Cây Mắc rạc - triển vọng xóa nghèo cho vùng cao
- Cập nhật: Thứ ba, 17/7/2012 | 2:52:55 PM
YBĐT - Đây là loại cây đa tác dụng, lá cây dùng làm thức ăn cho gia súc, thân cây dùng làm chất đốt, hạn chế nạn chặt phá rừng, khả năng sinh trưởng rất phù hợp với điều kiện vùng núi cao.
Cây Mắc rạc phát triển tốt ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu.
|
Với mục tiêu phát triển các loại cây lâm nghiệp, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, nhất là chống rửa trôi, xói mòn, tăng cường chất đốt, bổ sung thức ăn xanh cho gia súc về mùa khô, huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã tiến hành thí điểm trồng 2 ha cây Mắc rạc tại 2 thôn La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải và thôn Khấu Ly, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu. Thành công bước đầu này sẽ là hướng đi mới cho nông dân các huyện vùng cao.
Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình chia cắt phức tạp, diện tích rừng của huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu chủ yếu là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Vì vậy, việc triển khai trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc được 2 huyện đặc biệt quan tâm.
Làm gì để đảm bảo độ phủ xanh đất trống đồi núi trọc luôn là câu hỏi đặt ra với những huyện vùng cao này. Quyết tâm giữ rừng và bảo vệ rừng, đầu năm 2012, Ban quản lý Dự án (QLDA) rừng phòng hộ 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã mạnh dạn đề xuất huyện và đưa cây Mắc rạc vào trồng thử nghiệm.
Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Ban QLDA rừng phòng hộ Mù Cang Chải cho biết: Trước khi thí điểm trồng loại cây này, chúng tôi đã đi thăm quan, tìm hiểu cách làm ở các tỉnh bạn như Cao Bằng, Hà Giang đã đưa loại cây này vào trồng từ năm 1999 và đang được nhân rộng.
Đây là loại cây đa tác dụng, lá cây dùng làm thức ăn cho gia súc, thân cây dùng làm chất đốt, hạn chế nạn chặt phá rừng, khả năng sinh trưởng rất phù hợp với điều kiện vùng núi cao. Mặc dù mới trồng thí điểm 2 ha, nhưng cây phát triển rất tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng cao.
Cây Mắc rạc có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, được tỉnh Cao Bằng và Hà Giang trồng thí điểm từ năm 1999. Đến nay, sau gần 13 năm, loại cây này đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân và đang được hai tỉnh mở rộng diện tích. Từ năm 2011 - 2015, Cao Bằng đã làm chủ nguồn giống và đang xây dựng vùng chuyên canh giống với diện tích 111,2 ha cung cung cấp cho nhân dân trong tỉnh. |
Cũng theo đánh giá của Ban QLDA rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải, đến nay cây Mắc rạc có thể sống và phát triển tại những vùng đất khô cằn trên núi đá xen lẫn đất không thể trồng loài cây khác. Cây có chiều cao từ 4 - 5m, đường kính thân từ 5 - 10cm, bộ rễ khỏe cắm sâu vào đất; có khả năng tái sinh cao. Khi còn nhỏ, rễ phát triển dài gấp 2-3 lần thân cây nên chống chịu được hạn hán, rét đậm. Tính sơ bộ cho thấy, 1 ha cây Mắc rạc nếu khai thác đúng quy trình kỹ thuật sẽ cho thu hoạch từ 15 - 20m3 gỗ củi, chưa kể lượng lá cành nhỏ làm thức ăn cho gia súc.
Hiện nay, Ban QLDA rừng phòng hộ Mù Cang Chải và Trạm Tấu tiếp tục thí điểm thêm diện tích, sau đó sẽ xin ý kiến tỉnh và ngành nông nghiệp tiến hành mở rộng diện tích cây Mắc rạc.
Việc áp dụng những giống cây mới đem lại hiệu quả kinh tế cho vùng cao, phục vụ trực tiếp nhu cầu chăn nuôi gia súc sẽ là điều kiện tốt để Mù Cang Chải và Trạm Tấu có điều kiện phát triển bền vững. Điều đó, rất cần có sự quan tâm của tỉnh Yên Bái, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Mô hình này phát triển rất cần sự hướng dẫn, chuyển giao KHKT cho nhân dân, các biện pháp bảo quản và xử lý ngâm ủ thức ăn cho gia súc từ lá cây.
Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông từ huyện đến cơ sở, cũng như kỹ thuật trồng cây để nhân dân sử dụng thời gian nhàn rỗi trồng, chăm sóc cây ngay trên diện tích hoang hóa phục vụ cuộc sống.
Thanh Thủy
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua xã Mai Sơn, huyện Lục Yên(Yên Bái) đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa các loại cây, con giống mới, áp dụng các biện pháp canh tác kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi sản xuất.
YBĐT - Nằm trung tâm ở phía Tây tỉnh Yên Bái, Văn Chấn có vị trí địa lý hết sức thuận lợi để giao lưu phát triển kinh tế với các huyện, thị trong tỉnh.
Giá vàng thế giới đang tăng đã giúp giá kim loại quý trong nước ghi 100.000 đồng/lượng, lên mức 41,90 triệu đồng/lượng.
YBĐT - Nước tưới là nỗi lo thường trực của nông dân khi canh tác. Nhiều chân ruộng cạn cũng vì thiếu nước mà bị bỏ không hoặc cây trồng cho năng suất rất thấp.