Thác Bà huy động nguồn lực làm đường giao thông
- Cập nhật: Thứ hai, 12/11/2012 | 3:39:07 PM
YBĐT - Suốt một thời gian dài những tuyến đường nhỏ ở thị trấn Thác Bà (Yên Bình) vẫn tồn tại dưới dạng có đường mà không ra đường, lầy thụt, gồ ghề, đặc biệt là không có hệ thống cống rãnh nên nước thải, chất thải chăn nuôi tù đọng gây ô nhiễm. Người dân Thác Bà ao ước có những con đường êm thuận để đi lại thuận lợi...
Nhân dân là nguồn lực lao động chính góp phần kiên cố hóa đường giao thông nông thôn ở địa phương.
|
Là thị trấn nhỏ nhưng do đặc thù địa lý (một bên là núi cao, một bên là sông sâu) nên ngoài hai tuyến đường chính chạy dọc theo sông Chảy, thị trấn Thác Bà có rất nhiều tuyến đường nhỏ về các khu dân cư.
Năm 2010, Nhà nước phê duyệt cho Thác Bà dự án đổ bê tông 1.270m đường giao thông tại ba khu dân cư số 8, số 1 và số 6 theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Cán bộ lãnh đạo thị trấn xác định đây là cơ hội để nâng cấp hạ tầng đô thị, tạo đã phát triển kinh tế xã hội, đổi mới bộ mặt thị trấn theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ thị trấn đã đề ra vì thế việc tổ chức thực hiện phải làm một cách chắc chắn, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Bí thư Đảng uỷ thị trấn, đồng chí Nguyễn Đô Lương kể lại: “Thời điểm ấy đời sống của người dân đã được nâng lên, nhiều gia đình có cuộc sống khá, tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ nghèo nhưng sự đồng thuận của nhân dân là rất cao”.
Từ kinh nghiệm của các địa phương khác đã triển khai chương trình làm đường giao thông nông thôn, Thác Bà đã cho thành lập Ban chỉ đạo, Ban vận động. Theo đó, nhân dân tự bầu ra Ban giám sát, thành phần là những người có uy tín trong cộng đồng.
Để tiết kiệm tối đa chi phí, tập trung toàn bộ nguồn vốn cho công trình, Ban chỉ đạo đã vận động nhân dân tự chủ động giải phóng mặt bằng, khơi thông cống rãnh trước, những vị trí không phải san tạo nhiều thì huy động nhân dân trực tiếp làm, tránh thuê phương tiện cơ giới để tiết kiệm chi. Rồi những tuyến đường khang trang, sạch đẹp đã hình thành làm nức lòng người dân thôn quê.
Đảng bộ, chính quyền thị trấn thì có được bài học lớn đó là phải có sự đồng thuận của nhân dân, phải phát huy được tính công khai, dân chủ và phải có sự vào cuộc của từng cán bộ, đảng viên và Ban công tác mặt trận dân cư.
Đồng chí Trần Huy Lượng - cán bộ địa chính xây dựng thị trấn Thác Bà cho biết: “Sau thành công trên lĩnh vực xây dựng đường giao thông ở các khu 1, 8 và 6, bà con nhân dân và cán bộ đảng viên ở 5 khu còn lại đều tha thiết muốn làm đường. Qua nắm tình hình cho thấy, buổi họp dân cư nào bà con cũng thảo luận và tha thiết đề nghị làm đường, tiếc là năm 2011 Nhà nước dừng đầu tư công để kìm chế lạm phát, nếu không nhiều tuyến đường đã được bê tông hoá theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Sang năm 2012, Nhà nước lại phê duyệt cho Thác Bà làm đường giao thôn nông thôn theo kế hoạch, Đảng bộ, chính quyền thị trấn đã quyết định triển khai đầu tư xây dựng tuyết đường từ khu phố 8 lên khu phố 7 nối với đường nội bộ của Nhà máy Thủy điện.
Đây là tuyến đường dài, qua khu dân cư hẻo lánh nhất của thị trấn và là nơi có mức sống vào loại thấp nhất (trong tổng số 133 hộ vẫn còn 26 hộ nghèo và cận nghèo, không có nhiều hộ thực sự giàu có).
Vẫn huy động tối đa sức dân, vẫn tuân thủ đúng chủ trương công khai, dân chủ, minh bạch và sự vào cuộc của ban chỉ đạo, ban vận động… nhưng trong điều kiện khó khăn về kinh tế, số tiền đầu tư không hề nhỏ (1,2 tỷ đồng).
Đặc biệt, công trình phải được thiết kế theo quy mô lớn hơn (mặt đường rộng hơn những tuyến khác 50 cm, độ dày cũng lớn hơn 4 cm) nhằm đảm bảo cho xe ô tô có tải có thể lưu thông bình thường, thuận lợi cho việc vận chuyển nông lâm sản, khoáng sản từ trong khu đi ra.
Ban chỉ đạo làm đường giao thông năm 2012 thị trấn Thác Bà đã có những cách làm hay như vận động sự đóng góp của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị trấn vì mục tiêu phát triển chung.
Ông Nguyễn Văn Nhuyễn - trưởng khu phố 7 cho biết: “Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị như Thuỷ điện Thác Bà, trường cấp III, Lâm trường Thác Bà… đã nhiệt tình ủng hộ, chúng tôi hiểu rằng trong bối cảnh khó khăn chung, các cơ quan, đơn vị phải tiết kiệm chi lắm mới giúp dân được nhiều đến thế”. Rất nhiều bà con trong khu phố còn tình nguyện đóng góp hơn mức bình quân từ 100 ngàn đến 1 triệu đồng như nhà ông Sơn, nhà bà Thoa…
Nguồn kinh phí xây dựng đường giao thông ở khu phố 7 cũng nhận được sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp đang khai thác quặng cao lanh trên địa bàn khu phố, qua đó thể hiện được trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp với địa phương.
Trong câu chuyện góp sức làm đường ở Thác Bà năm 2012 phải kể tới việc những gia đình làm nghề khai thác cát sỏi trên sông Chảy và cả những người làm nghề vận tải đã dành cho công trình những mức giá rất hữu hảo.
Chủ một cơ sở khai thác cát sỏi (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Cát vàng loại tốt chỉ có giá 50.000 đồng/m3, giá như vậy chỉ bù đắp được chi phí khai thác, anh em chúng tôi làm vậy vì làm đường cho dân, cho làng chứ có đâu xa”.
Khởi công từ 24/8 đến nay, 1.200 m đường bê tông từ khu 8 về khu 7 thị trấn Thác Bà đã được xây dựng hoàn chỉnh, bà con nhân dân thực sự vui mừng và phấn khởi. Đây cũng là cơ sở để thị trấn Thác Bà triển khai kế hoạch bê tông hoá 100% đường giao thông trong năm 2013 và nửa đầu năm 2014.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa sẽ kết thúc năm 2012, ngành Thuế tỉnh Yên Bái đang dồn sức cao độ thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách cuối năm.
YBĐT - Năm 2012, Ban quản lý Dự án Giảm nghèo huyện Lục Yên đã triển khai 44 tiểu dự án chăn nuôi, mở ra một tia hy vọng mới giúp người dân xoá nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Sau 3 vòng tuyển chọn, 56 sản phẩm của 56 tập thể, cá nhân trong số gần 300 sản phẩm thuộc các lĩnh vực của ngành nông nghiệp đăng ký tham gia đã được Bộ NN-PTNT công nhận đạt giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ nhất, năm 2012. Đó là thông tin vừa được công bố tại buổi họp báo do Bộ NN-PTNT tổ chức chiều 8-11 tại Hà Nội.
Với quyết định điều chỉnh của Bộ Tài chính, xăng RON 92 có giá mới 23.150 đồng một lít. Mức giảm tương tự cũng được áp dụng với dầu mazut.