa được áp dụng SRI ngay từ đầu vụ, chi phí đầu tư về giống giảm 45 - 50% (Do chỉ cấy 1 dảnh/khóm, trong khi tập quán canh tác truyền thống của nông dân thường cấy 3 đến 4 dảnh/khóm). Lượng đạm giảm 25 %, tăng lượng kali 25%, thuốc BVTV giảm 50%, lượng nước tưới giảm 2 lần/vụ, khả năng chịu hạn tương đương với ruộng cấy theo tập quán truyền thống, chi phí giảm từ 680.000 - 960.000đồng/ha, năng suất thực tế đạt từ 62 - 66 tạ/ha.
Về hiệu quả kinh tế, ở công thức cấy 30 dảnh/m2 cho hiệu quả cao nhất, lúa ít bị nhiễm sâu bệnh, năng suất lúa đạt trên 235 kg/sào, lãi so với đầu tư là 687.500 đồng/sào. Bên cạnh đó, việc điều tiết nước theo giai đoạn phát triển của cây lúa đã làm giảm độ chua, giảm chất độc có trong đất, kích thích bộ rễ phát triển, tăng khả năng đẻ nhánh, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Mô hình ứng dụng SRI đạt được cả 3 mục đích phát triển quan trọng: tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích gieo trồng; cải thiện môi trường sinh thái cho cộng đồng và nâng cao tính đoàn kết khi cả cộng đồng cùng nhau quản lý nguồn nước, đổi công lao động, giúp nhau tiếp cận tri thức mới và làm thay đổi tập quán canh tác lâu đời của bà con nông dân.
Các kỹ thuật của hệ thống canh tác lúa cải tiến khá đơn giản, phù hợp với trình độ canh tác của nông dân ở các vùng trọng điểm lúa có trình độ thâm canh. Áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến làm giảm chi phí đầu tư (giảm chi phí về giống, thuốc BVTV, nước tưới, công lao động ...), làm giảm mức độ nhiễm sâu bệnh, nên giảm số lần phun thuốc trong vụ, qua đó giảm ô nhiễm môi trường và tăng tính an toàn cho sản phẩm, góp phần làm tăng năng suất lúa, tăng hiệu quả kinh tế so với phương thức canh tác truyền thống của địa phương.
Từ hiệu quả chương trình SRI vụ xuân 2012 tại xã Liễu Đô, Trạm BVTV huyện Lục Yên tiếp tục tuyên truyền, xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sâu rộng trong nhân dân để mở rộng diện tích ứng dụng SRI, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây lúa.
Minh Tuấn
Các tin khác
Ngày 4-7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình tài chính sáu tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ sáu tháng cuối năm.
Ngày 4-7, chỉ đạo tại hội nghị ngành kế hoạch - đầu tư về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và kế hoạch đầu tư ngân sách 2013-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra một loạt giải pháp.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo Bộ Công thương kiên quyết loại bỏ những dự án thủy điện không hiệu quả, chiếm nhiều đất rừng, đất sản xuất, ảnh hưởng đến cấp nước hạ du…
YBĐT - Đã từ lâu, lạc trở thành cây trồng chính của vùng đất này. Một mùa lạc đã bắt đầu nhưng có lẽ năm nay sẽ bớt vui hơn hơn những mùa lạc trước. >>Yên Bình cần phát huy giá trị cây lạc vùng bán ngập hồ Thác Bà