Yên Bái tăng nguồn tín dụng để đáp ứng cho vay

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/7/2012 | 3:10:25 PM

YBĐT - 6 tháng đầu năm nay, mức trần lãi suất thay đổi liên tục nhưng hoạt động của các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn ổn định và thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách, nghiệp vụ và các văn bản chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, đạt chỉ tiêu hoạt động kinh doanh đề ra.

Ngành ngân hàng chủ động đủ nguồn vốn vay phát triển kinh tế.
Ngành ngân hàng chủ động đủ nguồn vốn vay phát triển kinh tế.

Đáng chú ý là diễn biến về lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đảm bảo các quy định hiện hành; đặc biệt là quy định tại Thông tư số 14/2012/TT-NHNN và Thông tư số 20/2012/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Đánh giá cho thấy, mức lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam của các  ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm tương ứng so với đầu năm từ 1,5 đến 4%/năm; trong đó: lãi suất cho vay ngắn hạn thuộc 4 lĩnh vực, ngành kinh tế hiện nay là 13%/năm (giảm từ 2% đến 4%/năm); lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác từ 16% đến 17,5%/năm (giảm từ 1,5% đến 3,5%/năm); lĩnh vực không khuyến khích (phi sản xuất) từ 17%/năm đến 18%/năm (giảm từ 1,5% đến 3%/năm).

Mặc dù lãi suất huy động giảm liên tiếp nhưng tổng nguồn vốn vẫn tăng 6,95% so với cùng kỳ, đạt hơn 7.600 tỷ đồng; riêng nguồn gửi tiết kiệm tăng 20,5%; nguồn điều hoà trong hệ thống giảm gần 30% so với 31/12/2011.

Trong câu chuyện tài chính, tín dụng hiện nay là chủ đề "nóng", nhất là với các khách hàng khó tiếp cận được với nguồn vốn! Nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không đảm bảo được các điều kiện khắt khe của các ngân hàng; ngân hàng cũng không thể bỏ vốn vào những doanh nghiệp "thiếu niềm tin", bên bờ vực phá sản...

Đi kèm với đó là tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt thấp. Trên địa bàn Yên Bái, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tính đến hết tháng 6/2012 đạt 6.915 tỷ đồng, tăng 4,64% (tăng 307 tỷ đồng) so với đầu năm, so với cùng kỳ năm 2011 tăng 8,03%. Vốn tín dụng 6 tháng đầu năm tiếp tục đổ vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, sản xuất công nghiệp, chế biến, vật liệu xây dựng, cho vay các đối tượng học sinh, sinh viên, hộ nghèo...

Đặc biệt, tổng số nợ xấu của các ngân hàng, quỹ tín dụng đến 31/5/2012 chiếm 2,75% so với tổng dư nợ, giảm 0,08% so với 31/12/2011. Các chuyên gia Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Yên Bái đánh giá: Tình trạng nợ xấu giảm là nhờ các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận vốn vay và có biện pháp quyết liệt để xử lý nợ xấu.

Đây được xem là nỗ lực rất lớn của toàn ngành ngân hàng Yên Bái trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, số các doanh nghiệp ngừng trệ sản xuất kinh doanh ngày một nhiều. Dù vậy, chúng ta cũng không thể chủ quan vì tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp so với mục tiêu định hướng đề ra; tỷ lệ nợ xấu tuy có giảm so với đầu năm, song còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong tình hình khó khăn về sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay.

Ông Nguyễn Quang Khâm - Giám đốc doanh nghiệp Chè Bình Thuận (Văn Chấn) cho rằng: "Dù các khách hàng vay vốn đã được điều chỉnh lãi suất, nhất là những khách hàng làm ngành nghề chế biến nông lâm sản nhưng nhìn chung giá vốn vẫn còn ở mức cao; lãi suất ngân hàng vẫn chiếm cơ bản trong cơ cấu giá thành sản phẩm và là gánh nặng của các doanh nghiệp; đặc biệt trong bối cảnh nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn và tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau trở nên khá phổ biến…".

Ông Khâm cũng bày tỏ sự lo lắng khi mà Chính phủ và Thống đốc liên tục hạ lãi suất huy động: "Mặc dù lãi suất huy động giảm là cơ sở tiên quyết cho việc hạ lãi suất cho vay nhưng nếu không cẩn trọng sẽ xảy ra tình trạng người dân không gửi tiết kiệm (lãi suất tiền gửi kém hấp dẫn) ngân hàng sẽ thiếu vốn để cho vay nền kinh tế và doanh nghiệp lại tái diễn cảnh không được vay vốn như đã từng xảy ra!".

Trao đổi với phóng viên Báo Yên Bái, giám đốc các ngân hàng thương mại trên địa bàn đều khẳng định: Nhiệm vụ trong thời gian tới là hết sức khó khăn nhưng giải pháp đề ra là đẩy mạnh huy động nguồn vốn; tiếp tục cơ cấu lại nguồn vốn có kỳ hạn; lấy việc huy động nguồn vốn tại địa phương làm trọng tâm; đồng thời khai thác tốt nguồn vốn ngoài địa phương và tranh thủ tối đa nguồn vốn điều hoà hệ thống, đảm bảo tăng trưởng nguồn vốn và đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng cần thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Về hoạt động tín dụng; chủ động nguồn vốn, đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn cần thiết của dự án, phương sản xuất kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với khả năng huy động vốn và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao; ưu tiên vốn tín dụng cho vay lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, giải ngân các dự án đã cam kết; từng bước mở rộng đối tượng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 13 đến 15% trong năm 2012, góp sức cùng cùng các cấp, các ngành duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, hoàn thành toàn diện chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước trong năm 2012.

Lê Phiên 

Các tin khác

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, tính đến nay chưa có doanh nghiệp thép nào tuyên bố phá sản, nhưng chết lâm sàng thì đã nhiều, chỉ là chưa chính thức công bố.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Quyết định số 937/QĐ-BKHĐT phê duyệt đầu tư Dự án “Hệ thống thông tin phục vụ việc theo dõi, giám sát và đánh giá các dự án đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước”.

Lúc 9h sáng 27/7, vàng SJC bán ra ở mức 42,1 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa phiên trước.

Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính cho biết, từ ngày 3/9/2012, xe thiết kế chở tiền nhập khẩu hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 10%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục