Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Không thu phí điều tiết điện lực

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/8/2012 | 8:05:27 AM

Trong ngày làm việc thứ 2, phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), UBTVQH đã cho ý kiến về 3 dự án luật: Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Cải tạo lưới điện tại huyện Cần Giờ TPHCM.
Cải tạo lưới điện tại huyện Cần Giờ TPHCM.

  • Trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống thiên tai

Dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai đã được UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp sáng 14-8. Dự án luật do Bộ NN-PTNT chủ trì chuẩn bị, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói thẳng: “Tôi chưa hài lòng với bản dự thảo này. Đây là một kiểu “luật kể việc”. Liệt kê ra rồi, nhưng không thể hiện phải xử lý vấn đề đó như thế nào, không xử lý thì ai chịu trách nhiệm? Thảm họa lớn thì ứng phó thế nào?”. Ông Phùng Quốc Hiển cũng không đồng tình với việc “luật này lại “đẻ” thêm ra một loại quỹ nữa, làm cho nguồn lực quốc gia bị phân tán, trong khi nhân dân vẫn phải đóng góp nhiều”.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Nguyễn Kim Khoa và một số thành viên khác trong UBTVQH yêu cầu dự thảo luật xác định rõ vai trò chủ đạo của Nhà nước cũng như vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong ứng phó với thiên tai. Người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và an ninh nhấn mạnh, cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức trong phòng tránh thiên tai, bảo đảm an toàn cho nhân dân (từ khâu dự báo, thông tin, áp dụng các biện pháp ứng phó…) phải là những nội dung quan trọng không thể thiếu trong luật. Cho rằng Quỹ phòng chống thiên tai là cần thiết, song ông Nguyễn Kim Khoa đặt câu hỏi: “Nếu coi đây là một khoản đóng góp bắt buộc giống như một loại thuế thì có phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành hay không?”.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng ủng hộ việc thành lập quỹ, nhưng yêu cầu quy định ngay vào luật việc giảm trừ với hộ nghèo. Ông tán thành chính sách bảo hiểm thiên tai và đề nghị nêu rõ những ưu đãi dành cho bên nhận bảo hiểm để thu hút các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia. Ông Nguyễn Văn Giàu lưu ý thêm: “Sau thiên tai, hỗ trợ giống, vật tư, trang thiết bị, nguyên liệu là đúng rồi, nhưng thực tiễn cho thấy sẽ phải xử lý nợ quá hạn nữa. Hiện vẫn phải chờ Chính phủ hướng dẫn theo vụ việc, nay quy định vào luật luôn thì có cơ sở để thực hiện ngay”.

  • Băn khoăn quy định chi tiết giá phân phối điện

Liên quan đến những vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị UBTVQH cho ý kiến về việc nên hay không nên quy định về giá phân phối điện vào luật này. “Đa số ý kiến Thường trực UB thống nhất như quan điểm trình của Chính phủ, theo đó nên quy định vào luật để hạn chế sự độc quyền”, ông Dũng cho biết. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra không đồng tình với đề xuất của Chính phủ về phí điều tiết hoạt động điện lực. Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng, không nên thu loại phí này, vì điều tiết điện lực là hoạt động quản lý nhà nước, phải được ngân sách nhà nước đảm bảo.

 

Cải tạo lưới điện trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh.

Tham gia phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, tới đây, Cục Điều tiết điện lực sẽ tách ra, không trực thuộc Bộ Công thương để vận hành thị trường điện cạnh tranh một cách khách quan, hiệu quả.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển thẳng thắn: “Thu phí điều tiết điện lực để chi vào những việc gì? Thu phí thì cuối cùng người tiêu dùng vẫn phải gánh”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng không đồng tình đặt ra thêm loại phí này. “Trong điều kiện nước ta chưa có thị trường điện cạnh tranh đầy đủ thì không nên đặt ra vấn đề đó”, Chủ tịch Quốc hội nói. Về giá phân phối điện, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nhà nước chỉ nên quy định các “đầu chặn” (giá phát điện, truyền tải điện…) và các “đầu chặn” này đã có trong Luật Giá. Theo ông, Luật này không cần thiết quy định chi tiết giá phân phối điện từ khâu này đến khâu kia.

Cân nhắc những ưu đãi cho HTX

Đó là ý kiến của nhiều thành viên UBTVQH khi góp ý về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình với việc dành một số ưu đãi để tạo điều kiện phát triển mô hình kinh tế tập thể này, song thẳng thắn nhận định, một số quy định trong dự thảo (như hỗ trợ về “cơ sở hạ tầng” hay hỗ trợ thu mua, phân phối sản phẩm...) vừa khó khả thi vừa không phù hợp với nền kinh tế thị trường. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước kiến nghị cụ thể: “Suy cho cùng, HTX cần được tiếp cận tín dụng với chi phí thấp, cần được giảm thuế, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với vùng đặc biệt khó khăn, nhà nước có thể hỗ trợ một phần vốn và tư liệu sản xuất ban đầu...”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu, cân nhắc kỹ để đảm bảo khi đi vào cuộc sống, Luật HTX sẽ giúp phát triển mô hình kinh tế tập thể. Nếu không chắc chắn được như thế thì chưa nên trình ra Quốc hội thông qua.

(Theo SGGP)

Các tin khác

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến đầu tháng 8, Việt Nam đã xuất khẩu 4,357 triệu tấn gạo, trị giá 1,989 tỷ USD. Hiện giá lúa khô tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động từ 5.400 - 5.500 đ/kg, lúa dài khoảng 5.600 - 5.700 đ/kg.

YBĐT - Bãi thải cao lanh của Công ty T & K, đơn vị đang khai thác mỏ tại thôn Trực Bình 2, xã Minh Bảo đã và đang xảy ra tình trạng bùn đất tràn vào ruộng của các hộ dân, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt những hộ dân sống quanh khu vực.

Đồng bào các xã vùng sâu huyện Văn Chấn cấy lúa mùa.

YBĐT - Cả thôn có 78 hộ, thì 100% đều là hộ nghèo, trong đó có từ 15-20 hộ thường xuyên phải cứu đói giáp hạt trong năm, làm thế nào để giúp làng Hua thoát nghèo vẫn là bài toàn khó đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Suối Bu, huyện Văn Chấn (Yên Bái).

SJC ngừng mua vàng miếng SJC bị móp méo.

Công ty VBĐQ Sài Gòn (SJC) cho biết, kể từ ngày hôm qua 13/8, công ty đã ngừng mua vào vàng miếng SJC bị móp méo với lý do “hết tiền”. Trước đó, mỗi lượng vàng SJC bị móp méo mà người dân đến bán bị trừ 50.000 đồng so với giá vàng nguyên trạng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục