Sản xuất nông nghiệp vùng cao: Bước chuyển từ nhận thức đến hành động
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/3/2013 | 2:37:36 PM
YBĐT - Nằm trong diện 62 huyện nghèo nhất nước nhưng vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) đang có bước phát triển mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng nông thôn được xây dựng khang trang, to đẹp hơn; hộ đói, hộ nghèo từng năm khép lại.
Đồng bào vùng cao Trạm Tấu thu hoạch ngô đồi.
|
Quan trọng hơn là đã và đang tạo bước chuyển mạnh mẽ từ tư duy đến hành động của lãnh đạo và người dân nơi đây, nhất là sản xuất nông nghiệp từ quảng canh, tự cung tự cấp sang sản xuất có đầu tư, thâm canh theo hướng hàng hóa thị trường.
Đất đai nhiều, nguồn nhân lực dồi dào nhưng thiếu định hướng, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, nhất là tư duy sản xuất manh mún, lạc hậu dẫn đến sản xuất không hiệu quả, vừa lãng phí tài nguyên lại không thể cân đối lương thực trên địa bàn. Các cấp chính quyền đã vận động nhân dân tận dụng đất đai, đưa cây lúa nước vào gieo cấy 2 vụ và trồng ngô đồi, phát triển chăn nuôi. Nói là vậy nhưng để thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức người vùng cao thì không hề đơn giản. Cuộc “cách mạng xanh” ở nơi vùng cao này được triển khai với phương thức “mưa dầm thấm đất”.
Các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên xuống tận nhà, rà tận thôn, bản và cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm với dân. Những nơi nào có nước thì hướng dẫn bà con gieo cấy lúa đông xuân và mỗi xã, mỗi thôn đều xây dựng các mô hình cấy lúa đông xuân. Cũng phải mất vài ba năm, khi thấy rõ hiệu quả, đồng bào mới làm theo. Lúa đông xuân coi như đã thành công, Trạm Tấu lại tiếp tục đưa cây ngô lên đồi, tạo khối lượng hàng hóa lớn. Một lần nữa, cán bộ, đảng viên nơi đây lại về xã, về bản vận động, hướng dẫn người dân trồng cây ngô đồi. Nếu như năm 2006, toàn huyện chỉ có chưa đầy 500ha ngô thì đến nay, con số đã là 3.530ha.
Chỉ tính riêng năm 2011, huyện đã thu về trên 7.538 tấn ngô, tăng 1.878 tấn so với cùng kỳ, đưa tổng sản lượng lương thực có hạt lên gần 18.000 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 628kg/người/năm.
Bí thư Huyện ủy Vũ Quỳnh Khánh phấn khởi nói: “Để làm thay đổi tập quán canh tác của người vùng cao không hề đơn giản dù vẫn biết, người vùng cao cũng như người vùng thấp đều khát khao cống hiến, khát khao làm giàu cho mình và cho xã hội. Người vùng cao chỉ làm theo khi mắt thấy hiệu quả rõ rệt. Trong chỉ đạo điều hành phải quyết liệt, cụ thể và làm với lòng nhiệt tình, trực tiếp tại cơ sở chứ không thể chỉ ngồi ở huyện, ở xã chỉ đạo. Ngay trong việc vận động bà con chuyển đổi diện tích lúa nương sang trồng ngô năm vừa qua cũng vậy. Vừa vận động vừa thuyết phục, làm các mô hình hướng dẫn, thậm chí còn phải ký với các hộ dân nếu làm không thành công thì huyện sẽ “đền” không chỉ giống, phân bón, nhân công mà bằng sản lượng cán bộ kỹ thuật tuyên truyền”.
Sản xuất lúa nương mộ dù hiệu quả kinh tế thấp nhưng đã gắn bó như máu thịt với người dân Trạm Tấu từ bao đời nay. “Để vận động chuyển đổi sang trồng ngô cho hiệu quả hơn biết là sẽ rất khó khăn nhưng không phải không làm được nếu có sự quyết tâm, vào cuộc mạnh mẽ, nói cho dân hiểu, dân thông cùng với những minh chứng thực tế, dân sẽ làm ngay thôi” - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu Nguyễn Thị Duyên khẳng định. Ngay trong năm đầu tiên, nhân dân các xã đã chuyển đổi được gần 400ha lúa nương sang trồng ngô đồi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các xã chuyển đổi được nhiều là: Bản Công trên 76ha, Trạm Tấu 58ha, Pá Hu 51ha, Phình Hồ 52ha... Anh Vàng A Sinh, xã Trạm Tấu phấn khởi: “Năm vừa qua, gia đình chuyển đổi gần 1,5ha lúa nương mộ sang trồng ngô, được Nhà nước cho giống và cấp một phần phân bón, cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, ngô lên xanh tốt và cho thu hoạch gần 5 tấn ngô hạt, bán thu gần 30 triệu đồng. Hiệu quả cao gấp nhiều lần so với làm lúa nương, vụ năm nay, tôi sẽ về vận động gia đình, bà con chuyển hết lúa nương sang trồng ngô, chắc chắn xóa đói giảm nghèo và làm giàu được”. Gia đình anh Sùng A Ninh ở xã Trạm Tấu cũng chuyển đổi trồng 2ha ngô, cho thu 6 tấn ngô hạt, bán được 47 triệu trồng.
Nhờ trồng ngô mà cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn, lại có tiền mua thóc đóng vào “Kho thóc khuyến học” của xã. Rõ ràng chỉ với 400ha lúa nương mộ chuyển đổi sang trồng ngô đã mang về cho Trạm Tấu gần chục tỷ đồng, quan trọng hơn là đã thay đổi cách nghĩ, cách làm từ manh mún, lạc hậu sang sản xuất theo hướng hàng hóa thị trường.
Tuy Trạm Tấu vẫn còn nhiều việc phải làm, phải nỗ lực hơn nữa nhưng với những bước chuyển từ nhận thức đến hành động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây trong sản xuất nông - lâm nghiệp chính là nền tảng vững chắc để địa phương vùng cao này phát triển đi lên.
Thanh Phúc
Các tin khác
Ngân hàng Nhà nước đang gấp rút chuẩn bị những khâu cuối cùng để tiến hành đấu thầu vàng miếng. Dự kiến, phiên đấu thầu sẽ chính thức được tổ chức vào đầu tuần sau.
YBĐT - Để Đề án thực sự có hiệu quả, thời gian tới, Yên Bái đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương hoàn chỉnh Đề án giao rừng, cho thuê rừng cấp huyện, thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt trong quý I năm 2013.
YBĐT - Những năm gần đây, diện mạo kinh tế - xã hội của xã Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình) có những chuyển biến tích cực: kinh tế tăng trưởng, hộ khá giàu tăng, hộ nghèo giảm, không còn hộ đói; an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn được giữ vững và ổn định...
Mức thuế suất tuyệt đối thuế nhập khẩu với xe nhỏ đã qua sử dụng sẽ được điều chỉnh tăng 700 -1.600 USD/chiếc kể từ 29/4 tới.