Giữ rừng ở miền Tây Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/2/2013 | 9:56:11 AM

YBĐT - Không chỉ hiểu luật, nghiêm khắc, dũng cảm, mưu trí với lâm tặc, cán bộ kiểm lâm còn phải biết làm công tác dân vận.

Cán bộ kiểm lâm Văn Chấn tuyên truyền Luật Bảo vệ - Phát triển rừng với nhân dân xã Nậm Lành.
Cán bộ kiểm lâm Văn Chấn tuyên truyền Luật Bảo vệ - Phát triển rừng với nhân dân xã Nậm Lành.

Rừng thì rộng, lực lượng kiểm lâm thì mỏng, trang bị phương tiện hỗ trợ vừa thiếu vừa yếu, chính quyền cơ sở nhiều nơi nhiều lúc chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng nên việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở các huyện, thị phía Tây gồm: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải vẫn còn nhiều gian nan, vất vả.

Đã nhiều lần cùng các cán bộ kiểm lâm đi tuần tra, bảo vệ rừng, nhưng trong lần theo chân các kiểm lâm viên thuộc Trạm Kiểm lâm Bản Dõng,  Hạt Kiểm lâm Văn Chấn đi kiểm tra, bảo vệ, tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển vốn rừng ở hai xã Nậm Lành, Nậm Mười, tôi càng cảm nhận được những khó khăn, vất vả của những người giữ rừng ở huyện miền Tây này.

Với diện tích trên 72 ngàn ha, trong đó có hơn 45 ngàn ha là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng nhưng cán bộ kiểm lâm chỉ có 45 biên chế. Bình quân mỗi kiểm lâm viên phải quản lý, bảo vệ gần 1.600 ha rừng.

Không chỉ rừng rộng lớn mà đường sá đi lại vô cùng khó khăn, phương tiện hỗ trợ thì thiếu và yếu nhưng hầu như tháng nào kiểm lâm viên cũng phải hàng chục lần đi khắp các khu rừng mình quản lý. Bình quân mỗi lượt đi như thế là đi bộ hàng chục cây số đường rừng, những hôm thời tiết không thuận lợi ngủ trong rừng là bình thường.

Anh Vũ Đình Trường - Hạt phó, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bản Dõng tâm sự: “Đường sá đi lại vất vả, phương tiện hỗ trợ cho công tác quản lý bảo vệ hạn chế, diện tích rừng rộng... là những khó khăn, song anh em cán bộ kiểm lâm viên thực sự yêu nghề, tâm huyết với rừng vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Cái khó nhất là mỗi kiểm lâm viên phải am hiểu phong tục, tập quán của người dân, đồng bào dân tộc nơi mình quản lý để mà thuyết phục, tuyên truyền luật, nói để họ hiểu để cùng chung tay giữ rừng, bảo vệ. Ngoài ra, kiểm lâm viên cũng phải cứng rắn không run sợ, nhẫn nại trước những nguy hiểm, những lời thoá mạ và đặc biệt không dao động trước những “cám dỗ” của lâm tặc, đầu nậu...”.

Không chỉ hiểu luật, nghiêm khắc, dũng cảm, mưu trí với lâm tặc, cán bộ kiểm lâm còn phải biết làm công tác dân vận. Kiểm lâm viên về địa bàn mình phụ trách phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, lắng nghe nguyên vọng của người dân để cùng với chính quyền xã vận động người dân trở thành người giữ rừng, tai mắt của rừng.

Một kiểm lâm viên của Trạm tâm sự: Một lần vào buổi tối, nhận được tin báo của dân có lâm tặc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, anh em lên xe cùng các công cụ hỗ trợ phóng vào rừng, xe gần đến địa điểm vận chuyển thì bị đánh chông xịt lốp, anh em đi bộ được một đoạn thì thấy từ trên núi cao đá cứ lăn ào ầo, ầm ầm. Biết là bị lâm tặc “tập kích” nhưng anh em trong đội vẫn kiên quyết, vượt qua nguy hiểm để vào tới hiện trường. Thấy động, các đầu nậu, lâm tặc bỏ của chạy lấy người.

Sau khi lập biên bản và tịch thu gỗ về thì các lâm tặc đã thuê người dân cùng một số “đầu gấu” vào cản trở gây khó khăn, nhiều người còn buông những lời lẽ thoá mạ, dọa nạt nhưng anh em vẫn cương quyết và có sự ủng hộ của người dân nên toàn bộ số gỗ đã bị tịch thu và đưa về Trạm an toàn. Nghề kiểm lâm cũng nguy hiểm lắm, chỉ có yêu nghề tâm huyết với với nghề, yêu rừng mới làm kiểm lâm viên địa bàn được.

 

Những cánh rừng nguyên sinh đang hồi sinh trở lại.

Quả thực, thời gian qua  đã có không ít cán bộ kiểm lâm trong cả nước phải đổ máu để giữ rừng, thậm chí ngay trên địa bàn tỉnh cũng có không ít kiểm lâm bị lâm tặc hành hung, đánh đập phải nhập viện. Bên cạnh việc bảo vệ, giữ rừng tại gốc, lực lượng kiểm lâm còn phải có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là trồng và phát triển vốn rừng, cùng với xã xây dựng các phương án bảo vệ và phát triển lâm nghiệp.

Nậm Lành từng là “điểm nóng” về khai thác, chặt phá rừng, thế nhưng từ khi kiểm lâm viên làm việc tích cực, dân vận khéo và có sự phối hợp có hiệu quả của chính quyền thì những cánh rừng đã được quản lý, bảo vệ tốt hơn. Những người dân trước từng là “lâm tặc” thì nay đã biết trồng và tu bổ rừng, xây dựng cuộc sống an bình ngay trên những dải rừng xanh năm xưa mình tàn phá.

Hơn 4 ngàn ha rừng đã được các hộ dân nhận quản lý bảo vệ hiệu quả, hàng trăm ha rừng trồng như keo, quế xanh mướt đã và đang cho khai thác góp phần xoá đói giảm nghèo hiệu quả.

Sau một ngày đi hơn chục ki-lô-mét đường rừng tuần tra kiểm soát và làm công tác dân vận, trưa ăn cơm nắm với cá khô, chập tối chúng tôi về Trạm cùng anh em kiểm lâm nổi lửa nấu cơm. Mệt mỏi là thế mà khi bưng bát cơm ăn với rau rừng hái trên đường đi tuần tra ăn lại thấy ngon hơn bất cứ bữa cơm nào tôi đã từng ăn.

Một ngày với kiểm lâm địa bàn Văn Chấn tôi lại có thêm nhiều trải nghiệm và càng thấu hiểu hơn những gian khó mà các anh từng ngày trải qua trong việc giữ gìn cho lá phổi xanh của nhân loại được an toàn và phát triển.

Thanh Phúc  

Các tin khác
Mục tiêu tổng thể của đề án tái cơ cấu nền kinh tế là thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp để đến 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu.

Sau ba năm khởi động, Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Ảnh minh họa.

Trên thị trường, tổ chức, doanh nghiệp có thể mua bán tất cả các loại vàng SJC trọng lượng khác nhau.

Rau xanh bán tại các chợ chủ yếu vẫn là các loại rau thông thường.

YBĐT - Với 541ha rau như hiện nay, nguồn rau xanh của thành phố Yên Bái vẫn “cung không đủ cầu” cho người dân mà phải nhập rau của các tỉnh khác. >>Vùng rau an toàn và hiệu quả / Nỗi niềm vùng rau 

Ảnh minh họa

YBĐT - Thực hiện kế hoạch mở rộng diện tích trồng tre Bát Độ lấy măng, năm 2013, Trấn Yên phấn đấu trồng mới 300 ha. >>Trấn Yên thu hoạch trên 14.000 tấn măng tre Bát độ

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục