Dự án PALD giúp phụ nữ nghèo Văn Chấn thoát nghèo

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/8/2012 | 9:47:49 AM

YBĐT - Do làm tốt công tác tuyên truyền nên ngay trong năm 2011 đã có 16 xã trong huyện Văn Chấn (Yên Bái) tham gia Dự án PALD, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 60,79%, hộ dân tộc ít người là 90,84%.

Cán bộ Dự án PALD và lãnh đạo Hội Phụ nữ huyện Văn Chấn trao đổi với hộ nông dân tham gia nuôi gà tại xã Thượng Bằng La.
Cán bộ Dự án PALD và lãnh đạo Hội Phụ nữ huyện Văn Chấn trao đổi với hộ nông dân tham gia nuôi gà tại xã Thượng Bằng La.

Dự án PALD là dự án giảm nghèo thông qua mô hình phát triển chăn nuôi vùng núi phía Bắc Việt Nam (gọi tắt là Dự án) do cơ quan Hợp tác và phát triển Thuỵ Sỹ (SDC) tài trợ, giao cho Tổ chức Nông nghiệp và Thú y không biên giới cùng Viện Chăn nuôi quốc gia thực hiện.

Dự án được thực hiện ở địa bàn huyện Văn Chấn từ năm 2007, chủ yếu tập trung vào phát triển chăn nuôi lợn. Đến năm 2011, Dự án và UBND huyện Văn Chấn đã thống nhất giao cho Hội Phụ nữ huyện phối hợp với cán bộ thực địa của Dự án triển khai thực hiện với đối tượng vật nuôi là giống gà mía lai Lương Phượng.

Trước khi triển khai, Hội Phụ nữ huyện đã cùng cán bộ của Dự án tiến hành khảo sát nắm bắt nhu cầu của các hộ hội viên phụ nữ nghèo ở cơ sở. Sau đó, lập kế hoạch phát triển chăn nuôi tại huyện, được UBND huyện xác định là dự án mang tính chiến lược giúp các hộ nghèo có cơ hội vươn lên.

Trên cơ sở đó, UBND huyện Văn Chấn cũng giao nhiệm vụ cho Dự án và cơ quan thường trực Hội Phụ nữ, Trạm Thú y tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ có cùng sở thích tham gia mô hình chăn nuôi, thành lập các nhóm, mỗi nhóm bầu ra nhóm trưởng, nhóm phó và xây dựng quy chế hoạt động, tương trợ lẫn nhau.

Do làm tốt công tác tuyên truyền nên ngay trong năm 2011 đã có 16 xã tham gia Dự án, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 60,79%, hộ dân tộc ít người là 90,84%. Khi các tổ được thành lập, các tổ viên đều được tham gia các tập huấn kỹ thuật và thường xuyên họp nhóm chia sẻ kinh nghiệm.

Các hoạt động hỗ trợ chăn nuôi được bắt đầu vào đầu tháng 3/2011  đến trung tuần tháng 1/2012, số gà giống được tiếp nhận về nuôi gần 29.000 con với tổng số 624 hộ hội viên tham gia. Theo cán bộ phụ trách Dự án, trung bình một lứa gà nuôi trong vòng 3 tháng sẽ đạt 1,8 đến 2 kg/con, đủ tiêu chuẩn gà thương phẩm.

Gà thịt đều được các cơ sở giết mổ ở miền xuôi tiêu thụ với giá ổn định từ 90.000 đồng/kg trở lên. Hạch toán lãi trung bình ở hộ nuôi ở theo quy mô 50 con đạt khoảng 1.418.000 đồng/tháng. Có những hộ nuôi ở quy mô gần 100 con trở lên đã có lãi từ 7 triệu đến 10 triệu đồng/lứa.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Dự án đã hỗ trợ vay vốn được 145 triệu đồng và số vốn còn lại hội viên được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện.

