Rau "nghị quyết" ở Nà Hẩu
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/12/2012 | 2:39:43 PM
YBĐT - Từ chỗ thiếu rau ăn, vườn toàn cỏ mọc, đến nay 50% số hộ gia đình trong xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã có vườn rau xanh, nhiều hộ đã trồng được rau để bán cho bà con trong xã, cán bộ đến công tác tại đây không còn phải chịu cảnh bữa ăn thiếu rau.
Phụ nữ Mông Nà Hẩu cải tạo vườn trồng rau xanh.
|
Nà Hẩu là xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên, có trên 360 nóc nhà với gần hai nghìn nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông. Tuy đất tốt và rộng nhưng chủ yếu là rừng nguyên sinh, tập quán canh tác trên nương và tục hái lượm đã thành thói quen nên người dân thường gieo hạt rau trên nương, chưa biết tự canh tác, trồng rau ở vườn nhà để tạo nguồn thực phẩm.
Việc thả rông gia súc cũng khiến rau trồng trên nương thường bị ngựa, trâu, lợn phá, cộng với không được chăm sóc, tưới nước hàng ngày nên không năng suất và hiệu quả. Cùng với đó, người dân Nà Hẩu thường xuyên phải ăn rau héo úa bởi nương ở xa nên mỗi lần đi nương, bà con thường lấy về dự trữ ăn vài ngày, muốn có rau bắp cải, su hào để ăn đồng bào phải xuống chợ Đại Sơn hoặc ra tận thị trấn Mậu A mua.
Nhận thức được vấn đề này nên trong mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương những năm qua, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Nà Hẩu đã quan tâm lãnh đạo, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tăng gia sản xuất, trồng các loại rau xanh, củ, quả để phục vụ đời sống hàng ngày.
Tuy nhiên, việc trồng các loại rau xanh, củ, quả tại các hộ gia đình chưa thực sự bền vững, người dân chỉ trồng rau vào những thời vụ thích hợp như mùa xuân, mùa hè, còn lại thời gian trong năm vẫn để diện tích đất quanh nhà, ven ao, ven đồi bỏ hoang, trong khi đó bữa ăn hàng ngày của bà con thiếu rau xanh trầm trọng.
Do vậy, Đảng ủy, HĐND xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tận dụng diện tích đất vườn quanh nhà trồng các loại rau xanh, củ, quả để cải thiện, đảm bảo chất dinh dưỡng cho bữa ăn. UBND xã Nà Hẩu đã chỉ đạo các trưởng thôn tổ chức họp thôn bản triển khai Nghị quyết của Ban thường vụ Đảng ủy, của HĐND đến nhân dân toàn xã.
Ông Giàng Chẩn Phử - Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu cho biết: Xuất phát từ điều kiện thực tế tại các thôn và hộ gia đình, Ban chấp hành Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo các chi bộ trực thuộc chỉ đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân, mỗi hộ làm một vườn rau xanh. Cán bộ, đảng viên, công chức là người làm gương đi đầu vận động gia đình, vợ, chồng, con, anh em trong dòng họ thực hiện.
Đây cũng là một trong những tiêu chí để UBND xã làm căn cứ đánh giá xếp loại công chức và bình xét thi đua khen thưởng hàng năm. Bên cạnh đó, UBND xã đã giao cho Văn phòng có trách nhiệm tham mưu giúp Thường trực UBND tổng hợp theo dõi tiến độ và việc hoàn thành trồng rau xanh của các thôn để kịp thời khen thưởng, biểu dương vào dịp hội nghị tổng kết thôn bản cuối năm đồng thời làm cơ sở bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa.
Anh Giàng A Pao đang chăm sóc vườn rau của mình tại khu đất trống quanh khu vực UBND xã Nà Hẩu.
Bước đầu, những vườn rau xanh được đội ngũ công chức xã trồng xung quanh trụ sở UBND và Trạm Y tế. Sau thấy đất ven ruộng, ven ao, ven suối đều có thể trồng được rau, bà con cũng làm theo. Trồng rau xanh có mấy giai đoạn quan trọng như khâu làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bón phân, tưới nước, tuy không khó nhưng để bà con làm quen rất cần có sự “cầm tay chỉ việc” của cán bộ khuyến nông.
UBND xã Nà Hẩu đã giao cho khuyến nông viên cơ sở trực tiếp hướng dẫn cụ thể, lựa chọn một số gia đình làm điểm, sau đó mời các hộ dân trong thôn đến quan sát như cách rào vườn, đánh luống, gieo ươm trồng các loại rau, củ quả theo thời vụ, tận dụng các loại rơm rạ, vỏ trấu, phân trâu, phân ngựa, lợn, gà tại gia đình ủ thành đống sau một thời gian đem bón cho rau.
Khâu khó nhất là tuyên truyền các hộ không thả rông gia súc, bởi đây là tập quán đã ăn sâu vào tiềm thức bao đời của đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, bất cứ cuộc họp thôn bản hay hội nghị nào của các ban ngành, đoàn thể, vấn đề này cũng được đưa ra, do vậy bà con đã hạn chế dần việc thả rông gia súc, vườn rau xanh dần tăng lên từ mỗi hộ gia đình.
Từ chỗ thiếu rau ăn, vườn toàn cỏ mọc, đến nay 50% số hộ gia đình trong xã đã có vườn rau xanh, nhiều hộ đã trồng được rau để bán cho bà con trong xã, Cán bộ đến công tác tại xã Nà Hẩu không còn phải chịu cảnh bữa ăn thiếu rau.
Ông Giàng A Châu - Bí thư Đảng ủy xã Nà Hẩu phấn khởi cho biết: Vườn rau xanh không chỉ giúp đồng bào Mông Nà Hẩu giải quyết vấn đề dinh dưỡng mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc thay đổi dần tập quán sản xuất cũ, giúp người dân chủ động nguồn rau xanh tại chỗ, cải thiện bữa ăn. Trồng rau còn kéo theo việc làng bản được vệ sinh sạch sẽ do không còn gia súc thả rông, tận dụng được nguồn phân chuồng bón rau.
Thành công bước đầu của Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Nà Hẩu trong việc lãnh đạo, vận động nhân dân trồng rau xanh ở hộ gia đình tuy hạch toán về giá trị kinh tế không lớn so với cây trồng khác nhưng có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội, môi trường, giúp đồng bào Mông vùng cao thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, từng bước cải thiện sinh hoạt hàng ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cán bộ Nà Hẩu đã hiện thực hóa một nghị quyết bởi hiệu quả thiết thực đi vào lòng dân, đi từ việc nhỏ để tạo phong trào lớn mà các địa phương khác cần học tập.
Hồng Vân
Các tin khác
Trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ lọt vào danh sách 10 nước hàng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh sản xuất, qua mặt cả Thái Lan.
YBĐT – Ngày 7/12, tại Hội trường nhà khách Hào Gia, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tổ chức Hội nghị gặp mặt các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Không phải huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, nhưng vài năm về trước đường GTNT huyện Trấn Yên (Yên Bái) đi lại rất khó khăn, hầu hết là đường đất. Trước thực trạng đó, huyện đã tìm ra cho mình một hướng đi riêng phù hợp với lòng dân, tất cả các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn đã và đang được kiên cố hoá mạnh mẽ.
YBĐT - Không chỉ người dân thôn Bản Mới, Tập Lăng 1, Tập Lăng 2 có đời sống kinh tế khá mà hiện nay nhiều thôn của Suối Giàng cũng có cuộc sống ổn định. Đó là nhờ Đảng bộ, chính quyền địa phương sát sao quan tâm, chỉ đạo đồng bào tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh, trong đó tích cực phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch.