Cây khoai tây trên đồng đất Trấn Yên
- Cập nhật: Thứ tư, 23/1/2013 | 9:15:43 AM
YBĐT - Mặc cho nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, những người nông dân trên các cánh đồng của huyện Trấn Yên vẫn hăng say làm việc, thu hái thành quả vụ đông. Ngô đã chắc hạt, cà chua chín đỏ chờ hái lứa cuối. Đặc biệt, những ruộng khoai tây đang chờ người tới thu hoạch giải phóng đất làm vụ lúa xuân.
Vụ đông năm 2012, huyện Trấn Yên trồng 33 ha khoai tây.
|
Khoai tây không phải là một loại cây trồng mới nhưng qua nhiều năm vẫn được người dân đưa vào cơ cấu cây trồng vụ đông. Việc trồng khoai của nhiều nông dân, trong đó có ông Trần Văn Tân ở thôn 16, xã Báo Đáp bắt đầu từ những suy nghĩ đơn giản: “Đi chợ thấy dân mình toàn phải mua khoai tây Trung Quốc, Vĩnh Tường trong khi đất bỏ phí, nghĩ tiếc lắm. Đồng đất mình có, nguồn nhân lực mình có, tại sao không trồng khoai để phục vụ cho bà con, vậy là tôi trồng hơn 10 năm nay rồi”.
Vụ đông năm ngoái, nhà ông Tân trồng 4 sào khoai tây, thu được 25 triệu đồng. Nhờ chăm sóc tốt, ruộng khoai tây nhà ông đạt năng suất 6 tạ/sào. Thấy hiệu quả, năm nay, nhiều hộ trong thôn cũng bắt đầu trồng khoai. Mới đầu vụ, giá bán đã được 12.000 đồng/kg. Những nông dân ở đây hy vọng đến tết Nguyên đán, giá sẽ tăng thêm cho bõ công những ngày chăm sóc vất vả.
“Thật không dễ có loại cây trồng gì chỉ trong vòng 75 ngày cho thu nhập cao thế! Đầu tháng 11 bỏ giống xuống, thêm phân chuồng và vôi bột, kỹ thuật chăm sóc đã được tập huấn rồi, đặc biệt là trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu, vừa dễ trồng lại vừa tốt cho đất”, ông Tân chia sẻ thêm.
Vụ đông vừa qua, huyện Trấn Yên trồng 33ha khoai tây, tăng 10ha so với năm 2011, năng suất trung bình đạt 110 tạ/ha với các giống Hà Lan, KT3… Khoai tây thuộc loại hệ củ to và tròn, thích hợp với đất cát pha nên được quy hoạch trồng tập trung tại các xã như Báo Đáp, Quy Mông, Y Can, Minh Tiến… Mọi năm, các loại rau màu vụ đông chỉ cần bỏ giống xuống là bén rễ, lên xanh. Năm nay, trời không chiều lòng người, thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, dẫn đến các loại sâu bệnh phát sinh.
Với khoai tây, loại bệnh gây hại chủ yếu là thối gốc mốc trắng. Qua kinh nghiệm, những người nông dân ở đây cũng có cách phòng trừ sâu bệnh. Nhận thấy bệnh phát sinh từ củ giống nên sau khi khoai tây đã hình thành các tia củ, người trồng loại bỏ củ chính, vậy là hạn chế được sâu bệnh.
Ông Nguyễn Tiến Chiển - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: “So với các loại cây trồng khác, cây khoai tây cho thu nhập cao hơn hẳn. Huyện khuyến khích nông dân phát triển loại cây trồng này để nâng cao giá trị thu nhập trong vụ đông bằng cách vận dụng các chính sách hỗ trợ nông dân từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng và chăm sóc qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Huyện định hướng phát triển khoai tây hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, mở rộng diện tích trồng khoai tây tại các xã vùng ven sông Hồng, hướng đến mục tiêu trồng hơn 100ha mỗi năm”.
Giá bán cao nhưng người nông dân chưa phải đã hết băn khoăn. Bà Nguyễn Thị Vĩnh, thôn 11, xã Báo Đáp cho biết: “Đúng là khoai tây cho thu nhập cao thật, ngô chỉ thu 1 triệu đồng/sào, khoai tây được giá là có thể có 4 đến 5 triệu đồng/sào dễ dàng mà thời gian sinh trưởng lại ngắn, ngô chỉ cần trồng muộn ít ngày coi như bỏ nhưng khoai tây vẫn được thu. Hiện nay, chủ yếu khoai vẫn được tiêu thụ thông qua các chợ quanh vùng, phục vụ nhu cầu của nhân dân. Nếu có đầu ra ổn định, chắc chắn nông dân chúng tôi sẽ trồng nhiều hơn”.
Nỗi trăn trở của người nông dân xuất phát từ thực tế, khoai tây sau khi thu hoạch vẫn ngày ngày cùng chủ nhân trên những chiếc xe đạp cọc cạch vào thành phố, bán từng cân tại các chợ nhỏ lẻ. Như vậy thật khó có thể cạnh tranh với khoai tây Trung Quốc và các tỉnh khác vốn đã chiếm lĩnh thị trường lâu nay.
Cây khoai tây có nhiều ưu điểm, điều đó đã được khẳng định. Tuy nhiên, sau mỗi mùa thu hoạch, có nhiều vấn đề đặt ra từ chất lượng nông sản đến đầu ra cho sản phẩm. Để nâng cao năng suất, địa phương cần áp dụng các biện pháp thâm canh, sử dụng các giống mới và đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Khi mở rộng diện tích, khối lượng hàng hóa làm ra lớn, ngoài đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, cần tính đến giải quyết bài toán về đầu ra. Đầu ra có ổn định, nông dân mới yên tâm sản xuất.
Đây vẫn là vấn đề lâu nay cần phải giải quyết không chỉ với Trấn Yên mà với cả các địa phương khác. Vấn đề về thị trường tiêu thụ cũng không chỉ được đạt ra với riêng khoai tây mà còn với các loại nông sản khác nếu muốn hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và bền vững.
Hồng Khanh
Các tin khác
YBĐT - Năm 2012 là một năm tiếp tục chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, giá cả các mặt hàng tăng cao, đầu ra sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp khó khăn, các doanh nghiệp lao đao.
YBĐT - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ban, ngành; các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái thực hiện tốt một số nội dung sau:
YBĐT - Thành phố Yên Bái phấn đấu đến năm 2015 đạt giá trị sản xuất nông lâm nghiệp 103 tỷ 2 trăm triệu đồng, tăng bình quân mỗi năm 6,5%, giá trị đất canh tác đạt 70 triệu đồng/ha.
Sáng 22/1, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2013. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.