Chìa khóa để kinh tế lâm nghiệp ở Yên Bái phát triển bền vững

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/1/2013 | 9:45:21 AM

YBĐT - Năm 2012, tỉnh Yên Bái thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2012-2015 (gọi tắt là Đề án giao đất, giao rừng).

Rừng trồng trên đảo hồ Thác Bà.
Rừng trồng trên đảo hồ Thác Bà.

Đây là một chủ trương lớn của tỉnh với mục tiêu từng bước đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân, tạo tiền đề cho việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững, được xem là đòn bẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp ở nông thôn.

Trong những năm qua, Yên Bái đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng bằng việc mạnh dạn giao đất rừng cho dân. Tổng diện tích đất rừng đã được giao là 290.895 ha, trong đó: rừng đặc dụng 36.500 ha, rừng phòng hộ 162.200 ha, rừng sản xuất 92.195 ha.

Đây là một chủ trương đúng, hợp lòng dân, tuy nhiên, việc giao đất, giao rừng cho người dân để phát triển kinh tế lâm nghiệp còn chậm. Do nhận thức của nhân dân về chủ trương, chính sách còn hạn chế, diện tích rừng sau khi bàn giao từ các lâm trường sang Ban quản lý 661 các huyện để thực hiện giao rừng, cho thuê rừng không khớp với hồ sơ và thực địa, nhất là việc giao rừng, cho thuê rừng theo Quyết định 112/QĐ-BNN và Thông tư 24/2009/TT-BNN với định mức thấp, chỉ có 80 kg thóc/ha đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sau khi quy hoạch chuyển sang rừng sản xuất khiến người dân tranh giành những diện tích rừng có trữ lượng lớn, gây khiếu kiện đông người.

Trước thực trạng trên, tỉnh quyết tâm thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng gắn với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) giai đoạn 2012-2015 với tổng diện tích 88.573 ha. Trong đó, giao cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư 54.329 ha, diện tích cho thuê 34.244 ha. Năm 2012, tiến hành giao 6.960 ha rừng và đất rừng ở hai huyện Trấn Yên và Yên Bình, cho thuê đất 17.000 ha trong đó làm điểm tại 2 xã Y Can, huyện Trấn Yên và xã Vũ Linh, huyện Yên Bình.

Trong tổng số 2.890 ha đất lâm nghiệp của xã Y Can, huyện Trấn Yên thì có đến 1.857 ha đất do Lâm trường Việt Hưng bàn giao cho Ban quản lý  661 huyện quản lý, còn đất do hộ gia đình, cá nhân quản lý chỉ chiếm trên 779 ha.

Nhiều người dân đang hằng ngày mong chờ việc giao đất, giao rừng. Chính vì lẽ đó, việc giao đất giao rừng, cấp giấy CNQSDĐ lâm nghiệp đối với quỹ đất rừng do lâm trường bàn giao cho Ban quản lý 661 được coi là cuộc cách mạng về đất lâm nghiệp ở đây.

Theo Ông Vũ Quốc Tiên, Chủ tịch UBND xã Y Can thì việc giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất cho thuê đất, cấp giấy CNQSDĐ đối với quỹ đất của Lâm trường Việt Hưng bàn giao cho Ban quản lý 661 góp phần để người dân ổn định đời sống sản xuất, thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp của địa phương. 

Ông Vũ Quốc Tiên cho biết thêm: “Xã đã thành lập Hội đồng giao rừng cấp xã, đã xác định được quỹ đất dự kiến giao, cho thuê, số hộ thiếu đất trên địa bàn xã cần tiến hành giao, hạn mức giao bình quân cho một hộ, đồng thời đã tổng hợp, thống kê diện tích, loại rừng và số hộ gia đình có nhu cầu thuê; xây dựng xong phương án, trình Ban chấp hành Đảng bộ xã, trình Hội đồng nhân dân xã thông qua và trình Uỷ ban nhân dân huyện phê duyệt”. 

Ông Nguyễn Văn Chỉ, trưởng thôn Khe Chè, xã Y Can cho biết: “Trước đây, nhiều hộ dân nhận đất nhưng không biết đất của mình ở đâu. Nhiều hộ dân có đất, nhưng ranh giới, vị trí, diện tích đất trong hồ sơ và trên thực địa không khớp nhau. Hộ thì có nhiều, nhưng có nhiều hộ lại có rất ít đất để canh tác. Điều này dẫn tới hậu quả là nhiều người dân vì không có đất nhưng do nhu cầu mưu sinh đã phải sản xuất ở những vùng đất mình chưa được giao.

"Do đó, chủ trương giao đất, giao rừng, cấp giấy CNQSDĐ được đa số người dân đồng tình hưởng ứng. Nếu mỗi gia đình chỉ cần 1 ha đất trồng rừng, chỉ 5 năm sau hộ trồng rừng sẽ có khoảng 100 khối gỗ keo với giá hiện nay thu về 100 triệu đồng. Quan trọng hơn là người dân yên tâm sản xuất trên mảnh đất được giao” - ông Chỉ cho biết.

Để cụ thể hóa Đề án giao đất, giao rừng lớn nhất từ trước đến nay, các huyện, thị đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng cấp huyện, xây dựng quy chế và phân công trách nhiệm cho các thành viên trong ban chỉ đạo, xây dựng Đề án giao rừng cấp huyện và xây dựng phương án giao rừng cấp xã.

Xã Vũ Linh, huyện Yên Bình đã thực hiện công tác tuyên truyền đến hộ gia đình, cộng đồng dân cư về công tác giao rừng, cho thuê rừng. Hiện nay, đang tiến hành rà soát diện tích rừng dự kiến giao, cho thuê tại thực địa và số hộ thuộc diện được giao để xây dựng phương án chi tiết trình Hội đồng nhân dân xã thông qua.

Hiện, các địa phương, các cấp, các ngành đang đẩy mạnh tiến độ giao đất, giao rừng. Tuy nhiên, diện tích rừng từ các lâm trường chuyển sang cho địa phương quản lý đã để cho người dân lấn chiếm đến nay khó thực hiện việc xử lý tài sản trên đất để giao lại hoặc cho thuê.

Diện tích đất trống dự kiến cho thuê để trồng rừng, các địa phương báo cáo sau khi rà soát giảm so với dự kiến vì diện tích này người dân địa phương tự nhận là đã trồng rừng vào đó, vì thế rất khó cho việc thoả hiệp xử lý tài sản trên đất để tiến hành cho thuê theo quy định.

Chìa khóa để thành công đó là chính sách được sự đồng thuận cao của các hộ dân sản xuất nông - lâm nghiệp và các thành phần kinh tế. Việc thực hiện tốt Đề án giao đất, giao rừng là động lực lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh và mở ra một định hướng phát triển mới của kinh tế lâm nghiệp theo hướng hiệu quả bền vững.

Văn Thông

Các tin khác
Từ các chương trình dự án đầu tư, kinh tế vùng cao Yên Bái
đã chuyển dịch rõ nét theo hướng phát triển xanh.

YBĐT - Nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng nguồn lực đầu tư thông qua các chương trình, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn của Yên Bái năm 2012 không suy giảm.

Đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình ngô đông trên đất hai vụ lúa ở phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Trước thềm năm mới, YBĐT đã có cuộc trao đổi với một số lãnh đạo doanh nghiệp trong tỉnh về kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2012 và phương hướng năm 2013.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm, kiểm tra cơ sở sản xuất, khai thác chế biến đá hoa trắng của Công ty Đá cẩm thạch R.K tại huyện Lục Yên.
(Ảnh: Đức Toàn)

YBĐT - Với sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự quan tâm chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Yên Bái, của các ngành chức năng và cấp chính quyền trong việc tháo gỡ khó khăn, sản xuất công nghiệp trong năm 2012 dù không đạt chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ.

Mô hình nuôi vịt cạn đẻ trứng ở huyện Yên Bình cho kết quả đáng mừng.

YBĐT - Tạo đột phá trong nuôi trồng, tạo nhiều nông sản mang giá trị hàng hóa cao là trăn trở của những người làm khoa học. Những đề tài, dự án được hội đồng khoa học và công nghệ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai đạt hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho các loại nông sản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục