Vũ Linh chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất hàng hóa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/11/2012 | 2:52:46 PM

YBĐT - Nhiều năm nay, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã khuyến khích nhân dân tập trung mở rộng phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình chăn nuôi lợn đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Núi.
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Núi.

Để đưa chăn nuôi thành kinh tế mũi nhọn, Vũ Linh đã tập trung tuyên truyền khuyến khích bà con chuyển dần sang chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô tập trung.

Nhằm giúp người dân có thêm kiến thức KHKT về chăn nuôi, xã đã phối hợp cùng Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện mở nhiều lớp tập huấn đến tận thôn bản, mời các chủ trang trại, các hộ chăn nuôi đến tư vấn kỹ thuật và truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ dân; từng bước vận động người dân cải thiện nâng cao chất lượng con giống, đưa con giống có năng suất cao, phẩm chất tốt vào chăn nuôi.

Đặc biệt, chính sách phát triển chăn nuôi hàng hóa của tỉnh đã tiếp thêm động lực giúp ngành chăn nuôi với quy mô vừa và lớn của xã phát triển. Từ chính sách này người nông dân trong xã đã được giải quyết một phần khó khăn về vốn, kiến thức kỹ thuật cũng như năng lực quản lý điều hành cho người chăn nuôi. Nhờ thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cùng với việc khuyến khích người chăn nuôi, đến nay toàn xã có 7.356 con lợn, trên 33.400 con gia cầm, mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 100 tấn lợn thương phẩm.

Đến thăm trang trại chăn nuôi của bà Vi Thị Tình ở thôn Làng Ngần, một trang trại khá quy mô được xây dựng cách ly hoàn toàn với khu vực dân cư, vừa đảm bảo không ô nhiễm môi trường xung quanh vừa hạn chế các nguồn lây dịch bệnh.

Ngồi trong căn nhà khang trang mới hoàn thành trị giá trên 400 triệu đồng, bà Tình cho biết: “Xây được ngôi nhà thế này phần lớn là từ chăn nuôi lợn, hàng năm, trừ tất cả chi phí gia đình tôi cũng để ra được 70-80 triệu đồng. Mặc dù mới nuôi lợn được dăm năm nay nhưng tôi thấy muốn chăn nuôi quy mô lớn thì phải chủ động được con giống và làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh”.

Đúng như lời bà Tình, chuồng trại của nhà được xây dựng thoáng mát, sạch sẽ, chia nhiều ô cho nhiều lứa lợn khác nhau, lúc nào cũng có trên 100 con lợn thịt và 12 con lợn nái.

Gia đình ông Nguyễn Văn Núi, thôn Đồng Bội cũng chăn nuôi lợn nhưng vì chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi lứa trên dưới 10 con, trong khi giá lợn hơi bấp bênh mà giá thức ăn tăng cao nên không mang lại hiệu quả. Đầu năm 2012, ông Núi mạnh dạn chuyển sang nuôi lợn rừng, đầu tư chuồng trại, tường bao, con giống hết gần 50 triệu đồng. Mặc dù mới chỉ bán được 1 lứa lợn giống nhưng theo ông Núi, nuôi lợn rừng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn vì nguồn thức ăn cho lợn rừng chủ yếu tận dụng các loại nông sản tại địa phương, không cho ăn cám công nghiệp nên thịt lợn chắc và thơm ngon, giá thành bán lợn hơi cũng cao hơn.

Trong chuồng nhà bà Tình lúc nào cũng có trên 100 con lợn thịt và 12 con lợn nái.

Nhận thấy những hiệu quả kinh tế bền vững của việc phát triển chăn nuôi, nhiều gia đình khác cũng mạnh dạn đầu tư nuôi lợn. Nhờ chăn nuôi đúng cách, các mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân như: hộ gia đình bà Nguyễn Thị Minh, ông Địch Quang Phục thôn Đồng Bội; Nông Văn Trại, Bùi Văn Tuấn thôn Làng Ngần…Từ phát triển chăn nuôi lợn ở Vũ Linh, đời sống kinh tế của rất nhiều gia đình ở đây ngày một đi lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 28,3%.

Để phát triển chăn nuôi hiệu quả, mang lại thu nhập cao, xã Vũ Linh đã thành lập đội thú y thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho dân cách phòng chống dịch bệnh; tiêm phòng các loại vắcxin theo quy định; kiểm dịch sản phẩm tiêu thụ đầu ra, đầu vào tại địa phương... nhờ đó những năm gần đây, trên địa bàn không có dịch bệnh lớn xảy ra.

Ông Trần Ngọc Tâm - Phó chủ tịch UBND xã Vũ Linh cho biết: “Để tạo điều kiện cho người chăn nuôi, thời gian tới xã tiếp tục đưa ra những biện pháp cụ thể, đó là phát triển chăn nuôi gắn với phòng trừ dịch bệnh. Đặc biệt quan tâm chú ý đến chất lượng và nguồn gốc của con giống vì đây chính là nền tảng cơ bản cho việc phát triển chăn nuôi bền vững. Cùng với đó, xã tăng cường vận động các hộ dân  phát triển việc cung cấp giống tại chỗ để bảo đảm nguồn giống tốt, chất lượng cao cung cấp cho người nuôi”.

H.D

Các tin khác
Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Yên Bái.

YBĐT - Điểm nổi bật trong hoạt động ngân hàng thời gian qua là động thái cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đối với mọi đối tượng khách hàng của các ngân hàng thương mại.

Nhiều vàng miếng phi SJC không đủ chất lượng trong quá trình kiểm định.

Việc chuyển đổi các vàng thương hiệu khác SJC sang vàng miếng SJC đã lộ ra tình trạng vàng miếng thấp tuổi khá nhiều.

Rừng Tân Phượng đang hồi sinh trở lại.

YBĐT - Xã Tân Phượng, huyện Lục Yên (Yên Bái) có trên 3.000ha rừng các loại với trữ lượng lớn và nhiều loại gỗ quý hiếm nên luôn là “điểm nóng” trong khai thác, vận chuyển lâm sản.

CBCNV Điện lực Khe Sanh (Quảng Trị) tiến hành đại tu trạm cắt 22 kV.

Ngày 8-11, Tổng công ty Điện lực Việt Nam, đại diện 5 Công ty Điện lực các khu vực và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã ký Hiệp định tín dụng cho Dự án Phân phối điện Hiệu quả cho Việt Nam, nhằm cấp điện chất lượng tốt và ổn định hơn cho người sử dụng điện Việt Nam, đồng thời giúp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thông qua cải thiện hiệu quả lưới điện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục