Văn Chấn tập trung phát triển 4 lĩnh vực công nghiệp
- Cập nhật: Thứ sáu, 31/8/2012 | 3:40:14 PM
YBĐT - Đầu tư tập trung cho phát triển công nghiệp, giai đoạn 2011-2015 và đến 2020, huyện Văn Chấn (Yên Bái) hướng vào 4 lĩnh vực ngành chính là: khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, sản xuất chế biến nông lâm sản theo hướng bền vững và xây dựng phát triển hệ thống thủy điện vừa và nhỏ.
Toàn cảnh Nhà máy Chế biến quặng sắt Làng Mỵ, xã Chấn Thịnh, Văn Chấn. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Lấy chế biến khoáng sản làm khâu đột phá
Xác định khai thác chế biến khoáng sản là khâu đột phá, Văn Chấn tập trung vào khai thác quặng sắt, đồng tại các mỏ và điểm mỏ đã được cấp phép như: Làng Mỵ xã Chấn Thịnh, khu vực Tiên Linh, Núi Téc ở 2 xã Gia Hội và Nậm Búng. Đồng thời, mở rộng thăm dò khai thác các mỏ sắt tại các xã: Nậm Búng, Đại Lịch, Chấn Thịnh, Sùng Đô…
Huyện xây dựng thêm các nhà máy tuyển quặng sắt tại các xã vùng thượng huyện và vùng ngoài, đồng thời nghiên cứu xây dựng nhà máy luyện gang thép tại cụm công nghiệp vùng ngoài sau năm 2015, phấn đấu đưa sản lượng khai thác quặng sắt đến năm 2015 đạt 1 triệu tấn quặng thô, tăng 940 tấn so với năm 2010; trong đó, đưa vào tinh tuyển 500 nghìn tấn thô để được 300 nghìn tấn quặng tinh tuyển.
Đến năm 2020, khai thác đưa vào tinh tuyển 2 triệu tấn quặng thô để sản xuất được 300 nghìn tấn phôi thép. Để giá trị sản xuất năm 2015 đạt 375 tỷ đồng, tăng 367 tỷ so với năm 2010 và năm 2020 đạt 825 tỷ đồng, Văn Chấn đã tiến hành thăm dò chi tiết các mỏ đồng, vàng ở xã An Lương, chì và kẽm ở xã Nậm Búng… làm cơ sở vững chắc cho việc đầu tư và khai thác tinh luyện đồng giai đoạn 2016 - 2020.
Quặng, chì, kẽm khai thác tại Văn Chấn, Mù Cang Chải và Trạm Tấu tập trung chế biến tại Nhà máy chế biến trong Cụm công nghiệp Sơn Thịnh để đảm bảo công suất, thuận lợi cho quản lý và tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường. Huyện cũng thăm dò, qui hoạch xây dựng đề án khai thác đá hoa mỹ nghệ tại các xã suối Giàng, Suối Bu, Sùng Đô…, xây dựng dự án mời gọi các nhà đầu tư vào khai thác, lập làng nghề chế tác đá hoa mỹ nghệ, xây dựng trung tâm kinh doanh đá hoa mỹ nghệ ở Văn Chấn.
Chế biến nông, lâm sản theo hướng bền vững
Phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản thực phẩm, Văn Chấn tập trung vào phát triển công nghiệp chế biến chè; chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất chế biến đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng giá thành sản phẩm. Từ năm 2011 đến nay, huyện chỉ cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè đối với các doanh nghiệp sử dụng công nghệ CTC, chế biến chè xanh công nghệ cao và sản phẩm được tiêu dùng ngay.
Huyện phấn đấu đến năm 2015 sản xuất đạt 14.300 tấn chè chế biến, trong đó có 5.600 tấn chè xanh chất lượng cao, được làm từ nguồn nguyên liệu của huyện là 3.000 tấn và của Trạm Tấu, Mù Cang Chải là 2.600 tấn. Trên cơ sở các vùng nguyên liệu sẵn có và của địa phương và hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, Văn Chấn đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nước uống đóng chai, chè túi lọc từ sản phẩm chè, phấn đấu đến năm 2015 đạt 1 triệu lít tương đương 50 tấn chè khô và năm 2020 đạt 3 triệu lít tương đương 150 tấn chè khô.
Huyện duy trì, giữ nguyên năng lực sản xuất, sản phẩm của các cơ sở chế biến gỗ hiện tại, không cấp phép thêm các xưởng chế biến gỗ kiểu xẻ ván và bóc lạng như hiện nay; đi vào xây dựng nhà máy chế biến gỗ nguyên liệu rừng trồng từ nguồn nguyên liệu của các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải tại cụm công nghiệp khu vực vùng ngoài. Nhà máy sẽ đi vào chế biến ván ghép thanh, đồ gia dụng, đồ gỗ mỹ nghệ, đũa xuất khẩu…
Bên cạnh đó, hoàn thiện Nhà máy tinh chế dầu quế tại xã Sơn Lương có công suất 40 tấn sản phẩm/năm, đồng thời với xây dựng dự án chế biến quế than xuất khẩu. Trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện đầu tư xây d?ng Nhà máy chế biến mủ cao su khu vực các xã vùng thượng huyện từ nguồn nguyên liệu của Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Nhà máy chế biến nước hoa quả cũng được xây dựng chế biến từ nguồn nguyên liệu hoa quả như cam, nhãn, sơn tra của Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Huyện cũng mời gọi đầu tư xây dựng cơ sở, nhà máy sản xuất chế biến thức ăn gia súc tại khu vực cánh đồng Mường Lò có công suất 30.000 tấn/năm.
Nông dân huyện Văn Chấn thu hái chè sạch. (Ảnh: Sùng A Hồng)
Tập trung khai thác, chế biến vật liệu xây dựng
Với mảng vật liệu xây dựng, Văn Chấn đầu tư vào sản xuất sản phẩm gạch nung theo công nghệ lò tuynen, gạch không nung và chế biến đá xây dựng. Giai đoạn 2011 – 2015, huyện mở rộng qui mô, đa dạng hóa sản phẩm nhà máy gạch tuynen tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ đáp ứng nhu cầu xây dựng trong và ngoài tỉnh; tiếp tục xây dựng 1 nhà máy gạch tuynen ở khu vực vùng ngoài công suất 25 triệu viên/năm bằng đất mặt và bùn thải từ khai thác, chế biến quặng sắt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khai thác khoáng sản, đưa tổng sản lượng gạch tuynen của huyện năm 2020 lên trên 80 triệu viên/năm.
Trên cơ sở vùng nguyên liệu đá của các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy chế biến đá xẻ, đá ốp lát tại khu vực vùng ngoài và Cụm công nghiệp Sơn Thịnh có công suất 1,2 đến 1,5 triệu m3/năm. T
heo đó, mở rộng và tăng cường công suất khai thác các cơ sở sản xuất đá xây dựng tại các xã Thượng Bằng La, Đồng Khê, tiếp tục thăm dò, khai thác, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất tại các điểm mỏ xã Cát Thịnh, thị trấn Nông trường Trần Phú…
Dự kiến công suất khai thác đá xây dựng của huyện năm 2015 đạt 200.000 m3 và năm 2020 đạt 300.000 m3. Huyện cũng tổ chức sắp xếp lại các cơ sở khai thác cát, sỏi nhỏ lẻ; khuyến khích tạo điều kiện để các cơ sở này liên doanh, liên kết thành các cơ sở lớn tiện cho việc quản lý khai thác theo qui hoạch của tỉnh và tạo điều kiện cho huy động nguồn vốn đầu tư phương tiện, thiết bị khai thác, cải tạo bến bãi.
Phát triển công nghiệp sản xuất và phân phối điện
Giai đoạn 2011 – 2015, Văn Chấn xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 5 công trình thủy điện gồm: Vực Tuần, Ngòi Hút, Văn Chấn, Mỹ Lung, Nậm Tộc với tổng công suất thiết kế 127 MW. Dự kiến, tổng sản lượng điện năm 2015 đạt khoảng 456 triệu KWh và có trên 95% hộ dân được sử dụng điện. Giai đoạn 2016 – 2020, huyện tiếp tục triển khai khảo sát xây dựng các dự án thủy điện nhỏ tại khu vực xã Nậm Búng, Gia Hội và vùng ngoài; huyện cơ bản hoàn thành các dự án thủy điện được qui hoạch, đồng thời tích cực phát triển các thủy điện nhỏ dưới 1 MW, dự ước đến năm 2020, tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 912 triệu KWh/năm.
Qui hoạch phát triển 3 cụm công nghiệp gồm Cụm công nghiệp Sơn Thịnh, Cụm công nghiệp vùng thượng huyện và Cụm công nghiệp vùng ngoài với tổng diện tích trên 300 ha, Văn Chấn phấn đấu đến 2020 có qui mô kết cấu hạ tầng phù hợp, đáp ứng mục tiêu phát triển công nghiệp hiện đại.
Dự kiến năm 2015, Văn Chấn có cơ cấu công nghiệp chiếm 50, 36%, xây dựng chiếm 49,6% và năm 2020 công nghiệp chiếm gần 65%, xây dựng chiếm trên 35%; đưa tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2011 - 2015 của huyện đạt 37,07%, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,95%; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 970 tỷ đồng và năm 2020 đạt trên 1.796 tỷ đồng.
Minh Đức
Các tin khác
Thông tin từ các công ty gas như Thành Tài, Petrolimex Sài Gòn và SP cho biết, kể từ 1.9, giá gas bán lẻ sẽ đồng loạt tăng thêm 51.000 đồng/bình 12 kg.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát ngày 29.8 đã ký công văn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành trực thuộc T.Ư chỉ đạo Sở NN-PTNT, UBND các cấp và những cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh giá đỗ, rau mầm tại địa phương…
YBĐT - 7 tháng đầu năm, Hội Nông dân huyện Lục Yên (Yên Bái) duy trì hoạt động của 115 tổ vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho 4.214 hộ với dư nợ 63,582 tỷ đồng và 157 tổ vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 3.870 hộ với dư nợ 40,8 tỷ đồng.
Tổng cục Thống kê vừa công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và tám tháng đầu năm 2012. Theo đó, mục tiêu mỗi tháng giải ngân khoảng 20.000 tỉ đồng của Chính phủ trong tháng 8 đã chuẩn bị cán đích.