Đẩy mạnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/4/2013 | 1:36:17 PM

YBĐT - Với 20 xã và thị trấn có mặt nước hồ, diện tích mặt nước hồ Thác Bà trên địa bàn huyện Yên Bình (Yên Bái) là hơn 15.000ha. Theo thống kê, có trên 1.000 ngư dân Yên Bình sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản.

Nhiều ngư dân đã thực hiện tốt việc khai thác thủy sản và nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. (Ảnh:Thanh Thủy)
Nhiều ngư dân đã thực hiện tốt việc khai thác thủy sản và nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. (Ảnh:Thanh Thủy)

Trước đây, do công tác quản lý còn nhiều bất cập, các ngư dân đã sử dụng nhiều loại phương tiện, trong đó có những phương tiện mang tính hủy diệt như: lưới vét, kích điện, mìn… để đánh bắt nên nguồn lợi thủy sản trên hồ ngày càng cạn kiệt. Thực hiện Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 17/12/2012 của UBND huyện Yên Bình về bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà (giai đoạn 2011 - 2016), Kế hoạch số 08/KH-BCĐ ngày 18/1/2013 về thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi  thủy sản trên hồ Thác Bà năm 2013 của Ban chỉ đạo huyện, Yên Bình đã đẩy mạnh thực hiện công tác này.

Cùng với việc chia mặt nước hồ cho các địa phương chủ động quản lý, Ban chỉ đạo huyện giao cho Công an huyện Yên Bình tham mưu cho UBND huyện dự thảo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 4/10/2011 của UBND huyện Yên Bình về việc tăng cường bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và nghiêm cấm việc dùng chất nổ, kích điện, lưới vét, vó lưới mắt nhỏ đánh bắt thủy sản trên hồ Thác Bà và Kế hoạch số 134.

Công an huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo công an phụ trách các xã, thị trấn triển khai thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà. Công an xã, thị trấn là lực lượng nòng cốt trực tiếp thực hiện lập kế hoạch triển khai công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ.

Thực hiện kế hoạch của UBND huyện, hầu hết các xã, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân không dùng chất nổ, kích điện, lưới vét, vó lưới mắt nhỏ kết hợp với ánh sáng đèn đánh bắt thủy sản trên hồ. Đồng thời thành lập tổ công tác tự quản, giao cho lực lượng công an xã và dân quân xã làm nòng cốt thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định về khai thác thủy sản trên hồ thuộc xã, thị trấn được giao quản lý.

Trong đó, các tổ tuần tra liên ngành, ban công an các xã Phúc Ninh, Mông Sơn, Đại Đồng, Vũ Linh, Vĩnh Kiên đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã và tổ chức thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả cao; đã vận động ngư dân tự tháo dỡ, tổ chức tuần tra tháo dỡ phần lớn số ngư cụ cấm đang được sử dụng tại địa phương. Tính đến ngày 20/2/2013, với số ngư cụ cấm vẫn đang hoạt động trên hồ Thác Bà là 112 vó đèn và 186 bộ kích xung điện, đã có 94 người sử dụng vó đèn, 179 người sử dụng kích điện, xung điện ký cam kết không sử dụng ngư cụ cấm để khai thác.

Sau khi ký cam kết, số người đã tự bỏ ngư cụ cấm đối với vó đèn là 20 người, kích điện là 64 người. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tổ chức tháo dỡ, thu giữ 29 chiếc vó đèn, 3 kích điện bộ (1 bộ thuộc thị trấn Yên Bình, 2 bộ thuộc huyện Lục Yên). Từ  hạn chế số lượng phương tiện đánh bắt hủy diệt đã thu được những kết quả khả quan.

Theo đánh giá của các ngư dân, sản lượng cá, tôm khai thác theo hình thức thông thường đã tăng lên, điều này chứng tỏ việc hồi sinh của các loại cá, tôm. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, do một số xã như Thịnh Hưng, Ngọc Chấn, Xuân Long, Xuân Lai, Mỹ Gia, Tân Hương, Phúc An, ban công an chưa làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy và chính quyền địa phương, không tổ chức tuần tra nên đến nay, số ngư dân sử dụng ngư cụ cấm khai thác thủy sản trên địa phận được giao quản lý không giảm. Vì vậy, trên hồ Thác Bà thuộc Yên Bình vẫn còn 70 chiếc vó đèn, 122 bộ kích điện của ngư dân vẫn tiếp tục hoạt động khai thác thủy sản.

Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả cao Kế hoạch số 134/KH-UBND  ngày 17/12/2012 của UBND huyện, Kế hoạch số 08/KH-BCĐ ngày 18/1/2013 của Ban chỉ đạo huyện Yên Bình về quản lý nguồn lợi thủy sản, trong thời gian tới, Yên Bình tiếp tục chỉ đạo Công an huyện và các xã, thị trấn tiếp tục tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, chính quyền địa phương thành lập ngay tổ công tác tự quản (nếu xã nào chưa thành lập), giao cho lực lượng công an xã và dân quân xã làm nòng cốt, thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định về khai thác thủy sản trên hồ Thác Bà thuộc xã, thị trấn được giao quản lý; phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của các chủ trương, chính sách về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà để nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Đồng thời tổ chức cho các ngư dân khai thác thủy sản trên hồ Thác Bà ký cam kết thực hiện việc nghiêm cấm dùng chất nổ, kích điện, lưới vét, vó lưới mắt nhỏ kết hợp ánh sáng đèn để đánh bắt thủy sản trên hồ; cùng với hướng dẫn ngư dân làm thủ tục để được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định sẽ vận động các hộ ngư dân thành lập đội khai thác tự quản theo từng thôn. Điều đáng mừng là trong tháng 3, đã có Hợp tác xã Khai thác dịch vụ và chăn nuôi thủy sản ở thị trấn Yên Bình được thành lập.

Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản là việc làm kiên trì và dài hơi, do đó việc tổ chức tuần tra, kiểm tra toàn bộ vùng hồ, kiểm tra kết quả triển khai của các xã, thị trấn xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cần phải được duy trì thường xuyên.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Văn Chấn hướng dẫn nông dân xã Sơn Thịnh cách phát hiện sâu bệnh hại lúa.

YBĐT - Mặc dù ảnh hưởng của các đợt rét đậm, rét hại ngay từ đầu vụ song do làm tốt công tác chỉ đạo, thực hiện nghiêm ngặt khung lịch thời vụ nên hiện nay, toàn bộ diện tích lúa đông xuân của huyện Văn Chấn (Yên Bái) sinh trưởng, phát triển tốt và đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ.

Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Yên Bái tham dự hội nghị.

YBĐT - Vừa qua, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành về tổng kết công tác phòng chống lụt bão năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013, sơ kết 5 năm thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, giai đoạn 2008-2012.

Giao đất, giao rừng là để người dân yên tâm sản xuất lâu dài, không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo trong nông nghiệp...

YBĐT - Giao đất, giao rừng là để người dân yên tâm sản xuất lâu dài, không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn mà chính người dân là những nhân tố quan trọng trong việc trồng và bảo vệ rừng một cách hiệu quả.

Cán bộ huyện Mù Cang Chải kiểm tra công tác phòng chống rét cho gia súc ở xã Hồ Bốn.

YBĐT - Quý I/2013, các địa phương trong tỉnh Yên Bái đã có kế hoạch chuẩn bị thức ăn dự trữ, có biện pháp tích cực phòng chống rét (các địa phương đã có chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo 300.000 đồng/hộ để làm cây rơm dự trữ và 100.000 đồng/hộ mua bạt che chắn chuồng trại...).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục