20% doanh nghiệp thép sẽ phá sản năm 2012

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/7/2012 | 2:31:27 PM

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, tính đến nay chưa có doanh nghiệp thép nào tuyên bố phá sản, nhưng chết lâm sàng thì đã nhiều, chỉ là chưa chính thức công bố.

Tại buổi sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành thép diễn ra sáng 27/7, nhiều doanh nghiệp cho biết 2 khó khăn lớn nhất hiện nay đối với ngành thép là mức lãi suất cho vay vẫn quá cao và khó khăn trong việc cạnh tranh với thép Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp đã chết lâm sàng

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất và tiêu thụ thép trong tháng qua giảm mạnh. Cụ thể, lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 6/2012 đạt khoảng 380.000 tấn, giảm 12% so với tháng trước... Tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng toàn ngành thép ước đạt 2,38 triệu tấn, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước và lượng thép tiêu thụ chỉ đạt 2,22 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo VSA, lượng thép tồn kho trong cuối tháng 6 tăng lên khoảng 15% so với các tháng đầu năm. Dự báo có khoảng 20% doanh nghiệp thép phá sản trong năm 2012.

Ông Cường cho biết, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp thép chưa bao giờ khó khăn như hiện nay. Ví dụ như thép Thái Nguyên có tháng chỉ bán được 20.000 tấn, thậm chí có những doanh nghiệp có tháng chỉ tiêu thụ được 14.000 – 15.000 tấn.

20% doanh nghiệp thép sẽ phá sản năm 2012
Nhiều doanh nghiệp thép đã chết lâm sàng 


Do chi phí sản xuất của ngành thép phải dùng nguồn vốn vay lớn từ ngân hàng, nên với mức lãi suất như hiện nay, khoảng 15%/năm, với mỗi tấn thép tấn tồn kho, số tiền lãi suất phải trả hàng tháng của doanh nghiệp tăng 200 – 230 nghìn đồng/tấn (giá mỗi tấn thép là 17 - 19 triệu đồng/tấn).

“Vì thế phải giảm tồn kho để giảm gánh nặng tài chính cho ngành sản xuất thép”, ông Cường nhấn mạnh.

Tương tự, ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty thép Việt – Ý cũng cho rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng Thương mại đã giảm mức lãi suất cho vay từ 17 – 18%/năm xuống 14 – 15%/năm, nhưng mức này vẫn gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp.

Hiện nay, các doanh nghiệp thép đang chịu sức ép lớn của các sản phẩm nhập khẩu, trong khi đó thị trường thì cung lớn hơn cầu.

“Cần có giải pháp để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Các sản phẩm thép nhập khẩu có nhiều lợi thế về lãi suất và thuế, nên sản phẩm trong nước rất khó cạnh tranh”, ông Ngọc Anh đề xuất.

Vấn đề cạnh tranh, mở rộng thị trường là một trong những khó khăn được nhiều doanh nghiệp kêu khó nhất, đặc biệt là những mối lo ngại từ thị trường thép Trung Quốc.

Ông Trần Tuấn Dương – Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát nêu lên thực trạng hiện nay là việc cạnh tranh sản xuất với thép Trung Quốc rất khó khăn, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong ngành thép chưa thực sự cởi mở.

Xương sống của ngành thép hiện nay là thép xây dựng, thế nhưng 6 tháng đầu năm đã suy giảm 16% là rất lớn. Hiện nay, Tập đoàn thép Hòa Phát cũng buộc phải cắt giảm 10 – 15% năng suất của mình để giảm lượng hàng tồn kho.

Thị trường trong nước, do kinh tế khó khăn, cùng với đó là trầm lắng của ngành bất động sản, đã khiến cho nhu cầu tiêu thụ thép sụt giảm mạnh. Nhu cầu tiêu thụ thép thế giới cũng không sáng sủa. Đặc biệt, sản lượng thép thế giới tăng lên, nhất là Trung Quốc, mỗi năm sản xuất trên 700 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng thép thế giới.

Nhưng hiện tại bất động sản Trung Quốc lại gặp vấn đề, nhu cầu tiêu thụ sắt thép giảm mạnh, nếu lượng thép này dư thừa, chắc chắn sẽ làm cho ngành sản xuất thép của nhiều nước gặp khó khăn, trong đó có Việt Nam.

“Thị trường trong nước, thép cuộn, thép dây đang nhập khoảng 300 triệu tấn từ Trung Quốc. Nguy cơ thép từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam trong những năm tới là rất gần”, ông Dương cảnh báo.

(Theo VTC)

Các tin khác

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Quyết định số 937/QĐ-BKHĐT phê duyệt đầu tư Dự án “Hệ thống thông tin phục vụ việc theo dõi, giám sát và đánh giá các dự án đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước”.

Lúc 9h sáng 27/7, vàng SJC bán ra ở mức 42,1 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa phiên trước.

Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính cho biết, từ ngày 3/9/2012, xe thiết kế chở tiền nhập khẩu hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 10%.

Nông dân Kiên Thành áp dụng mô hình gieo mạ khay vào sản xuất.

YBĐT - Từ một xã nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn, đến nay Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã ngày một vươn lên, số hộ có phương tiện đi lại, nghe nhìn tăng dần, hộ nghèo giảm còn 390/861 hộ theo tiêu chí mới, thu nhập đầu người trong xã đạt gần 11 triệu đồng/năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục