Ngân hàng cần mua thêm 20 tấn vàng
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/10/2012 | 8:02:18 AM
Các ngân hàng cần mua nốt số vàng này trước khi dừng nghiệp vụ huy động từ 25/11. Tuy nhiên, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ gia hạn lần nữa để đảm bảo thanh khoản hệ thống những tháng cuối năm.
Ngân hàng Nhà nước hy vọng vàng sẽ bớt hấp dẫn, để người dân dành tiền làm kinh doanh hoặc gửi ngân hàng.
|
Theo kế hoạch, từ ngày 25/11, các ngân hàng phải ngừng hoàn toàn những nghiệp vụ liên quan tới vàng theo quy định của Thông tư 11. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong vòng 6 tháng qua, các tổ chức tín dụng đã mua hơn 60 tấn vàng để tất toán hợp đồng, số còn thiếu hiện vào khoảng 20 tấn. Nếu với tốc độ mua vào như thời gian qua, các ngân hàng cần thêm 2 tháng để có đủ số vàng cần thiết.
"Tuy nhiên, nếu cứng nhắc buộc thực hiện đúng hạn 25/11, sẽ gây khó khăn cho thanh khoản của toàn hệ thống. Vì cứ vào quý IV hằng năm, nhu cầu vốn cho nền kinh tế đều tăng cao, nếu các ngân hàng lại phải tập trung nguồn để mua vàng, sẽ đe dọa tới an toàn hệ thống", Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng giải thích.
Mặt khác, theo ông, hiện có 3 ngân hàng rất khó khăn để có thể bù đắp kịp số vàng còn thiếu, dư nợ của họ chiếm khoảng 8 trong tổng số 20 tấn cả hệ thống. Vì vậy, cần thêm thời gian để các đơn vị này thu xếp.
Tính theo giá bán hiện nay, để mua hết 20 tấn vàng, các ngân hàng cần phải chi thêm gần 25.000 tỷ đồng (một tấn vàng tương đương hơn 26.500 lượng).
Ông Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước chiều 24/10 đã báo cáo Chính phủ và được chấp thuận chủ trương lùi thời hạn ngừng huy động vàng, thay vì mốc 25/11.
"Thời gian gia hạn cụ thể còn đang tính toán nhưng không được phép lâu, chỉ tính bằng tháng thôi. Và trong thời gian đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ từng đợt phát hành chứng chỉ huy động của từng ngân hàng, đảm bảo giảm dần dư nợ và ngừng hoàn toàn khi đến hạn", ông Hưng nói.
Như vậy đây sẽ là lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước nới thời hạn ngừng huy động vàng. Theo Thông tư 11, từ ngày 1/5/2011 các nhà băng phải dừng cho vay vàng, đồng thời chỉ được huy động vàng dưới hình thức phát hành chứng chỉ phục vụ mục đích chi trả. Họ có một năm để tất toán các hợp đồng huy động đã ký và lẽ ra đến 1/5 năm nay phải dừng toàn bộ các nghiệp vụ liên quan tới vàng. Tuy nhiên do nhiều ngân hàng chưa thể tất toán hợp đồng, thời gian thực hiện được cơ quan quản lý dời tới 25/11.
Ngân hàng Nhà nước từng kỳ vọng lập lại trật tự trên thị trường vàng nhờ thông tư này cùng các biện pháp quyết liệt khác. Trước đây, các ngân hàng vừa được huy động, vừa được cho vay, lại vừa được kinh doanh vàng, thậm chí được kinh doanh trên tài khoản nước ngoài. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, chỉ cần các ngân hàng thực hiện đúng các nghiệp vụ cho phép này và với mục đích sinh lợi, đã đủ là tác nhân tạo sóng, gây những cơn sốt giá vàng và ngoại tệ.
Ông Hưng xác nhận các ngân hàng mua vàng thời gian qua là nguyên nhân khiến giá trong nước đắt hơn thế giới hàng triệu đồng một lượng. Theo ông, Ngân hàng Nhà nước chưa thấy cần can thiệp vì mức chênh lệch này không dẫn tới nhập lậu, không gây ảnh hưởng tới tỷ giá và cũng không tạo cơn sốt mua vàng như những năm trước, nếu có chỉ ảnh hưởng tới các ngân hàng.
"Ngân hàng từng lãi lớn vì kinh doanh vàng bất chấp rủi ro, nay nếu lỗ họ phải tự chịu. Khả năng nhập khẩu vàng thời gian này là không có", ông Hưng khẳng định.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
YBĐT - Năm 2011, nông dân xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã thu về trên 3 tỷ đồng từ trồng dâu nuôi tằm. Năm nay, tuy thời vụ nuôi tằm chưa kết thúc song đến thời điểm này Tân Đồng đã thu trên 40 tấn kén, giá mua ổn định trung bình ở mức 90.000đ/kg đã mang lại cho nông dân địa phương khoảng 4 tỷ đồng.
YBĐT - Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh (SXKD) chế biến tinh bột sắn, tinh dầu quế, sản xuất giấy đế và gia công vàng mã xuất khẩu. Thời gian qua, nhiều yếu tố không thuận lợi đã tác động trực tiếp đến tình hình SXKD của doanh nghiệp, song vượt qua những khó khăn đó.
Quy định được Bộ Công thương ban hành tại “Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại đến 2020 và tầm nhìn đến 2030”.
YBĐT - Yên Bái là đất của chè vậy mà người dân lại thiếu chè ngon để uống trong khi các doanh nghiệp chè ở tận Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, thậm chí cả các doanh nghiệp chè Hà Nội đang chiếm thị phần rất lớn ngay trên đất chè.