Lợi thế đối với các hội viên tham gia Dự án là trong suốt quá trình chăn nuôi, Hội Phụ nữ huyện cùng cán bộ Dự án luôn bám sát cơ sở nắm bắt tình hình chăn nuôi, hướng dẫn tiêm phòng định kỳ, cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc gà theo từng độ tuổi và theo biến động thời tiết từng mùa. Dự án còn giúp nông dân tìm nguồn cung ứng giống tốt; được giới thiệu các địa chỉ tiêu thụ sản phẩm; được hỗ trợ dịch vụ y tế…

Chính vì thế, người chăn nuôi đã hạn chế được những rủi ro ngay cả khi liền kề nhà mình có gà bị dịch mà sản phẩm lại được tiêu thụ tốt.

Đến thăm gia đình chị Hà Thị Hạnh, Hoàng Thị Nhanh… ở thôn Vằm, xã Thượng Bằng La đều là những người tham gia. Dự án sớm nhất, chị Hạnh cho biết: “Được cán bộ hướng dẫn cách chăn nuôi gà theo đúng kỹ thuật, tôi thấy mình chăn nuôi tốt hơn. Cách làm mới cũng không có gì là quá khó nên tôi đã thay đổi hoàn toàn kiểu chăn nuôi theo thói quen trước đây”.

Bà Lò Thị Liên - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Văn Chấn tâm sự: “Dự án này không cần nhiều vốn mà mục tiêu chính là hỗ trợ trực tiếp cho nông dân cách làm ăn thông qua phát triển chăn nuôi để họ có cơ hội tự mình vươn lên thoát nghèo. Nói một cách hình ảnh là Dự án chỉ trang bị cho người nghèo “chiếc cần câu” để họ tự câu lấy cá nên vẫn có sức hấp dẫn rất đặc biệt đối với người nghèo”.

Vì vậy, đến tháng 6/2012 đã có 22 xã tham gia Dự án và mỗi tháng lượng gà giống chuyển về cho hội viên khoảng 10.000 con. Hầu hết hội viên phụ nữ nghèo ở vùng cao đều bày tỏ mong muốn Dự án sẽ đến với họ. Hội Phụ nữ huyện Văn Chấn cùng Dự án đang tính toán để triển khai đến tất cả các xã bởi Dự án còn vài năm nữa mới kết thúc.

Tuy nhiên, để Dự án tiếp tục phát huy hiệu quả, Bà Lò Thị Liên kiến nghị Dự án cần hỗ trợ tiếp cận thị trường để nắm bắt về nhu cầu tiêu dùng. Qua đó, sẽ đưa thêm những giống gà mới vào chăn nuôi và phát triển thêm nuôi gà siêu trứng để làm phong phú đối tượng nuôi, đa dạng sản phẩm, khai thác tốt nhu cầu trên thị trường. Dự án nên hỗ trợ thêm kinh phí cho công tác tuyên truyền và nguồn tín dụng đối với nông dân tham gia.

Đồng thời, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cũng nên tạo điều kiện cho người tham gia Dự án được vay vốn nhiều hơn để mở rộng quy mô chăn nuôi. Sau một thời gian triển khai, đã đến lúc Dự án cần phải đánh giá kết quả thực hiện để tìm ra những mặt mạnh, những vấn đề còn hạn chế nhằm có bước phát triển hiệu quả hơn trong tương lai.

 Hoàng Nhâm

Các tin khác

Chiều 31-7, bà Vũ Thị Mai, thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết Chính phủ đã đồng ý thông qua dự án sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân, sẽ đệ trình Quốc hội vào tháng 10 năm nay, sẽ áp dụng từ ngày 1-7-2013.

Hành vi sử dụng điện thoại di động tại cây xăng sẽ bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng

Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC, có hiệu lực từ 5/8, nhiều hành vi trước đây chỉ nhắc nhở sẽ bị phạt bằng tiền với mức rất nặng.

Giá xăng tăng gần đây nhất vào ngày 20/7.

Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tối 31/7 cho biết đã báo cáo liên bộ về việc giá bán lẻ đang thấp hơn giá cơ sở 900 đồng mỗi lít xâng và hơn 500 đồng mỗi lít dầu.

Trong 2 ngày 30 và 31-7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Cuối giờ chiều 31-7, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục