Ngành chè Yên Bái: Chống “ăn xổi”

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/5/2013 | 9:52:31 AM

YBĐT - Mặc dù Chính phủ đã có Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, song thực tế, người dân thường phá hợp đồng bán nguyên liệu khi có đơn vị trả giá cao hơn. Các cơ sở chế biến nhỏ thay vì đầu tư cho người dân trồng chè vốn, giống, kỹ thuật đã chọn giải pháp "đầu tư qua giá". Vì vậy, người dân luôn trồng chè trong tình trạng "ăn xổi".

Sản xuất chè xanh tại hợp tác xã chè Hương Lý.
Sản xuất chè xanh tại hợp tác xã chè Hương Lý.

>> Mối quan hệ cần thiết hướng đến sản xuất bền vững

Việc cho phép các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng rất nhiều cơ sở chế biến chè mà không cần các điều kiện ràng buộc, không có chiến lược phát triển ngành chè hợp lý cho địa phương mình, không có quy hoạch đồng bộ giữa phát triển vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến đã dẫn tới tình trạng các nhà máy được phép xây dựng tràn lan, chồng chéo vùng nguyên liệu, lấn át lẫn nhau. Quy hoạch manh mún luôn chậm một bước so với tốc độ phát triển, quy hoạch xong thì đã lỗi thời, để lại gánh nặng cho thế hệ sau.

Công suất gấp ba sản lượng

Yên Bái có diện tích chè lớn nhất cả nước với diện tích 11.200ha, sản lượng chè búp tươi năm 2012 đạt 91.000 tấn. Tuy nhiên, với 104 doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở chế biến chè thì tổng công suất đã lên tới 1.231 tấn/ngày (chưa tính công suất của trên 400 cơ sở chế biến chè thủ công quy mô hộ gia đình). Như vậy, với sản lượng hiện có, Yên Bái chưa đáp ứng được 50% nguyên liệu cho các cơ sở chế biến. Ngoài ra còn hàng ngàn thùng chè quay tay có mặt ở khắp các thôn, bản.

Mấy năm qua, cứ vào mùa thu hái, thị trường chè ở Yên Bái trở nên vô cùng “náo nhiệt”. Đó là sự phát triển thiếu qui hoạch giữa cơ sở chế biến và diện tích chè hiện có, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán. Người trồng chè thì sử dụng các loại phân vô cơ, thuốc kích thích để rút ngắn chu kỳ thu hái, dẫn đến chất lượng chè Yên Bái thấp nhất trong cả nước. Điều không thể phủ nhận là hiện nay, Yên Bái rất ít công ty có thể xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Sản phẩm chè Yên Bái chủ yếu là hàng bán thành phẩm, hàng gia công cho các công ty xuất nhập khẩu. Vì thế, lợi nhuận của các công ty chè rất thấp, không có khả năng tài chính đầu tư cho vùng chè chất lượng cao. Bởi thế nên mấy chục năm qua, ngành chè của Yên Bái vẫn trong cái vòng luẩn quẩn: năng suất và sản lượng cao nhưng chất lượng và giá trị sản phẩm lại quá thấp.

Tại Văn Chấn - một trong những "vựa chè" của tỉnh, một số doanh nghiệp có vùng nguyên liệu tương đổi ổn định đã bắt đầu sản xuất với lứa cắt đầu tiên của năm 2013 nhưng cũng có nhiều cơ sở chế biến vẫn "đắp chiếu" chờ nguyên liệu. Trong khi đó, tại các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn, nhiều héc-ta chè dù đã được quy hoạch bài bản nhưng lại ít được đầu tư, thậm chí bỏ hoang.

Người dân một số địa phương không mặn mà đầu tư do giá thu mua bấp bênh, có lúc xuống thấp thảm hại; còn các doanh nghiệp cũng ngại đầu tư vì thiếu vốn hoặc không chắc người dân có bán chè cho mình. Đã có tình trạng doanh nghiệp đầu tư vốn vào xây dựng vùng chè nhưng đến khi thu hoạch thì các cơ sở chế biến nhỏ "nhảy" vào "làm giá". Mặc dù Chính phủ đã có Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, song thực tế, người dân thường phá hợp đồng bán nguyên liệu khi có đơn vị trả giá cao hơn. Các cơ sở chế biến nhỏ thay vì đầu tư cho người dân trồng chè vốn, giống, kỹ thuật đã chọn giải pháp "đầu tư qua giá". Vì vậy, người dân luôn trồng chè trong tình trạng "ăn xổi".

Tổ chức lại sản xuất

Quy hoạch, tổ chức lại sản xuất của ngành chè làm như thế nào cho hiệu quả là một bài toán khó. Từng vấn đề cần mổ xẻ, xem xét ở nhiều góc cạnh. Có ý kiến cho rằng, chúng ta cần phải rà soát lại toàn bộ các nhà máy, cơ sở chế biến, nếu cơ sở nào không đảm bảo các yêu cầu như: vùng nguyên liệu, công nghệ, an toàn vệ sinh thực phẩm... thì cho dừng sản xuất. Ý kiến đó cũng có người đồng tình nhưng sẽ rất lãng phí, lãng phí tiền của dân, lãng phí tài sản xã hội. Vấn đề cấp bách hiện nay là cần phải có một hướng đi đúng đắn cho cây chè Yên Bái.

Trong sự hỗn độn của ngành chè Yên Bái hiện nay, có thể thấy vai trò của Hiệp hội Chè Yên Bái, chính quyền đối với ngành chè chưa thật sự rõ nét. Chúng ta mới chỉ cấp phép cho sản xuất chứ chưa định hướng cho doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp đều phải tự thân vận động, tự tìm kiếm thị trường.

Cây chè không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn mang tính văn hóa, xã hội sâu sắc bởi tác động đến số đông người nghèo, tạo việc làm, giúp nông dân, nhất là nông dân vùng nông thôn, vùng cao có cuộc sống ổn định, khấm khá hơn. Song, từ những bất cập và khó khăn, cây chè vẫn chưa đạt được giá trị tương xứng với tiềm năng của nó.

Với vị thế của mình, kim ngạch xuất khẩu chè của Yên Bái không chỉ dừng lại ở con số 400 tỷ đồng mà còn phải lớn hơn nhiều lần. Làm thế nào để sử dụng một héc-ta đất hiệu quả trên vùng đất đồi, đất dốc hay xuất khẩu hàng trăm tấn chè xanh, chè đen đúng với giá trị thực trên thị trường quốc tế, lời giải chính là cần tập trung tổ chức lại ngành chè theo hướng sản xuất lớn gắn với thị trường.

Ông Nguyễn Thành Vinh - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ cho biết: Ở các quốc gia xuất khẩu chè lớn như Kenya, Ấn Độ, Đài Loan, người ta sử dụng thương hiệu ngành là chất lượng sản phẩm và phương thức bán hàng qua sàn đấu giá nên vừa tránh được hiện tượng ép giá lại vừa phát huy được giá trị mà không cần làm công tác thương hiệu sản phẩm. Hiện ở Yên Bái nói riêng hay Việt Nam nói chung cũng chưa có nhiều cơ sở chế biến lớn nhưng nếu xét theo toàn ngành thì rất phân tán, đa số nhà máy quy mô nhỏ, số nhà máy có quy mô lớn không nhiều.

Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức còn yếu kém và chế độ chế tài về sản xuất, chế biến, thương mại còn quá lỏng lẻo, thương mại chè bị phụ thuộc và ép giá bởi khách hàng trung gian nước ngoài. Do có quá nhiều công ty tham gia xuất khẩu chè, trong đó nhiều công ty xuất khẩu tổng hợp không chuyên về chè nên không gắn với cây chè mà chỉ kinh doanh thuần túy, có lãi thì sẵn sàng chào bán các loại chè chất lượng thấp. Đây là một trong những nguyên nhân để các cơ sở sản xuất chè tiếp tục sản xuất chè chất lượng thấp, giá rẻ, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành chè.. - ông Vinh khẳng định thêm.

Bà Vũ Thị Lưu - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho rằng: “Để tổ chức lại sản xuất ngành chè, Hiệp hội Chè cũng cần nâng cao vai trò liên kết các doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất nguyên liệu; gắn lợi ích người trồng chè với doanh nghiệp và cùng hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện. Đồng thời, trong sản xuất phải khuyến khích cải tạo, đổi mới cơ cấu giống, điều kiện canh tác theo hướng nâng cao chất lượng; hướng dẫn thực hành sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, cải thiện điều kiện thu hái, bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật. Với các địa phương, cần quy hoạch cho một số doanh nghiệp lớn đứng ra quản lý nhằm giảm đầu mối cũng như khuyến khích nông dân trồng chè tham gia góp vốn cổ phần nhà máy. Phải rà soát hệ thống các cơ sở chế biến, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật sao cho bảo đảm đồng đều về chất lượng chè và phải cơ cấu lại sản phẩm chè phù hợp với thị trường theo hướng chè xanh tăng dần lên, đa dạng hóa sản phẩm chè xanh nhằm hướng tới thị trường cao cấp”.

Như vậy, tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm chè dần dần phải khép kín theo hướng công nghiệp hóa, xúc tiến việc hình thành sàn đấu giá, giao dịch trực tiếp giữa người bán, người mua nhằm nâng cao chất lượng cũng như đẩy mạnh hơn nữa việc quản lý, quảng bá thương hiệu chè Yên Bái trên thị trường trong nước và quốc tế.

Anh Dũng

Các tin khác
Lưu vực sông Chảy có 80.012 ha rừng thuộc địa bàn huyện Lục Yên và Yên Bình.
(Ảnh: T.T)

YBĐT - Cụ thể hóa Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ, năm 2012, Yên Bái thực hiện chính sách thu và chi trả phí dịch vụ môi trường rừng với số tiền trên 18 tỷ đồng cho trên 23.959 chủ rừng là tổ chức, công ty, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư thôn, bản, hộ gia đình cá nhân đang trực tiếp quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trong quá trình chi trả có sự chênh lệch khá lớn giữa các chủ rừng.

Đầu tư, nâng cấp thiết bị máy móc sẽ giúp các cơ sở sản xuất giảm chi phí sử dụng điện năng.

YBĐT - Ngay từ đầu năm 2013, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm đã và đang được Sở Công thương Yên Bái, trực tiếp là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Yên Bái xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện.

Bộ Công Thương cho biết vừa cấp phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu cho 4 đơn vị mới tham gia thị trường, nâng tổng số lên 17 đầu mối.

Theo NHNN, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của các tổ chức tín dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn) đã giảm và tối đa ở mức 10%/năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục