Lại điệp khúc "được mùa, rớt giá" ở vùng chè Văn Chấn
- Cập nhật: Thứ tư, 19/9/2012 | 9:54:23 AM
YBĐT - Đã vào chính vụ nhưng trên những đồi chè dọc từ thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ đến thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái), người trồng chè vẫn đau đáu một nỗi buồn, đó là giá chè lại thấp.
Năm nay, chè được mùa thì giá cả cũng chỉ dao động từ 3.000 - 3.500 đồng/kg.
|
Được mệnh danh là người trồng chè có tiếng ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, gia đình ông Nguyễn Xuân Tùng, tổ dân phố 5A là hộ có thâm niên làm chè đã gần 40 năm nay, thế nhưng cuộc sống gia đình cũng chỉ gọi là đủ ăn chứ chưa thể nói là làm giàu từ cây chè.
Dẫn chúng tôi đến thăm đồi chè rộng gần nửa héc ta đang lên xanh mơn mởn, ông Tùng cho biết, toàn bộ diện tích chè này trước đây đều là giống chè trung du năng suất thấp, được trồng từ những năm 70 của thập kỷ trước nên đã già cỗi.
Để cải tạo toàn bộ diện tích này, gia đình ông phải bỏ ra gần 30 triệu đồng thuê nhân công đào rạch, bón phân chăm sóc 4 năm liền chè mới bắt đầu cho thu hoạch. Như vậy trong suốt 4 năm chỉ có đầu tư chăm sóc chứ không được thu một đồng nào. Bình quân mỗi năm tiền phân bón, thuốc trừ sâu cũng mất hơn chục triệu đồng.
Nhìn những búp chè non mơn mởn sắp đến ngày thu hái, ông Tùng cho biết: "Người nông dân chúng tôi quanh năm trông chờ vào cây chè, năm nào mưa gió thuận hoà chè tươi tốt thì phấn khởi nhưng năm thời tiết khắc nghiệt thì chỉ có chăm bón chứ chả lấy đâu mà thu hái được. Năm nay, chè được mùa thì giá cả cũng chẳng cao hơn năm ngoái là mấy, giá chè dao động từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, bình quân mỗi héc ta một năm nếu chăm bón tốt thì được hơn 8 tấn tính ra cũng được khoảng 30 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu mất khoảng 20 triệu đồng, như vậy 1 ha chè chỉ thu về được khoảng 10 triệu đồng/năm".
"Với 4 nhân khẩu, trong đó một đứa con đang theo học đại học thì chuyện cây chè để làm giàu quả là không tưởng, cũng may là diện tích đất gia đình rộng, ngoài trồng chè, tôi còn chăn nuôi thêm lợn gà, đào ao thả cá nên cũng có đồng ra đồng vào chứ nếu không cũng sẽ rất khó khăn bởi một năm cây chè chỉ cho thu hoạch được khoảng 7 tháng, 5 tháng không có chè chúng tôi lại phải quay sang chăn nuôi hay chạy chợ để kiếm thêm thu nhập" - ông Tùng nói.
Còn với gia đình ông Phan Văn Vọng, tổ 5A, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ lại khác. Từng là công nhân của Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ, gần 40 năm gắn bó với cây chè, nỗi vất vả, vui buồn, đắng cay ông đều nếm cả. Hồi còn là công nhân, mọi chi phí đầu tư đã có nhà máy lo, gia đình ông chỉ phải bỏ công chăm bón, đến kỳ thu hái và đến hết tháng lấy tiền, năm chè tốt hay chè xấu cũng không quan trọng, hàng tháng vẫn cứ đều đặn lấy lương.
Nhưng từ khi hai vợ chồng về hưu và nhận khoán chè của Công ty để làm cộng với diện tích chè của gia đình ông mới thấy làm chè thật không đơn giản. Với tổng diện tích hơn 1,6 ha chè trung du đã già cỗi, năng suất chất lượng thấp, do vốn liếng hạn hẹp nên mỗi năm gia đình ông chỉ cải tạo và trồng mới được một diện tích nhỏ, đến nay mới cải tạo và trồng mới được hơn 4000m2 chè cành lai, còn lại vẫn là diện tích chè trung du.
Chỉ cho chúng tôi xem diện tích chè hơn 4000m2 được trồng mới đang tua tủa búp, ông Vọng cho biết, để diện tích chè đẹp và tốt như thế này, gần 5 năm qua gia đình ông chỉ có đầu tư chăm bón hết phân bón thúc đến thuốc trừ sâu để cho chè nhanh tạo tán mà chẳng thu được chút tiền nào. Từ đầu vụ đến nay mới được hai lứa chè tính ra cũng gần 5 triệu đồng nhưng gia đình ông đã mất gần 10 triệu đồng phân bón và thuốc trừ sâu.
Gần 40 năm làm chè nhưng đến gần cuối đời gia đình ông mới tích cóp được chút vốn liếng để xây căn nhà trị giá trên 100 triệu đồng. "Đúng là mình gắn bó với cây chè, tâm huyết với cây chè thì phải sống chết với nó chứ nếu so ra làm chè với buôn bán hay như trồng dâu nuôi tằm ở những địa phương khác thì cũng chỉ như cấy lúa mà thôi. Tụi trẻ bây giờ lớn lên chúng nó bỏ đi xa làm ăn hết chứ chả đứa nào chịu làm chè đâu" - ông Vọng tâm sự.
Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ có 1.642 hộ dân thì có tới gần 60% số hộ sinh sống bằng nghề làm chè. Tuy nhiên, để chè thực sự là cây trồng giúp người dân làm giàu thì quả là không đơn giản.
Theo ông Lê Ngọc Long - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ thì chi phí đầu tư cho cây chè thấp nhưng thực tế đó là giống chè trung du còn nếu để đầu tư cải tạo trồng mới 1 ha cũng mất khoảng 30 triệu đồng mà phải chăm bón đầu tư thật tốt thì đến năm thứ 4 chè mới tạo tán để thu hái được, mặc dù chính sách của tỉnh, huyện đều có cơ chế hỗ trợ song cũng chỉ được một phần nhỏ. Đối với gia đình có điều kiện và nhân công thì còn có thể làm được chứ nếu không có lẽ cũng rất khó khăn.
Hơn nữa, giá chè cũng rất thất thường theo từng năm, năm nào chè xấu, năng suất thấp thì giá lại cao, còn năm nào chè tốt thì giá lại giảm. Như thời điểm hiện nay, mặc dù trên địa bàn thị trấn có hai cơ sở thu mua chế biến chè nhưng có những hôm lượng chè quá nhiều nhà máy phải thông báo để người dân tạm dừng thu hái bởi chế biến không kịp, mà để chè quá lứa thì lại mất giá. Do vậy, việc giải quyết bài toán của người làm chè cần có sự liên kết phối hợp giữa nhà quản lý, nhà sản xuất và người nông dân.
Lệ Thanh
Các tin khác
Tất cả các loại máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng mà cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc đã công bố loại bỏ, sẽ bị tạm ngừng nhập khẩu kể từ ngày 15/9.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Quy hoạch tổng thể thuỷ lợi vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực miền Trung để thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong giai đoạn tới.
YBĐT - Để có đủ lượng cá bổ sung cho nguồn lợi thủy sản hồ Thác bà vào tháng 10 tới theo chỉ tiêu đã giao, Trại giống Thủy sản Yên Bình (Yên Bái) đã đưa toàn bộ lượng cá từ cơ sở 1 về cơ sở 2 Đông Lý để nuôi.
YBĐT - Từ đầu năm 2012 đến nay, Đảng bộ xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương tích cực theo dõi, tập trung xuống các thôn, bản cùng với nhân dân khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.