10 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác

Ngân hàng Chính sách Xã hội - công cụ đắc lực để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/3/2013 | 2:48:56 PM

YBĐT - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, từ những năm 1987, Nhà nước ta đã chủ trương phát triển kinh tế theo cơ chế kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội luôn nhận đuợc sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp của các ban, ngành. Ảnh: Đồng chí Tạ Văn Long trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh.
Hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội luôn nhận đuợc sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp của các ban, ngành. Ảnh: Đồng chí Tạ Văn Long trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh.

Không thể phủ nhận rằng, nền kinh tế thị trường đã mang lại những bước tiến vượt bậc cho sự phát triển đất nước song bên cạnh những ưu việt vẫn còn những khuyết tật không thể tránh khỏi mà một trong những khuyết tật cơ bản là sự phân hóa giàu nghèo ngày càng có khoảng cách lớn.

Để khắc phục những khuyết tật đó nhằm đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta đã coi mục tiêu xóa đói giảm nghèo - an sinh xã hội là một trong những mục tiêu lớn trong suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Để thực hiện các mục tiêu đó, đã có rất nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách đó, người nghèo rất cần một nguồn lực tài chính ưu đãi với một phương thức phù hợp để giúp họ có vốn làm ăn, biết cách làm ăn, thoát khỏi tư tưởng bao cấp và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Với đòi hỏi khách quan đó, tháng 10/2002, Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách của Chính phủ được ban hành và việc thành lập Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đã thực sự trở thành giải pháp hữu hiệu để thực thi chính sách an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Yên Bái là một tỉnh miền núi, điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, thu ngân sách chưa đủ đáp ứng nhu cầu chi, có 2/9 huyện, thị, thành thuộc 62 huyện nghèo nhất cả nước theo Quyết định 30a/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 132/180 xã thuộc vùng khó khăn theo Quyết định 30/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 53 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn.

Toàn tỉnh có 30 dân tộc sinh sống với tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46%, dân số sống ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ 80%, thu nhập bình quân đầu người thấp so với các tỉnh trong cả nước, số hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao (từ 2003 – 2012, tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 20%).

Với những điều kiện đó, Yên Bái rất cần những nguồn lực đầu tư để có thể bứt phá trở thành tỉnh phát triển toàn diện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, XVII đã đề ra.

Thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm 2003, các chương trình tín dụng ưu đãi được đầu tư đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn tỉnh Yên Bái thông qua hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh.

Ban đầu mới chỉ là 2 chương trình: cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm với tổng dư nợ 174 tỷ đồng đều nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh (thời điểm tháng 4/2003), đến hết năm 2012, NHCSXH đã triển khai 9 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh.

Trải qua chặng đường 10 năm xây dựng và trưởng thành, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã nâng tổng nguồn vốn tín dụng lên 1.405 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với năm đầu thành lập, trong đó vốn cân đối từ Trung ương 1.362 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 97%; vốn huy động tại địa phương 44 tỷ đồng, đặc biệt trong đó nguồn vốn huy động từ cộng đồng người nghèo thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 24 tỷ đồng.

Từ 2 chương trình tín dụng năm 2003, đến hết năm 2012, đã thực hiện 9 chương trình tín dụng chính sách, chuyển tải 2.288 tỷ đồng cho vay hơn 195.000 lượt khách hàng là hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Dư nợ bình quân mỗi hộ tăng từ 3,6 triệu đồng (năm 2003) lên 13,4 triệu đồng (năm 2012).

Để đạt được những kết quả trên, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái trong những năm qua đã không ngừng tăng cường sự phối hợp, phát huy tốt vai trò là công cụ đắc lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động và thực hiện các chính sách xã hội khác.

Ngay từ khi thành lập, đơn vị đã khắc phục mọi khó khăn, khẩn trương xây dựng mạng lưới hoạt động, hoàn thiện mô hình hoạt động và phương thức quản lý phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Ban đại diện hội đồng quản trị các cấp với các thành viên đều là lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội hoạt động kiêm nhiệm đã cùng tham gia chỉ đạo hoạt động NHCSXH từ cấp tỉnh đến cấp huyện.

Mô hình tổ chức này đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, xã hội cùng chung sức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, góp phần giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Một trong những đặc thù của hoạt động NHCSXH là phương thức cho vay ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội. NHCSXH với bộ máy gọn nhẹ đảm nhiệm các quy trình nghiệp vụ giải ngân, thu nợ và quản lý toàn bộ quá trình chu chuyển của nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Các tổ chức chính trị - xã hội bằng mạng lưới cơ sở của mình từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, thôn bản sẽ đảm nhận các công đoạn từ tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi; thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn và kiểm tra, đôn đốc, giám sát hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tập huấn nghiệp vụ ủy thác; kiểm tra, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ đúng hạn.

 Cán bộ tín dụng NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái làm việc với các tổ tiết kiệm và vay vốn tại xã Nam Cường (thành phố Yên Bái).

Đến hết năm 2012, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã ký kết văn bản liên tịch ủy thác tín dụng với 4 tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh gồm Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên; 35 hội cấp huyện; ký hợp đồng ủy thác với 497 hội cấp xã; hợp đồng ủy nhiệm với 2.657 tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn bản.

Trong giai đoạn từ 2003 - 2012, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, cho vay: 103.477 lượt hộ nghèo với số tiền 1.097 tỷ đồng; 3.764 dự án giải quyết việc làm với số tiền 152 tỷ đồng; 1.393 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài số tiền 22 tỷ đồng; 22.717 hộ gia đình nông thôn làm công trình nước sạch và vệ sinh môi trường số tiền 143 tỷ đồng; 19.170 hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn cho con đi học số tiền 282 tỷ đồng, 4.062 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn số tiền 20 tỷ đồng; 20.071 hộ sản xuất, kinh doanh thuộc vùng khó khăn số tiền 512 tỷ đồng; 6.183 hộ vay xóa nhà dột nát số tiền 49 tỷ đồng; 336 thương nhân vùng khó khăn số tiền 11 tỷ đồng. Với nguồn vốn tín dụng chính sách nói trên đã góp phần giúp 48.831 hộ thoát nghèo; tạo ra 12.570 việc làm mới cho người lao động; hỗ trợ 21.272 em học sinh được đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề; 6.183 hộ được xóa nhà dột nát; 17.959 công trình nước sạch, 18.218 công trình vệ sinh được làm mới đủ tiêu chuẩn vệ sinh môi trường; 20.407 hộ dân ở vùng khó khăn được đầu tư vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh; 4.062 hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn mua giống gia súc, gia cầm chăn nuôi cải thiện đời sống; hàng ngàn lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động…

Mạng lưới làm công tác ủy thác đã phủ rộng khắp 100% các thôn, bản trong toàn tỉnh để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đến với đối tượng sử dụng đồng thời quản lý một cách chặt chẽ, có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.

NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã cùng với các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện các bước trong quy trình chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chất lượng tín dụng ủy thác ngày một nâng lên qua các năm.

Đến 31/12/2012,  dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh đạt 1.365.895 triệu đồng, chiếm 97,5% tổng dư nợ.

Kết quả hoạt động cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội qua 10 năm đã phản ánh tính tiên tiến của phương thức cho vay: chuyển tải vốn nhanh, đáp ứng được nhu cầu vốn cho hộ nghèo và đối tượng chính sách đồng thời quản lý vốn tín dụng chính sách công khai, dân chủ, xã hội hóa hoạt động NHCSXH; các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội có điều kiện kết nạp thêm được hội viên và củng cố, kiện toàn các tổ chức của mình từ cơ sở ngày càng vững mạnh đồng thời có thêm một phần kinh phí để hoạt động.

Công tác ủy thác từng phần đã kết nối NHCSXH với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội chung tay thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo.

Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, tiết giảm các chi phí của người vay, thực hiện dân chủ, công khai việc sử dụng vốn tín dụng chính sách và tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kiểm tra, giám sát và giúp đỡ người vay sử dụng vốn có hiệu quả.

NHCSXH đã tổ chức hoạt động giao dịch lưu động tại các xã, phường với hình thức: tại trụ sở ủy ban nhân dân mỗi xã, phường, thị trấn đặt một điểm giao dịch lưu động; mỗi tháng một lần, tổ giao dịch lưu động của NHCSXH trực tại điểm giao dịch xã để thực hiện giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm và triển khai các công việc quản lý vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã.

Toàn bộ các thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi, danh sách hộ vay, tình hình dư nợ của hộ dân trên địa bàn xã được niêm yết công khai tại bảng tin NHCSXH tại điểm giao dịch xã.

Đến nay, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã tổ chức 180 điểm giao dịch tại 180 xã, phường trên toàn tỉnh. Hoạt động giao dịch đã đi vào nền nếp. Tại các  điểm giao dịch được trang bị đầy đủ biển chỉ dẫn, biển hiệu, bảng tin, thông báo chính sách, hòm thư góp ý, các trang thiết bị làm việc để đảm bảo phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.

NHCSXH tổ chức giao dịch tại xã theo lịch đầy đủ. Công tác giao ban hàng tháng giữa NHCSXH với chính quyền cấp xã và các tổ chức đoàn thể làm ủy thác cấp xã được duy trì đều đặn đã góp phần quản lý và nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.

Với mô hình tổ chức và phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù mà NHCSXH đã và đang thực hiện đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia hoạt động tín dụng chính sách, đây là một mô hình sáng tạo và phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.

Đến nay, NHCSXH đã khẳng định vai trò của mình đối với sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế đất nước. Đóng góp này đã được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong xã hội, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách khác ghi nhận.

Qua 10 năm triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã cho thấy, Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ và sự ra đời của NHCSXH là tất yếu khách quan và hoàn toàn phù hợp trong điều kiện kinh tế, xã hội nước ta hiện nay cũng như giai đoạn tiếp theo.

Trong thời gian tới, căn cứ vào chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2020, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái xác định tập trung vào một số mục tiêu chủ yếu sau:

- Nguồn vốn mỗi năm tăng trưởng bình quân 10%, trong đó nguồn vốn huy động từ cộng đồng người nghèo thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn đến năm 2020 đạt 100 tỷ đồng.

- Dư nợ mỗi năm tăng trưởng bình quân 10%.

- Tỷ lệ nợ quá hạn duy trì <1%.

- Củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng về mọi mặt.

- Đảm bảo 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

- Triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình tín dụng ưu đãi mới của Chính phủ, trước mắt là chương trình cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng chính sách, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục và tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ.

 Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái cần phải làm tốt các giải pháp sau:

- Tranh thủ hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với hoạt động của NHCSXH; phối hợp chặt chẽ với các ngành tăng cường công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư hiểu rõ về chính sách tín dụng ưu đãi để cùng chung tay quản lý đồng thời xóa bỏ tư tưởng bao cấp, trông chờ ỷ lại để người nghèo cố gắng sử dụng đồng vốn ưu đãi có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.

- Tăng cường vai trò lãnh đạo của ban đại diện hội đồng quản trị các cấp; thường xuyên kiểm tra, giám sát và nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát nhằm chấn chỉnh kịp thời những tồn tại.

- NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách. Các tổ chức đoàn thể thực hiện đầy đủ và chất lượng các công đoạn nhận ủy thác.

- Thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng của tổ tiết kiệm và vay vốn; tổ chức tổ tiết kiệm và vay vốn đảm bảo theo đúng quy định và phù hợp với điều kiện hoạt động trên từng địa bàn; nâng cao năng lực quản lý vốn của ban quản lý tổ.

- Đầu tư vốn các chương trình tín dụng chính sách một cách hợp lý, nâng mức cho vay; phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, quản lý tốt nguồn vốn ưu đãi; làm tốt công tác cho vay thu nợ, thu hồi vốn đến hạn để cho vay quay vòng.

- Tổ chức tốt hoạt động của điểm giao dịch lưu động nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương công khai, dân chủ, minh bạch các hoạt động tín dụng chính sách và tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kiểm tra, giám sát và giúp đỡ người vay sử dụng vốn có hiệu quả.

- Chú trọng công tác đào tạo để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tác nghiệp NHCSXH; nâng cao chất lượng ủy thác của các tổ chức đoàn thể làm ủy thác; nâng cao năng lực hoạt động của ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn đồng thời đảm bảo cán bộ làm ủy thác, cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn có kiến thức cơ bản về quản lý tín dụng, kiểm tra, giám sát, phát hiện, phòng ngừa rủi ro, hướng dẫn sử dụng vốn có hiệu quả cho người nghèo và đối tượng chính sách.

- Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra để phòng ngừa kịp thời những hiện tượng tiêu cực, sử dụng vốn vay không đúng mục đích, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý kiên quyết để thu hồi vốn cho Nhà nước.

- Bám sát Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định phê duyệt số 852/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015 để xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động trong từng giai đoạn cụ thể.

Tin chắc rằng, với phương thức hoạt động phù hợp cùng với sự chung tay góp sức của cả cộng đồng và sự cố gắng của tập thể cán bộ, viên chức trong đơn vị, những năm tiếp theo, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được giao, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội của địa phương.

Tạ Văn Long - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái - Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo huyện, thị trấn tham gia khởi công công trình.

Hướng tới chào mừng kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng bộ huyện (20/6/1947 – 20/6/2024) và chào mừng Lễ công bố huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới, sáng 18/5, huyện Yên Bình đã khởi công công trình bê tông hóa đường giao thông tại tổ dân phố số 8, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.

Ảnh minh họa

Liên bộ sẽ thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.

Chiều 17/5, đồng chí Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh Lào Cai cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái để trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025.

Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc đem lại thu nhập cao cho các hộ dân thôn São, xã Tân Lập.

Những ngày này, các hộ trồng dưa ở xã Tân Lập, huyện Lục Yên đang vào vụ thu hoạch chính với các sản phẩm: dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới, dưa hấu…. Qua nhiều vụ trồng, các giống dưa đã khẳng định phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cũng như trình độ canh tác của người dân nơi đây. Đặc biệt, sản phẩm được nhiều người biết tới do các hộ dân áp dụng quy trình sản xuất "sạch".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục