Thực hiện Đề án phát triển trâu, bò nghèo ở Trạm Tấu: Cần nâng cao nhận thức của người dân
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/10/2012 | 2:29:06 PM
YBĐT - Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, những năm qua, hàng trăm hộ dân ở huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã được thụ hưởng những ưu đãi từ "Đề án phát triển chăn nuôi trâu, bò cho các hộ nghèo". Qua đó, nhiều gia đình đã có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và xóa đói giảm nghèo.
Từ sự hỗ trợ của Nhà nước giờ đây gia đình chị Dương đã có 2 con trâu đảm bảo phát triển sản xuất.
|
Theo chân một đồng chí cán bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, chúng tôi vào thăm gia đình chị Mè Thị Dương, thôn Vũng Tàu, xã Hát Lừu, một trong những gia đình được hỗ trợ mua trâu cái sinh sản trong chương trình hỗ trợ trâu, bò cho các hộ nghèo cách đây 3 năm.
Với mức hỗ trợ 10 triệu đồng, gia đình chị đã mua được một con trâu cái. Nhờ chăm sóc theo đúng sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp nên con trâu cái chị mua về đã đẻ được thêm một chú nghé hơn 7 tháng tuổi.
Chị Dương cho biết: "Được sự quan tâm của Nhà nước, gia đình tôi đã được hỗ trợ một con trâu cái sinh sản. Nó không chỉ phục vụ sức kéo mà còn là tài sản quí giá của chúng tôi".
Theo ông Lò Văn Pầng-Phó chủ tịch UBND xã Hát Lừu, trong 2 năm 2009-2010, xã có 18 hộ được hỗ trợ trâu cái sinh sản. Qua đó, đã góp phần cho người dân phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện, Đề án phát triển trâu, bò nghèo đã hỗ trợ 450 con trâu cái sinh sản (trong 2 năm 2009-2010) cho các hộ nghèo, thông qua đó đã mở ra một hướng phát triển kinh tế bền vững cho hộ nghèo, giúp cho việc khai thác lợi thế về đất đai, về lao động, tạo thêm thu nhập và góp phần tăng nhanh số lượng đàn trâu, bò trên địa bàn.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, năm 2012, huyện Trạm Tấu tiếp tục được hỗ trợ 250 con trâu cái sinh sản với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/con, 2,5 triệu đồng/ha cỏ và 1 triệu đồng/chuồng.
Đến thời điểm này, huyện đã lập danh sách phân chỉ tiêu cụ thể cho từng xã. Tuy nhiên, để Đề án thực sự phát huy hiệu quả, trước hết cần phải nâng cao nhận thức về chăn nuôi gia súc cho người dân. Bởi theo thống kê hàng năm, số gia súc chết rét ở huyện vùng cao này vẫn tương đối lớn.
Đặc biệt, những năm qua đã có 112/450 con trâu cái sinh sản thuộc Đề án hỗ trợ trâu, bò nghèo bị chết và hiện nay mới chỉ có 61 con đẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Duyên - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trâu chết là do một số người dân trình độ dân trí thấp, chưa nhận thức đầy đủ về các biện pháp chăm sóc, dự trữ thức ăn và phòng chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi..., đặc biệt, nhiều người vẫn giữ thói quen thả rông nên ảnh hưởng đến khả năng đề kháng, sinh trưởng của gia súc. Bên cạnh đó, do việc con giống chủ yếu nhập từ địa phương khác nên khả năng chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh cũng khó khăn hơn.
Theo đó, đối tượng được hưởng chính sách phải có nhu cầu chăn nuôi thực sự và có đủ điều kiện về lao động, chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng theo yêu cầu của Đề án; được bình xét công khai tại thôn, bản và được lập thành danh sách có xác nhận của UBND cấp xã; con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, phải được tiêm phòng và có các đặc tính phù hợp với khí hậu vùng cao.
Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn, đoàn thể cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc chăn nuôi trâu, bò theo hình thức "cầm tay chỉ việc" kết hợp kiểm tra, đôn đốc; vận động, hướng dẫn người dân làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh và dự trữ thức ăn cho vật nuôi...
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện kế hoạch phun tiêu độc khử trùng của UBND tỉnh, trong 2 tháng 10 và 11, Chi cục Thú y tỉnh sẽ tiến hành phun trên 7 nghìn lít thuốc tiêu độc khử trùng cho 1.920 thôn bản, 68 chợ, 38 điểm bán, 23 cơ sở giết mổ gia cầm và 1 cơ sở ấp mổ gia cầm.
Ngày 18/10, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có quyết định cuối cùng trong vụ điều tra chống trợ giá đối với mặt hàng ống thép hàn cácbon của Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư quy định về giám sát tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông…
Theo lộ trình cải cách tiền lương, từ ngày 1-5-2013, lương tối thiểu sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng. Nguồn ngân sách cần để chi tăng lương trong năm 2013 khoảng 60-65 nghìn tỷ đồng.