Thành phố Yên Bái: Khơi thông dòng chảy phòng tránh úng ngập
- Cập nhật: Thứ năm, 13/9/2012 | 3:08:13 PM
YBĐT - Trận lụt giữa lòng thành phố khiến hàng trăm ngôi nhà ở các phường Đồng Tâm, Minh Tân bị ảnh hưởng nặng hôm 17/8/2012 đã đi qua, ngoài nguyên nhân mưa lớn kéo dài (lượng mưa đo được lên tới 182 mm) do ảnh hưởng của cơ bão số 5, còn nhiều nguyên nhân khác mà để hạn chế lũ lụt rất cần sự quyết tâm của thành phố Yên Bái.
Suối Ngòi Sẻ và suối Bệnh viện từ lâu không được khơi thông là một trong những nguyên nhân gây úng lụt.
|
Đi tìm hiểu nguyên nhân thành phố Yên Bái, một thành phố vùng cao mà động mưa là úng, thi thoảng lại lụt, chúng tôi đã có được câu trả lời “Chúng ta sống không hoà đồng với thiên nhiên!” là câu nói của kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Ngọc Cảnh, một người con của Yên Bái, hiện đang làm việc tại Tổng Công ty Vinaconex.
Lý do mà KTS Nguyễn Ngọc Cảnh đưa ra là: Điều kiện địa hình tự nhiên phần lớn lượng nước mặt ở nội thị thành phố Yên Bái được thoát bằng 3 con suối và ngòi chính đó là: suối Ngòi Sẻ, bắt nguồn từ km 9 (thị trấn Yên Bình), qua các phường Yên Thịnh, Đồng Tâm rồi hợp lưu với suối Bệnh viện (bắt nguồn từ khu Đá Bia), chảy qua phường Minh Tân, rồi cùng chảy đến khu Bảo Lương và đổ ra sông Hồng; thứ ba là suối Ngòi Yên, được bắt nguồn từ Nam Cường, chảy qua các phường Nguyễn Thái Học và Hồng Hà rồi đổ ra sông Hồng. Tiếc rằng, chúng ta đã đối xử chưa đúng với hệ thống ngòi, suối ở thành phố Yên Bái.
Đã từ lâu, hàng loạt cây cầu ở thành phố Yên Bái bị biến thành... cống. Thí dụ, cầu Ngòi Yên (khu vực chợ hoa quả) thuộc phường Hồng Hà, Cầu Km7, trên quốc lộ 379 thuộc phường Yên Thịnh cũng đã biến thành cống từ rất lâu... Có lẽ vì nghèo khó nên mới có chuyện bỏ cầu làm cống như vậy bởi đơn giản, làm cống rẻ hơn làm cầu mà lại chẳng cần duy tu, bảo dưỡng nhưng khổ nỗi đã là cống thì khả năng thoát nước thấp hơn cầu rất nhiều, đó còn chưa kể việc moi bùn, móc cống rất vất vả và tốn kém.
Chỉ cần mưa rào 2 tiếng là đoạn đường Kim Đồng, phường Minh Tân lại ngập như một dòng sông.
Thế là những chiếc cống luôn là nút thắt của dòng chảy, đặc biệt là những ngày mưa lớn, nước lên và hậu quả là lũ, lụt giữa lòng thành phố. Ai đã từng sống ở thành phố Yên Bái đều quá quen với việc mưa rào là đoạn đường từ trước cửa Trạm Y tế phường Yên Ninh đến cổng Công an tỉnh bị ngập úng.
Người dân sống ở hai bên đường này đều phải thiết kế nền nhà rất cao để phòng nước tràn vào; khi ngập úng rất nhiều xe máy, kể cả ô tô bị hư hỏng, nhiều người thường xuyên đi lại trên tuyến đường này đều hình thành thói quen hễ mưa rào là đi đường khác, dù đường ấy có xa hơn, khó đi hơn.
Người dân quen với việc đoạn đường Km3 cứ mưa là ngập và người ta cũng quá biết nguyên nhân của tình trạng trên, đó là con mương lớn thoát nước mặt ở khu vực này đã biến thành rãnh, đặc biệt hàng trăm hộ dân đã đổ bê tông toàn bộ bề mặt của rãnh để làm sân vườn, cửa hàng, cửa hiệu. Không biết họ làm vậy có phép hay không phép nhưng dù gì đi nữa vẫy thấy sự yếu kém trong việc quản lý đô thị ở thành phố Yên Bái. Mặt rãnh đã bị bịt kín nên không thể tổ chức nạo vét được, cát, sỏi, rác thải theo dòng nước chui xuống lắng đọng lâu ngày khiến dòng chảy ngày bị thu hẹp nên hễ mưa thì xảy ra úng lụt cũng là điều tất yếu.
Trở lại câu chuyện ngập úng hàng trăm hộ dân ở khu vực phố Hào Gia thuộc phường Đồng Tâm vẫn còn rất “thời sự”. Ngoài nguyên nhân ngập úng do mưa lớn, kéo dài như đã nói ở trên vẫn còn những nguyên nhân khác.
Ngay từ đầu mùa mưa lũ, các địa phương có suối Ngòi Sẻ đi qua không hề tổ chức khơi thông dòng chảy, những bụi tre, bụi chuối, những lùm cây um tùm dọc theo con suối đã nói lên điều đó. Giá như thành phố Yên Bái, các phường Yên Thịnh, Đồng Tâm... tổ chức lực lượng phát quang dòng chảy ngay từ đầu mùa mưa; nếu được thì huy động cán bộ công nhân viên, lực lượng vũ trang và người dân trên địa bàn tiến hành một buổi lao động cộng sản, phát quang dòng chảy suối Ngòi Sẻ, suối Bệnh viện nữa thì còn tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn rất nhiều và như thế chắc hậu quả của trận úng lụt ấy không ghê gớm đến vậy.
Có dịp đi dọc suối Sẻ một lần mới thấy được ngoài chuyện cây cối, rác thải nhiều vô kể là hàng chục cây cầu dân sinh được xây dựng khá kiên cố, hai mố cầu chiếm từ một phần ba đến ba phần tư dòng chảy. Khoảng cách giữa dầm cầu, mặt cầu với mặt nước suối những ngày bình thường (không có mưa lũ) cũng rất thấp nên khả năng thoát nước cũng bị hạn chế; tình trạng còn trầm trọng hơn khi lũ về cành lá, rác thải mắc vào mố cầu, dầm cầu, lan can...
Cuối cùng là hiện tượng xây dựng nhà trên hành lang và cả trên lòng suối Ngòi Sẻ! Đây được xem là một vấn đề rất “nóng” vì động vào đó là động vào tài sản có giá trị của nhiều người, nhiều thành phần xã hội; nhất là khi nhiều trường hợp đã được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây nhà đã xin phép đàng hoàng.
Sự biến đổi của khí hậu đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của mỗi người, Yên Bái cũng không phải là một ngoại lệ. Tình trạng mưa lũ ngày càng lớn hơn, tần suất ngày càng cao hơn là những biểu hiện rõ nét nhất cho vấn đề đó.
Điều đáng nói lúc này là sự quyết liệt của thành phố Yên Bái trong việc phát quang dòng chảy, cương quyết phá bỏ những công trình như cầu, kè, nhà ở... gây ách tắc dòng chảy. Chỉ có vậy hàng trăm gia đình mới không bị ngập chìm trong mưa lũ, giao thông mới không bị gián đoạn, môi trường mới được bảo vệ và đô thị Yên Bái mới trở nên văn minh, sạch đẹp.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Ngày 13/9, Sở NN và PTNT tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội thảo về Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng.
YBĐT - Ngày 13/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND thành phố Yên Bái phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức về kinh tế và quản trị doanh nghiệp cho gần 400 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Giá vàng thế giới chịu áp lực chốt lời đã khiến giá kim loại quý trong nước đảo chiều giảm gần 200.000 đồng/lượng sau khi đạt mức đỉnh 1 năm qua. Chênh lệch giá giữa hai thị trường được nới lên khoảng 2,9 triệu đồng/lượng.
Bộ Tài chính vừa có Thông tư số 148/2012/TT-BTC điều chỉnh giảm 2% thuế suất nhập khẩu mặt hàng dầu từ ngày 12- 9.