Thành quả vụ đông của Yên Bái
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/2/2013 | 8:55:28 AM
YBĐT - Nếu như những năm trước đây, cây ngô vẫn là chủ lực thì năm nay, ngoài cây ngô, bà con còn đưa khoai tây, bí, rau, cà chua, hành, ớt... vào trồng với diện tích khá lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường và đạt nhiều kết quả khả quan.
Nhờ đưa giống mới vào sản xuất và áp dụng các biện pháp thâm canh nên năng suất, sản lượng ngô đã tăng nhiều so với cùng kỳ.
|
Vụ đông 2012 - 2013, nông dân trong tỉnh Yên Bái đưa vào gieo trồng trên 11.000ha ngô, khoai và rau màu các loại. Sau ba tháng chống chọi với khí hậu khắc nghiệt, sâu bệnh hoành hành và giá cả vật tư đầu vào tăng cao cùng sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành cũng như nỗ lực của nông dân, đến thời điểm này, diện tích cây vụ đông đã cho thu hoạch và đạt nhiều kết quả khả quan.
Sản xuất cây vụ đông không còn xa lạ với người nông dân nhưng sản xuất theo hướng hàng hóa và thị trường thì vụ đông 2012 - 2013 mới thực sự rõ nét. Các địa phương cũng như nông dân đã chủ động chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, chọn các cây trồng phù hợp với đất đai, trình độ canh tác của từng địa phương và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Nếu như những năm trước đây, cây ngô vẫn là chủ lực thì năm nay, ngoài cây ngô, bà con còn đưa khoai tây, bí, rau, cà chua, hành, ớt... vào trồng với diện tích khá lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường. 100% diện tích ngô được trồng bằng các giống mới có năng suất cao, chất lượng hạt tốt lại kháng được sâu bệnh.
Thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Văn Yên là những địa phương luôn đi đầu trong sản xuất cây vụ đông. Vụ đông này, huyện Văn Chấn đưa vào gieo trồng trên 2.500ha, trong đó có 1.500ha ngô, 250ha khoai lang, 320ha rau đậu các loại.
Để tạo điều kiện và khuyến khích nông dân sản xuất vụ đông tốt, ngoài việc chỉ đạo các đơn vị cung ứng đủ giống, phân bón đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, huyện còn có cơ chế hỗ trợ 30.000 đồng/kg giống ngô trồng trên diện tích 2 vụ lúa và 120kg phân bón/ha tại xã Thanh Lương và Phù Nham.
Hướng đi đúng và chỉ đạo cụ thể, vượt qua những khó khăn về thời tiết, toàn bộ diện tích cây vụ đông sinh trưởng và phát triển tốt. Năng suất ngô đạt bình quân trên 33 tạ/ha và cung ứng hàng ngàn tấn rau màu các loại cho thị trường, giá trị thu nhập trên mỗi héc-ta canh tác đạt trên 30 triệu đồng.
Chị Hà Thị Hoàng đang cùng gia đình thu hoạch ngô phấn khởi nói: "Vụ đông này, gia đình đưa vào gieo trồng 5 sào ngô đông, trong đó có 4 sào ngô tẻ và 1 sào ngô nếp. Thời tiết thuận lợi cùng với được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật làm ngô bầu nên khi đưa ra ruộng, ngô bén rễ ngay và sinh trưởng rất tốt. Từ đầu vụ đến giờ, gia đình đã thu một sào ngô nếp, vừa ăn vừa bán thu được hơn 2 triệu đồng. 4 sào ngô tẻ quả to hạt mẩy thế này chắc chắn cũng thu được 6 tạ ngô hạt. Làm cây vụ đông, nhất là trồng ngô thì không giàu nhưng cũng giải quyết được việc làm lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho gia đình lại có thức ăn phục vụ cho chăn nuôi".
Thị xã Nghĩa Lộ không có nhiều diện tích trồng lúa, chỉ trên dưới 700ha nhưng bà con đã đưa vào gieo trồng trên 500ha cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa, trong đó có 200ha ngô tẻ, 120ha ngô nếp, ngô bao tử, diện tích còn lại trồng khoai lang và các loại rau màu khác. Mặc dù ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch trồng cơ bản giống ngô tẻ nhưng nông dân ở Nghĩa Phúc, Nghĩa An, Nghĩa Lợi… đã "xé rào" đưa ngô nếp, ngô bao tử vào trồng gần nửa diện tích. Lý do của họ đưa ra là gieo trồng cây gì cho hiệu quả kinh tế cao hơn thì trồng.
Thực tế, từ nhiều năm nay, họ trồng ngô nếp, ngô nếp thu non (ngô bao tử) cho hiệu quả kinh tế cao gấp 1,2 - 1,4 lần ngô tẻ. Bên cạnh đó, thị xã xây dựng hàng chục điểm mô hình trồng các giống rau, củ, quả mới chất lượng cao với diện tích 23ha.
Đặc biệt, Nghĩa Lộ phối hợp với một doanh nghiệp tại Hà Nội trồng thử nghiệm 4ha cây ớt cho kết quả khả quan, giá trị thu nhập đạt trên 40 triệu đồng/ha. Đến nay vẫn chưa có một đánh giá cụ thể nhưng với thực tế kết quả trên đồng ruộng, các nhà chuyên môn cho rằng đây là một vụ đông thắng lợi cả từ diện tích, năng suất và giá trị thu nhập trên mỗi héc-ta canh tác.
Nói như vậy không có nghĩa là vụ đông 2012 - 2013 không có điều trăn trở. Hàng chục héc-ta khoai tây ở Văn Yên không cho kết quả, đáng tiếc là toàn bộ diện tích này nằm trong chương trình hỗ trợ sản xuất xây dựng nông thôn mới. Một vấn đề nữa là vẫn còn có quá nhiều diện tích hội đủ các yếu tố cho sản xuất nhưng ruộng vẫn bỏ hoang suốt 3 tháng.
Đó là chưa kể tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính quy hoạch, hầu hết các mô hình sản xuất đều thiếu sự đầu tư cho các yêu cầu thiết yếu về khoa học kỹ thuật. Chưa có một mô hình nhà lưới, nhà che kính bảo vệ cây trồng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà phần lớn vẫn sản xuất theo kiểu "được chăng hay chớ", cơ bản phụ thuộc vào thiên nhiên, chưa có sự chủ động trong việc đối phó với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, vấn đề đầu ra cho sản phẩm vẫn chưa tìm được lời giải. Hầu hết sản phẩm vụ đông chưa có thương hiệu nên rất khó có thể liên doanh, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ có uy tín.
Rõ ràng, ngoài những kết quả đã đạt được, ngành nông nghiệp cũng như các địa phương cần nghiên cứu, tìm ra giải pháp khắc phục những hạn chế thì sản xuất vụ đông mới mang lại hiệu quả cao và thực sự trở thành một vụ sản xuất chính trong năm.
Ngọc Trúc
Các tin khác
Chiều 31/1, ông Đỗ Trung Thành, Phó phòng Kinh doanh gas của Saigon Petro cho biết: “Kể từ 7h30 sáng nay 1/2, giá bán gas SP giảm 1.083 đồng/kg (đã VAT), tương đương 13.000 đồng/bình 12kg so với giá đầu tháng 1/2013”.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng, chống tham nhũng có hiệu lực; chính sách vay vốn sản xuất với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; quy định mới về đào tạo liên thông; chỉ thành lập Phòng công chứng nếu không phát triển được Văn phòng công chứng... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2013.
YBĐT - Ngay tháng 11 của năm 2012, huyện Mù Cang Chải đã tiến hành tổng kết công tác phòng chống cháy rừng 2011 - 2012 và triển khai nhiệm vụ phòng chống cháy rừng niên vụ 2012 – 2013; kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR của huyện.
Tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 1, sáng 30- 1, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ thảo luận, đóng góp ý kiến về 7 dự án Luật, Pháp lệnh, gồm: