Bỏ ngỏ thị trường chè xanh nội tiêu

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/10/2012 | 9:25:12 AM

YBĐT - Yên Bái là đất của chè vậy mà người dân lại thiếu chè ngon để uống trong khi các doanh nghiệp chè ở tận Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, thậm chí cả các doanh nghiệp chè Hà Nội đang chiếm thị phần rất lớn ngay trên đất chè.

Nông dân xã Bảo Hưng (Trấn Yên) thu hái chè chất lượng cao.
(Ảnh: Hồng Duyên)
Nông dân xã Bảo Hưng (Trấn Yên) thu hái chè chất lượng cao. (Ảnh: Hồng Duyên)

Trong các hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh SXKD chè, ngành nông nghiệp và các đại biểu đều đưa ra nguyên nhân dẫn đến SXKD chè không phát triển là do chất lượng sản phẩm còn thấp và chưa đồng đều, người dân sản xuất chè nguyên liệu chưa chú trọng kỹ thuật canh tác, mức đầu tư phân bón thấp, hệ thống chế biến thiếu cân đối với vùng nguyên liệu...

Sản xuất chế biến chè chưa phát triển bền vững bởi có quá nhiều cơ sở chế biến nhỏ, không có vùng nguyên liệu và cũng không liên kết, liên doanh với vùng nguyên liệu, không đảm bảo điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm. Hầu như chúng ta chưa có một sản phẩm chè nào có thương hiệu và đủ sức cạnh tranh trên thị trường và cũng không có sản phẩm chè VietGap (chè sạch); doanh nghiệp thiếu chiến lược quảng bá; mối liên kết bằng lợi ích kinh tế giữa người sản xuất nguyên liệu và cơ sở chế biến, tiêu thụ chè còn thiếu chặt chẽ.

Trước đây, mỗi khi nói đến sự không phát triển của ngành chè là người ta lại đổ lỗi do giống chè cũ, năng suất thấp, chất lượng búp không đảm bảo cho chế biến. Thế rồi một “dự án” trồng cải tạo, thay thế giống chè cũ bằng giống mới năng suất cao, chất lượng búp tốt đáp ứng cho chế biến chè xanh và chè xuất khẩu được triển khai thực hiện.

Sau một thời gian dài, với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng và trên 2.000 ha chè giống mới đã bén rễ xanh tươi, một hy vọng cho ngành chè phát triển. Theo đó là hàng loạt thương hiệu chè nào là Ô long, Bát tiên của Doanh nghiệp chè Thành Công, nào là Phúc Vân của Công ty cổ phần chè Liên Sơn, rồi đến chè xanh Hương Lý, chè Bát Tiên của huyện Trấn Yên... xuất xưởng với những bao bì, mẫu mã bắt mắt cũng như chất lượng. Khi đó những thương hiệu chè này đã đi vào lòng người dẫu giá một kg chè không hề rẻ, thấp nhất cũng 100 ngàn, có loại lên tới cả triệu đồng, thế rồi không biết có phải vì lợi nhuận hay không nhưng chất lượng chè ngày một kém đi và người tiêu dùng không còn mặn mà cho lắm.

Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè xanh chất lượng cao với số lượng lớn thì hầu như chưa có vì không có nguyên liệu tập trung. Số chè cải tạo tổng diện tích thì lớn nhưng rất phân tán nên rất khó khăn trong công tác thu mua, chế biến.

Bên cạnh đó, không kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm kém; chất lượng chè thì cao nhưng đầu tư còn hạn chế, nhất là vấn đề chuyển giao công nghệ trong sản xuất, rồi thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Không chỉ có vậy mà từ cuối năm 2009, Yên Bái còn là một trong những địa phương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thực hiện Dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học Yên Bái có tổng vốn đầu tư lên trên 3.222.707 USD.

Mục tiêu của dự án quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất chè tập trung trên địa bàn, xây dựng 3 mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tham gia xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm chè an toàn trên sàn giao dịch và đấu giá chè Yên Bái, hỗ trợ 15-20 cơ sở chế biến chè; trồng mới, trồng thay thế 1.000 ha chè già cỗi bằng các giống chè năng suất, chất lượng cao ít bị phụ thuộc vào việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, kỹ thuật và đào tạo nghề cho nông dân tham gia sản xuất chè an toàn…

 

Chè Shan tuyết Suối Giàng là một đặc sản của Yên Bái nhưng vẫn chưa phát huy được hiệu quả.

Đáng chú ý là trong Dự án đã dành trên 1.714 ngàn USD cho đầu tư, thiết kế và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết (đường chính, đường bao, hệ thống cấp nước, nhà lưới, hỗ trợ cho công tác sau thu hoạch) vùng chè.

Thế nhưng, đến nay đã qua 3 năm thực hiện, vẫn chưa thấy có sự tác động lớn nào của Dự án vào ngành chè Yên Bái. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề SXKD chè nội tiêu trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay. Nói thế không có nghĩa là các doanh nghiệp chè đang bỏ trống thị trường nội tiêu, thế nhưng các doanh nghiệp vẫn đang quá chú trọng đến sản xuất chè đen.

Sản xuất chè xuất khẩu là rất tốt nếu chúng ta đủ sức nhưng thực tế doanh nghiệp chè Yên Bái mới chủ yếu là sản xuất chè đen bán thành phẩm rồi bán qua khâu trung gian xuất khẩu là chính. Nói chính xác hơn là doanh nghiệp vừa yếu về tiềm lực tài chính vừa yếu về thị trường, cũng như kinh nghiệm xuất khẩu, sản phẩm chưa làm thoả mãn nhu cầu của khách hàng... không hiệu quả trong thị trường xuất khẩu.

Tuy chưa có cuộc điều tra, đánh giá cụ thể nào nhưng lượng chè xanh nội tiêu cũng như nhu cầu là rất lớn. Không biết các doanh nghiệp có bao giờ đặt câu hỏi tại sao Yên Bái là đất của chè vậy mà người dân lại thiếu chè ngon để uống trong khi các doanh nghiệp chè ở tận Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ thậm chí cả các doanh nghiệp chè Hà Nội đang chiếm thị phần rất lớn ngay trên đất chè của chúng ta. Sản xuất chè xanh nội tiêu không phải là quá khó khăn, mà cái chính là các doanh nghiệp chè không chịu đổi mới công nghệ chế biến lẫn dây chuyền sản xuất.

Một vấn đề nữa là chúng ta phải xây dựng thương hiệu cũng như nâng cao chất lượng chế biến, thay đổi mẫu mã, tiết kiệm chi phí sản xuất hạ giá thành sản phẩm và có một chiến lược quảng bá sản phẩm. Nguyên liệu sẽ có và sẽ tốt nếu doanh nghiệp căn cơ, tận tâm, tận lực, đặc biệt, nâng cao giá thu mua nguyên liệu để người trồng chè sống được bằng nghề. Muốn làm được việc đó cần có sự liên kết chặt chẽ từ tình cảm cho đến kinh tế hay nói cách khác là doanh nghiệp và nông dân vùng nguyên liệu phải “cộng sinh” vơi nhau.

Doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển phải dựa vào vùng nguyên liệu, nguyên liệu có bán được phải nhờ vào doanh nghiệp đó là một nguyên lý không thể tách rời. Nếu làm tốt, chiếm lĩnh thị phần thì mỗi năm chỉ tính riêng thị trường trong tỉnh cũng tiêu thụ trên chục ngàn tấn chè xanh rồi.

Về lâu dài cần phải quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu cho chế biến chè xanh, đồng thời áp dụng sản xuất chè sạch chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần sàng lọc và loại bỏ những doanh nghiệp sản xuất kiểu chụp giật, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

SXKD chè chắc chắn phát triển tốt hơn nếu chúng ta khai thác tốt thị trường chè xanh nội tiêu. Đây là một thị trường đầy tiềm năng đang bị các doanh nghiệp chè bỏ ngỏ.

Thanh Phúc

Các tin khác

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa ký Quyết định số 6219/QĐ-BCT phê duyệt đợt 3 Chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia năm 2012 gồm 24 đề án với tổng kinh phí là 13,68 tỷ đồng.

Ngày 24-10, Bộ Công thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức hội thảo khoa học đánh giá các kết quả mà PVN đã triển khai đề án phát triển nhiên liệu sinh học của Chính phủ.

Cán bộ ngành thuế Yên Bái góp phần ngăn chặn kịp thời một số tập thể, cá nhân sai phạm trong quản lý đền bù giải phóng mặt bằng, thu, chi dịch vụ công, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản

YBĐT - Trong những năm gần đây, huyện Trấn Yên đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua nguồn vốn ngân sách và các chương trình, dự án, nên đã luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức trên 12%.

Nông dân bản Hẻo, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ chăm sóc rau vụ đông. (Ảnh: Thu Trang)

YBĐT - Để tăng nhanh giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác, nhiều năm nay, huyện Văn Chấn đã phát triển mạnh cây vụ đông trên đất lúa hai vụ góp phần hình thành những cánh đồng cho thu nhập cao. Đây là hướng đi trong sản xuất nông nghiệp của huyện tạo ra tập quán thâm canh ba vụ trong năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục