Hiệu quả từ dự án “Vay bò trả bê”
- Cập nhật: Thứ ba, 6/11/2012 | 3:34:26 PM
YBĐT - Sau 4 năm triển khai dự án, đến nay các hộ vay bò xã Phúc An (Yên Bình) đã trả được 20 con bê con, số bê này được luân chuyển cho 20 hộ nông dân khác trong xã vay.
Anh Hà Văn Vượng đang cho bò ăn.
|
Năm 2008, gia đình anh Đặng Văn Ý - một hộ nghèo ở thôn Cầu Trắng xã Phúc An, huyện Yên Bình được Hội Nông dân cho vay 4 triệu đồng không lấy lãi để mua bò cái, với điều kiện nuôi trong 3 năm, khi nào bò đẻ, bê lớn thì trả bằng tiền, hoặc bằng bê con.
Từ chỗ không có vốn để phát triển kinh tế đến nay anh đã trả được bê cho Hội Nông dân, không chỉ có vậy mà gia đình còn có 2 con bê trị giá 20 triệu đồng, đó là cả một gia sản lớn ở vùng quê nghèo như Phúc An. Được biết, anh ý chỉ là một trong 23 hộ dân ở xã Phúc An được hưởng lợi từ “Dự án vay bò trả bê”.
Xã Phúc An là một trong những xã nghèo nhất nhì của huyện Yên Bình. Toàn xã có 703 hộ dân thì có đến trên 270 hộ nghèo, cuộc sống người dân ở đây chủ yếu bằng nghề trồng rừng, đan rọ tôm và đánh bắt cá ven hồ. Nhằm giúp các hộ nông dân vươn lên trong cuộc sống, năm 2008 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã hộ trợ 23 con bò sinh sản cho 23 hộ nghèo với tổng trị giá trên 100 triệu đồng. Sau 4 năm triển khai dự án đến nay các hộ vay bò đã trả được 20 con bê con, số bê này được luân chuyển cho 20 hộ nông dân khác trong xã vay.
Gia đình chị Cù Thị Đào ở thôn Làng Cại có 4 nhân khẩu nguồn thu chủ yếu chỉ trông vào vài sào ruộng. Cuộc sống chưa bao giờ dư giả, muốn có vốn để phát triển chăn nuôi trồng trọt cũng khó. Cuối năm 2011 gia đình chị được sở hữu con bò giống của Hội Nông dân xã cho vay, đến nay bò đã đẻ được một bê chị phấn khởi khoe: “Con bê có người đến trả 6 triệu đồng gia đình chúng tôi còn chưa bán. Đến tháng 11 này bê mẹ lại sinh lứa nữa thế là có vốn để phát triển kinh tế gia đình”.
Cách nhà chị Đào không xa là gia đình anh Hà Văn Vượng. Từ cuối năm 2011, gia đình anh được vay 4,5 triệu đồng từ Hội Nông dân xã, anh đã thêm tiền mua ngay bò cái đang độ tuổi sinh sản, chỉ một tháng sau bò đã sinh bê, bò mẹ hiện sắp đẻ bê thứ 2, anh bảo rằng: “ Giá trị của một con bò cái sinh sản bây giờ cũng hơn chục triệu đồng. Cuối năm bò đẻ tôi đã trả nợ được bê hoặc bằng tiền vốn vay cho Hội Nông dân”.
Bà Hà Thị ánh Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Kiên cho biết: “Để dự án mang lại hiệu quả cho người nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ dân về kỹ thuật nuôi và chăm sóc bò sinh sản. Đặc biệt là chúng tôi thường xuyên theo dõi giám sát các hộ chăn nuôi”.
Ông Nguyễn Văn Vấn, Chủ tịch UBND xã Phúc An cho biết: “Dự án" vay bò trả bê" có ý nghĩa thiết thực với các hộ nông dân nghèo, người dân không chỉ có vốn ban đầu để phát triển chăn nuôi mà còn có sức cày kéo.
Quan trọng hơn cả là đã thay đổi được tập quán chăn nuôi của bà con từ việc thả rông gia súc nay đã biết làm chuồng trại chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho bò. Từ 23 con bò giống được vay, đến nay tổng đàn bò Dự án của xã đã tăng lên trên 50 con. Chúng tôi mong muốn Dự án tiếp tục phát triển để người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo một cách bền vững ".
Chị Cù Thị Đào bên cặp bò Dự án hỗ trợ.
Được biết, năm 2008, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai dự án khuyến nông, khuyến lâm hỗ trợ 70 hộ nông dân ở 4 xã Phúc An (Yên Bình), Hồ Bốn, Lao Chải (Mù Cang Chải), thị trấn Trạm Tấu (Trạm Tấu) được vay 70 bò cái sinh sản.
Các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách khi được vay một con bò cái giống, nuôi trong 3 năm không phải trả lãi, sau khi bò đẻ ra bê thì hộ gia đình vay bò giống đó phải có nghĩa vụ trả nợ bằng con bê, dự án sẽ xem xét để chuyển tiếp cho hộ khác nuôi. Sau gần 4 năm triển khai, đến nay tổng đàn bò của Dự án đã lên trên 100 con. Nếu tính từ năm 2002 thì tổng đàn bò của Dự án “Vay bò trả bê” lên tới 400 con, giúp cho hàng chục hộ dân thoát nghèo.
Dự án là cách tiếp sức giúp dân nghèo vươn lên trong cuộc sống. Cái hay của Dự án “Vay bò trả bê” là Hội Nông dân cung cấp con giống bảo đảm chất lượng cho dân không để các hộ dân tự tìm mua giống có khi mua phải con giống không đảm bảo chất lượng dẫn đến dự án không có hiệu quả hoặc gây thiệt hại cho chính hộ nghèo. Cách khác là hộ dân tự chọn được giống tốt, Hội Nông dân mới trả tiền để tránh thiệt hại hoặc người dân dùng tiền vào việc khác.
Phương thức vay bò trả bê đã gắn trách nhiệm của cán bộ với hộ dân từ việc tập huấn kỹ thuật đến việc giám sát quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, để Dự án phát huy hiệu quả cần nâng mức hỗ trợ vốn ban đầu, thực tế thì một con bò sinh sản hiện nay cũng có giá từ 13- 14 triệu đồng với mức hỗ trợ 4 - 5 triệu đồng như hiện nay thì rất ít hộ nghèo tiếp cận được với dự án.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Lần đầu tiên thực hiện công tác đền bù, di dời, tái định cư, khối lượng công việc lớn, nhiều vấn đề phức tạp phát sinh là thử thách nặng nề đối với Đảng bộ, chính quyền huyện Văn Yên.
YBĐT - Những năm gần đây, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên (Yên Bái) tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng về đất đai và lao động phục vụ cho phát triển kinh tế.
YBĐT - Ngày 6/11, đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã đi thăm và kiểm tra tiến độ thi công nhà máy xử lý rác thải, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại thôn Ngòi Sen, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái.
Tính đến cuối buổi sáng 6/11, giá bán ra tại các doanh nghiệp kim hoàn lớn dao động từ 46,20 đến 46,27 triệu đồng/lượng, cao hơn từ 200.000 đến 250.000 đồng/lượng so với cuối ngày 5/11.