Sản xuất nông nghiệp ở Yên Bái: Cần đổi mới từ tư duy tới hành động

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/10/2012 | 9:53:30 AM

YBĐT - Giờ lương thực đã không còn là nỗi lo đối với vùng thấp, tại sao Yên Bái lại không tìm và lai tạo ra những bộ giống có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường?

Nông dân vùng cao (Văn Chấn) thu hoạch lúa mùa.
Nông dân vùng cao (Văn Chấn) thu hoạch lúa mùa.

Sản xuất nông nghiệp hiện nay đã có bước phát triển đáng khích lệ, nhà nông Yên Bái giờ không còn phải lo thiếu lương thực như trước nữa. Nhiều vùng, người nông dân đã biết sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa và thị trường, hình thành nhiều vùng chuyên canh, đâu đó đã manh nha các mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, sản xuất nông nghiệp vẫn chưa thoát ra khỏi phương thức sản xuất một nền nông nghiệp lạc hậu.

Nói về sản xuất lương thực hơn chục năm trở lại đây từ vùng thấp tới vùng cao của tỉnh liên tục được mùa. Hết năm 2011, tổng sản lượng lương thực đạt trên 267.793 tấn, như vậy là đã bảo đảm cân đối lương thực trên địa bàn. Để có được những thành công đó, ngành nông nghiệp, các huyện thị và bà con nông dân đã mạnh dạn đưa ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là chuyển dịch mạnh cơ cấu giống cây trồng.

Đến nay, gần 100% diện tích lúa đã được gieo cấy bằng giống lúa lai, lúa thuần năng suất cao, chất lượng tốt, tỉnh cũng đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa với diện tích khoảng 5 ngàn ha mỗi vụ.

Song song với sản xuất lúa thì diện tích cây ngô cũng không ngừng tăng lên mỗi năm. Cây ngô hiện đã trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân và là cây chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cao.

Những kết quả đó, khó có thể phủ nhận nhưng nhìn một cách tổng thể thì sản xuất nông nghiệp vẫn chưa thoát ra khỏi phương thức sản xuất của một nền nông nghiệp lạc hậu.

Điều đó thể hiện từ tư duy đến hành động vì khi nói về sản xuất nông nghiệp, các nhà quản lý ngành nông nghiệp vẫn tự hào và cho rằng thế là thành công công lớn rồi, bởi Yên Bái là tỉnh miền núi, trình độ thâm canh cũng như điều kiện cơ sở vật chất rất khó khăn.

Cách nói ấy không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Đành rằng ta không có những cánh đồng bạt ngàn như các tỉnh thành khác nhưng cũng có cánh đồng Mường Lò lớn nhất nhì Tây Bắc, rồi đến cánh đồng Đại-Phú-An (Văn Yên), Bắc Trấn Yên và cả cách đồng Mường Lai, Minh Xuân (Lục Yên).

Dăm bảy năm về trước, ngành nông nghiệp cùng các huyện đã xây dựng đề án vùng thâm canh lúa tập trung với vốn đầu tư nhiều tỷ đồng, năng suất lúa ở những vùng này đã đạt trần từ nhiều năm nay và định hướng mới cho các vùng này là sản xuất lúa hàng hóa. Thế nhưng hiệu quả cũng chưa thật rõ nét, lúa gạo mới chỉ có sản xuất ở quy mô hộ gia đình.

Vùng cánh đồng Mường Lò đã từng xây dựng thương hiệu “Lúa gạo Mường Lò” nhưng có mấy ai mua được lúa gạo Mường Lò trong khi nhu cầu là rất lớn. Chúng ta vẫn nói, năng suất lúa tăng cao là nhờ đưa giống lúa lai vào sản xuất, nhất là giống Nhị Ưu 838. Đây là giống lúa lai cho năng suất cao nhưng chất lượng gạo không ngon, giá thành thấp, chỉ phù hợp cho giải pháp sản xuất lương thực mà thôi.

Giờ lương thực đã không còn là nỗi lo đối với vùng thấp, tại sao chúng ta lại không tìm và lai tạo ra những bộ giống có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường?

Ngành nông nghiệp trong chỉ đạo năm nào cũng vậy, vẫn giống lúa lai 838, các địa phương thì đua nhau tìm các giống lúa thuần vào sản xuất và đến hôm nay trên khắp các cánh đồng có cả một tập đoàn giống lúa, giống được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận có, giống “ngoài luồng” cũng có. Không có bộ giống chuẩn thì làm sao có thể sản xuất lúa hàng hóa với quy mô lớn? Các tỉnh thành khác giờ đã và đang xây dựng cánh đồng mẫu lớn thì Yên Bái vẫn loay hoay trong sản xuất quy mô hộ gia đình.

Trên mỗi cánh đồng thì có rất nhiều  thửa ruộng, mỗi hộ gia đình sở hữu 3-4 thửa ruộng khác nhau mà diện tích chỉ vài ba trăm mét vuông thì làm sao tiến lên sản xuất hàng hóa lớn được? Qua đó có thể thấy, tư duy trong chỉ đạo là có nhưng việc thực hiện thì còn nhiều vấn đề nan giải. Hiếm có tỉnh nào có cả một Trung tâm Giống cây trồng có nhiệm vụ sản xuất, nghiên cứu, lai tạo giống nông nghiệp với cả trăm con người, thế nhưng nhiệm vụ chính lại rất mờ nhạt, chủ yếu là đi “buôn giống”.

Trong sản xuất cây vụ đông cũng vậy. Đã hơn 14 năm cây vụ đông đứng chân trên đất 2 vụ lúa nhưng đến giờ vẫn chưa thành cây chính vụ. Không chỉ có vậy mà năm nào tỉnh, ngành nông nghiệp và các huyện, thị cũng có cơ chế hỗ trợ giá giống, phân bón, cũng tổ chức lễ ra quân sản xuất vụ đông nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.

Rõ ràng khâu chỉ đạo rất rõ nét nhưng vấn đề mấu chốt là ngành nông nghiệp chưa có một quy hoạch cụ thể cho các vùng sản xuất chuyên canh, cũng như tạo ra sự liên kết “4 nhà” thực sự. Nông dân cứ sản xuất mà không biết đầu ra cho sản phẩm như thế nào và cũng không tự định giá được sản phẩm của mình làm ra.

Bên cạnh đó cũng đã có sự liên kết trong sản xuất nhưng không thành công khiến nông dân đổ lỗi cho doanh nghiệp và ngược lại. Minh chứng rõ nhất là sự liên kết sản xuất khoai tây trong những vụ đông trước ở Văn Chấn. Doanh nghiệp đầu tư giống, kỹ thuật và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng đến khi thu hoạch nhiều hộ dân lại không bán cho doanh nghiệp và cuối cùng là “mối lương duyên đó phải đổ vỡ”.

Thực tế cho thấy, tư duy trong chiến lược sản xuất nông nghiệp đều đã được các nhà hoạch định, nhà quản lý tuyên truyền và triển khai khá mạnh nhưng vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân. Để sản xuất nông nghiệp ngày một phát triển, đòi hỏi chúng ta phải hành động cụ thể, nếu tư duy tốt nhưng không triển khai thực hiện hiệu quả thì cũng bằng không. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp hôm nay không nên lấy năng suất làm thước đo giá trị nữa mà phải lấy hiệu quả kinh tế làm mục tiêu hàng đầu.

Ngọc Trúc

Các tin khác
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu hướng dẫn nhân dân cách đốt nương.

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã phối hợp với chính quyền các xã tổ chức tuyên truyền cho gần 8.000 lượt người, phát hơn 5.000 tơ rơi tuyên truyền công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Dự kiến từ nay đến hết năm, nếu mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 10 tỷ USD thì xuất khẩu cả năm 2012 ước đạt 113,5 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2011, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Sản xuất da giày, túi xách tại Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên, TP.HCM.

Ngày 1-10, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9-2012, Bộ Công thương thừa nhận các doanh nghiệp vẫn đang tồn kho khá lớn, đồng thời cho biết đã kiến nghị Thủ tướng hàng loạt biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ngành điện chưa có điều chỉnh giá trong tháng 10

Việc điều chỉnh giá điện phải xét trên tổng chi phí sản xuất điện của cả năm 2012 từ tất cả các loại nguồn điện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục