Văn Chấn: Tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn
- Cập nhật: Thứ tư, 10/4/2013 | 9:10:43 AM
YBĐT - Là huyện miền núi, ít có điều kiện thuận lợi cho việc thu hút và phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhưng nhờ tập trung đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn nên sản xuất công nghiệp thời gian qua ở Văn Chấn (Yên Bái) đã tăng trưởng khá, góp phần vào sự phát triển chung của toàn huyện.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân chăm sóc vườn chè giống.
(Ảnh: Hồng Duyên)
|
Với diện tích trên 3.800ha, Văn Chấn là địa phương có diện tích trồng và chế biến chè lớn nhất tỉnh Yên Bái. Hàng năm, ngành chè đóng góp gần 70% tổng số thu ngân sách từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh trên địa bàn huyện. Do đó, ngành công nghiệp sản xuất, chế biến chè được Văn Chấn xác định là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn để tạo bước đột phá và phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Theo ông Trần Hữu Sính - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, hiện nay, địa bàn huyện có trên 60 doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh chè, chiếm 35% tổng số doanh nghiệp đang quản lý. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành chè gặp rất nhiều khó khăn do nắng, nóng kéo dài, ít mưa, cây chè sinh trưởng và phát triển kém; giá cả một số loại vật tư như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tăng cao, người dân không có điều kiện để đầu tư, chăm sóc nên năng suất chè đạt thấp.
Sản xuất, chế biến và kinh doanh chè là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của huyện Văn Chấn.
Việc thu hái chè bằng liềm, máy cắt của người trồng chè đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng của cây và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Do việc thu hái tập trung vào một thời gian ngắn nên các doanh nghiệp sản xuất rơi vào tình trạng thừa nguyên liệu, sau đó lại thiếu nguyên liệu, làm gián đoạn sản xuất, tăng chi phí đầu vào. Đứng trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh chè cũng như UBND huyện đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy ngành chè phát triển.
Theo đó, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ về chính sách thuế, đất đai, vốn vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chè ổn định và phát triển sản xuất; chỉ đạo Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng trực tiếp khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất, có phương án hỗ trợ đầu tư phân bón, giống chè năng suất cao và chú trọng việc cải tạo đất đối với các vùng nguyên liệu chè.
Bên cạnh đó tăng cường kiểm tra, rà soát các hộ sản xuất chè sao bom, kinh doanh nhỏ lẻ, các đầu mối thu mua gom tại các xã, thị trấn để quản lý thuế; xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, kinh doanh chè "bẩn", từng bước làm trong sạch môi trường sản xuất, kinh doanh, chế biến chè trên địa bàn...
Bên cạnh những hỗ trợ của huyện, các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè cũng chủ động tìm các giải pháp ổn định vùng nguyên liệu để đảm bảo sản xuất.
Ông Nguyễn Thành Vinh - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ (thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ) cho biết: "Công ty có công suất chế biến 42 tấn chè búp tươi/ngày. Để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, doanh nghiệp đang tiến hành các giải pháp chăm sóc thật tốt cho hơn 400ha vùng chè nguyên liệu thông qua việc cho vay không tính lãi để người làm chè mua phân bón chăm sóc. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là tiết kiệm chi phí sản xuất cân đối, hài hòa lợi ích của người làm chè".
Bên cạnh việc tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến, kinh doanh chè, huyện Văn Chấn cũng tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng... Huyện đã thành lập đoàn kiểm tra việc khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn, nhất là khai thác khoáng sản trái phép (vàng sa khoáng); tiếp tục đôn đốc các dự án thủy điện trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ, nhất là dự án thủy điện Văn Chấn để góp phần hoàn thành giá trị sản xuất công nghiệp…
Với những nỗ lực trên, sản xuất CN - TTCN trên địa bàn huyện Văn Chấn trong quí I/2013 ước đạt trên 46,7 tỷ đồng. Theo đánh giá của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, giá trị này chỉ đạt 11,05% kế hoạch năm do 3 tháng đầu năm trùng với dịp nghỉ tết, các doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng. Từ quí II, hoạt động sản xuất mới thực sự sôi nổi khi vụ chè mới bắt đầu cho thu hái và ngành sản xuất, chế biến chè cũng bắt đầu "nóng máy" tại các phân xưởng.
Hùng Cường
Các tin khác
Ngày 10/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng thứ 5 với khối lượng lên tới 40.000 lượng, với tổng giá trị khoảng 1.720 tỷ đồng, tính theo giá tham chiếu để tính tiền đặt cọc là 43,29 triệu đồng/lượng.
Liên Bộ Tài chính - Công thương yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm giá bán muộn nhất từ 18 giờ ngày 9/4. Theo đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã giảm giá bán xăng RON 92 là 500 đồng/lít, còn dầu hỏa và dầu Diesel giảm 450 đồng/lít.
YBĐT - Từ một xã hàng năm thiếu hàng trăm tấn lương thực, kết thúc năm 2012, tổng sản lượng lương thực có hạt của xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã đạt 2.186 tấn, an ninh lương thực đảm bảo và có gần ngàn tấn ngô hàng hóa.
YBĐT - Trước nguy cơ có thể bùng phát dịch bất cứ lúc nào, các cấp, các ngành chức năng tỉnh Yên Bái chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống nhằm bảo vệ đàn gia súc, gia cầm cũng như sức khỏe của người dân.