Trạm Tấu phòng chống đói, rét cho trâu, bò: Chuyển biến mạnh trong nhận thức
- Cập nhật: Thứ hai, 24/12/2012 | 10:10:27 AM
YBĐT - Huyện Trạm Tấu (Yên Bái) hiện có tổng đàn gia súc khoảng 25.000 con, trong đó đàn trâu, bò có gần 4.000 con. Việc phát triển chăn nuôi trâu, bò đối với vùng có trên 80% dân số là đồng bào Mông giờ đây không chỉ đơn thuần giải quyết vấn đề sức kéo mà còn là đối tượng vật nuôi nhằm xóa đói giảm nghèo và làm giàu.
Người Thái xã Hát Lừu cho trâu ăn bổ sung trong mùa đông bằng rơm khô.
|
Chính vì vậy, Trạm Tấu coi trọng và động viên nhân dân phát triển chăn nuôi trâu, bò do có đất trồng cỏ, nguồn cỏ tự nhiên phong phú, sẵn các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp như ngô, cây ngô, sắn, thân cây đậu tương, rơm rạ và nguồn nhân lực dồi dào.
Tuy nhiên, do tập quán chăn nuôi của đồng bào còn nặng về thả rông, chuồng trại không có hoặc không bảo đảm chống rét cho gia súc vào mùa lạnh, không chú ý dự trữ thức ăn cho trâu, bò dẫn đến dịch bệnh, chết đói, chết rét nhiều. Như đợt rét đậm, rét hại kéo dài 42 ngày liên tục trong vụ đông xuân 2008 - 2009 đã làm chết trên 1.300 con trâu, bò; vụ rét đông xuân 2009 - 2010 cũng làm thiệt hại trên 1.000 con. Trâu, bò bị chết gây ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng với người chăn nuôi và cả Nhà nước do phải hỗ trợ thiệt hại cho hộ có gia súc bị chết.
Rút kinh nghiệm những bất cập đó, ngay sau khi kết thúc vụ xuân 2010, huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo quyết liệt việc phòng chống đói, rét cho trâu, bò. Một số giải pháp chủ yếu trong công tác này là tập trung rà soát lại tổng đàn trâu, bò; tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức người dân trong phát triển chăn nuôi; đẩy mạnh trồng và trồng thử nghiệm các giống cỏ làm thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông khi cỏ tự nhiên khan hiếm; tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc; hỗ trợ làm chuồng trại nuôi nhốt và bảo đảm ấm về mùa đông; hướng dẫn cách chăn thả tự nhiên; cách bổ sung thức ăn và phòng chống dịch bệnh...
Đồng thời, trước khi bước vào vụ đông xuân 2010 – 2011, huyện đã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp triển khai xây dựng mô hình điểm dự trữ khoảng 300 cây rơm tại xã Trạm Tấu, Hát Lừu với mức hỗ trợ 300.000 đồng/1 cây rơm có trọng lượng từ 500kg trở lên. Các địa phương không nằm trong mô hình điểm cũng tập trung vận động các hộ chăn nuôi trâu, bò chú trọng tích trữ rơm rạ. Kết quả mang lại thật bất ngờ vì hai xã Trạm Tấu, Hát Lừu vụ rét này không có trâu, bò chết do đói, rét, bệnh dịch.
Ở các xã khác, trâu, bò chết không đáng kể và chủ yếu là những con già yếu hoặc bê, nghé. Đặc biệt, trâu, bò sau mùa giá rét vẫn béo khỏe, bảo đảm sức kéo cho sản xuất vụ xuân nên đồng bào rất phấn khởi.
Đồng bào Mông xã Trạm Tấu làm cây rơm dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông.
Ngay sau thành công này, Trạm Tấu đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, tổ chức thăm quan những hộ nuôi nhiều trâu, bò và làm tốt việc trồng cỏ, dự trữ thức ăn, cách chế biến thức ăn, chăm sóc trâu, bò… Vụ đông xuân 2011 - 2012, cả huyện có trên 900 cây rơm so với kế hoạch phấn đấu 830 cây và vụ này, cả huyện không có trâu, bò bị chết vì đói, rét. Tuy nhiên, quan điểm chỉ đạo của huyện là không chủ quan.
Đồng thời, huyện đã mở hội nghị về bảo vệ sản xuất, phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; dự báo tới chính quyền cơ sở, người chăn nuôi về những diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là vụ đông xuân 2012 - 2013 theo kinh nghiệm thực tế dễ lặp lại chu kỳ rét đậm, rét hại kéo dài. Đàn gia súc của huyện đã được tiêm phòng đợt 2 đạt 100%.
Trước khi bước vào vụ rét, lực lượng cán bộ khuyến nông cơ sở bám sát cùng chính quyền cơ sở nắm tình hình từng hộ chăn nuôi trong việc phòng chống đói rét, bệnh dịch cho gia súc. Qua kiểm tra, hầu hết chuồng trại nuôi nhốt bảo đảm các yêu cầu.
Bà Nguyễn Thị Duyên - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết, tuy chưa có hỗ trợ nhưng toàn huyện năm nay đã làm được khoảng 1.800 cây rơm bổ sung thức ăn cho trâu, bò. Trên 150ha cỏ trồng phát triển bình thường cùng với khai thác cỏ tự nhiên, sử dụng các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp khác thì nguồn thức ăn trong vụ rét này sẽ khả quan hơn vụ trước.
Đặc biệt, ý thức của người chăn nuôi trong phòng chống đói rét, dịch bệnh cho trâu, bò đã trở nên tự giác hơn. Nhiều hộ người Thái, người Mông đã có thói quen trong vụ rét ngoài việc cho trâu, bò ăn cỏ tự nhiên còn bổ sung thức ăn hỗn hợp gồm rơm khô băm nhỏ, cây chuối thái mỏng trộn lẫn cháo cám, cháo ngô, cháo sắn, muối để trâu, bò được bảo đảm nguồn dinh dưỡng.
Với những bước chuyển nhanh, đồng bộ này, chắc chắn trong tương lai, việc chăn nuôi gia súc ở Trạm Tấu sẽ còn đạt kết quả cao hơn nữa, thực sự là động lực kinh tế để xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân nơi đây.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo điều chỉnh giảm lãi suất điều hành; lãi suất tiền gửi tối đa bằng Việt Nam đồng (VND) của các tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Các mức lãi suất mới có hiệu lực từ ngày 24-12.
Phát triển kinh tế tập thể gắn với xây dựng nông thôn mớiBộ Tài chính cho biết, Bộ trưởng Vương Đình Huệ vừa ký Công văn đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2013.
“Đến thời điểm này chúng tôi không có kế hoạch thưởng Tết, có chăng chỉ là tìm cách ứng lương trước cho nhân viên”.
YBĐT - Ngày 21/12, Bộ tài nguyên & Môi trường đã tổng kết công tác thi đua khen thưởng cụm III gồm 6 tỉnh Tây Bắc gồm: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Điện Biên, Lào Cai và Yên Bái.