Sửa Luật Đất đai - cốt lõi giảm khiếu kiện về đất
- Cập nhật: Thứ năm, 8/11/2012 | 9:46:00 AM
YBĐT - Trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai được trình bày trong phiên họp QH ngày 7/11 đã tổng kết có tới 70% các khiếu kiện của công dân liên quan đến đất đai.
Nhiều vấn đề liên quan dẫn đến khiếu kiện về đất đai, nhưng cốt lõi giải quyết vấn đề này đó là phải xây dựng Luật Đất đai cho phù hợp với thực tế và sự phát triển của đất nước.
Thực trạng nhiều năm qua, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai ở nhiều địa phương rất khó khăn, nhiều văn bản hướng dẫn ban hành chồng chéo, khó áp dụng. Rồi chính sách đền bù giải phóng mặt bằng còn tồn tại những bất cập, thiếu đồng bộ, qui định khung giá đất không sát với thực tế, còn có sự chênh lệch giá đất đền bù đối với các diện tích liền kề…
Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức làm công tác giải phóng mặt bằng, thực thi pháp luật lợi dụng quyền hạn, kẽ hở của Luật để cấu kết trục lợi… dẫn đến việc thực hiện không công bằng, gây bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân. Thậm chí, có những vụ khiếu kiện về đất đai kéo dài, vượt cấp… nhưng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không thể giải quyết do những vướng mắc trong việc áp dụng Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nhiều vụ việc chính quyền ra các quyết định hành chính về giải quyết đất đai nhưng người dân vẫn có cơ sở để không chấp nhận các quyết định này dẫn đến, cả nước có tới 528 vụ việc khiếu kiện về đất đai tồn đọng khiến Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc rà soát lại để có phương án giải quyết.
Tại kỳ họp thứ 4 này, Luật Đất đai (sửa đổi) được QH xem xét lần đầu và sẽ đưa ra thảo luận tại hội trường vào ngày 19/11 tới. Dự kiến đến kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2013, nếu đạt yêu cầu về chất lượng, Luật Đất đai sửa đổi sẽ được QH thông qua. Cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm và kỳ vọng vào luật mới sẽ thông qua giải quyết được căn bản các vướng mắc nảy sinh bấy lâu nay.
Theo tờ trình ngày 6-9-2012 của Chính phủ, Dự thảo Luật bao gồm 14 chương và 190 điều, tăng 6 chương và 44 điều so với Luật Đất đai hiện hành. Dự luật tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình và cá nhân. Chính phủ cũng đặt mục tiêu sẽ sử dụng hiệu quả các công cụ về giá, thuế trong quản lý đất đai nhằm khắc phục tình trạng tham nhũng, lãng phí; đồng thời giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai… nhằm kéo giảm các vụ khiếu kiện trong lĩnh vực nhạy cảm này.
Qua các ý kiến của đại biểu QH cũng như một số chuyên gia nhận định, nếu so với Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai sửa đổi lần này nhìn chung có tiến bộ hơn nhưng nếu không được đóng góp, nghiên cứu xây dựng,chỉnh sửa tốt thì khó có thể tạo ra sự đột phá như mong đợi. Trước yêu cầu đó, cử tri và nhân dân cũng rất hy vọng việc QH sửa đổi Luật Đất đai lần này và thông qua vào năm sau sẽ giải quyết được các vấn đề bất cập trên.
Theo nhiều ý kiến đại biểu QH, Luật Đất đai cần xác định rõ chức năng, quyền hạn của chính quyền địa phương. Sự quản lý của Trung ương về đất đai là cần thiết nhưng phải tạo được sự chủ động cho địa phương trong việc quản lý đất đai. Nhà nước có sự điều tiết bảo đảm sự hài hòa giữa các lợi ích Nhà nước với nhân dân, doanh nghiệp và người sử dụng đất trong việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, phải có qui định thống nhất mức giá đất đền bù, đất tái định cư theo thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, tránh sự chênh lệch quá lớn về giá để người được đền bù, cấp đất tái định cư chấp thuận, không gây bức xúc cho người dân. Đồng thời, Nhà nước có chính sách hỗ trợ người nông dân bị thu hồi đất có sinh kế lâu dài.
Theo thông lệ, một dự luật để đảm bảo được tính ổn định, ít nhất cũng phải điều chỉnh được trong vòng 20-30 năm. Trong bối cảnh Luật Đất đai sửa đổi được đưa ra nghị trường, nói thêm về những kẽ hở mà Dự luật chưa điều chỉnh đến là điều cần thiết. Việc mổ xẻ những bất cập, sai sót của Luật Đất đai đã được thực hiện qua nhiều phiên thảo luận, đóng góp ý kiến với sự có mặt của những chuyên gia hàng đầu suốt nhiều năm qua.
Điều làm rất nhiều người quan tâm đến lĩnh vực đất đai băn khoăn, đó là Ban soạn thảo Luật Đất đai cần đề cao hơn nữa lợi ích của người dân. Tập trung quyền lực vào Nhà nước cũng là một cách để quản lý, nhưng nếu quyền lợi của người dân tiếp tục bị xem nhẹ trong việc thu hồi đất, sử dụng đất chắc chắn khiếu kiện vẫn tiếp tục xảy ra.
Trên thực tế, mọi vấn đề liên quan đến đất đai đều vô cùng phức tạp, ngay cả vấn đề tưởng chừng đơn giản như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhiều khi người dân cũng phải qua “nhiều cửa”, mất nhiều tháng mới được giải quyết. Chính vì vậy, khó có thể có một Luật Đất đai vẹn toàn với mong ước của tất cả mọi người.
Tuy nhiên, không phải vì áp lực cần thiết phải ban hành Luật sửa đổi mà có thể xem nhẹ, vội vàng trong xây dựng, chỉnh sửa và thông qua. Hay nói cách khác, những người làm luật cần phải có một cái nhìn sâu sắc hơn, nghiên cứu đến nơi đến chốn, tránh tư tưởng cái gì không giải quyết được thì gác lại, hay cho vào Luật Đất đai những quy định chung chung. Bởi lẽ, một khi đã đi vội, quy định chung chung rất dễ tạo kẽ hở để những người thực thi có cơ hội làm trái và đây cũng là mảnh đất màu mỡ nảy nở tham nhũng.
Với tầm quan trọng của Luật Đất đai, người dân rất kỳ vọng vào sự sửa đổi lần này mang tính căn cơ, thực chất, là nền tảng giải quyết được các bức xúc, tranh chấp triền miên, kéo dài. Người dân càng mong mỏi các đại biểu QH phải phát huy trách nhiệm đóng góp ý kiến và thận trọng trước khi bấm nút thông qua vào kỳ họp tới.
Huy Văn
Các tin khác
Đây là một trong các giải pháp NHNN vừa báo cáo các ĐBQH, nhằm xử lý triệt để vấn đề vàng hóa nền kinh tế và tận dụng nguồn lực vàng miếng trong dân.
Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư mới sửa đổi bổ sung quy định biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Theo đó, buộc các công ty bảo hiểm nâng mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra với mức 70 triệu đồng/người/vụ (tăng 20 triệu đồng).
Chốt giá sáng 7-11, giá vàng trong nước tăng 600.000 đồng/lượng so với giá cuối chiều qua ở mức 46,9 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới 3,28 triệu đồng/lượng.
YBĐT - Để tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao giá trị thu nhập trên mỗi ha canh tác, xã Vĩnh Kiên, Yên Bình (Yên Bái) đã mở rộng diện tích các cây vụ đông có thị trường tiêu thụ thuận lợi, cho giá trị kinh tế cao như hoa, bầu, bí xanh, bí ngô và rau màu khác góp phần hình thành những cánh đồng cho thu nhập cao.