Yên Bái: Tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả theo từng lưu vực

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/5/2013 | 9:46:13 AM

YBĐT - Cụ thể hóa Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ, năm 2012, Yên Bái thực hiện chính sách thu và chi trả phí dịch vụ môi trường rừng với số tiền trên 18 tỷ đồng cho trên 23.959 chủ rừng là tổ chức, công ty, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư thôn, bản, hộ gia đình cá nhân đang trực tiếp quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trong quá trình chi trả có sự chênh lệch khá lớn giữa các chủ rừng.

Lưu vực sông Chảy có 80.012 ha rừng thuộc địa bàn huyện Lục Yên và Yên Bình.
(Ảnh: T.T)
Lưu vực sông Chảy có 80.012 ha rừng thuộc địa bàn huyện Lục Yên và Yên Bình. (Ảnh: T.T)

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp kiêm Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh Yên Bái.

P.V: Xin ông cho biết quá trình triển khai, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh trong năm 2012?

Ông Kiều Tư Giang: Thực hiện Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR, tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy trình và đạt những kết quả bước đầu. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và Quỹ BV&PTR để tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách mới liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh trong đó có chính sách về chi trả DVMTR đến tất cả cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có cung cấp DVMTR.

Năm 2012, là năm đầu tiên thực hiện, Ban chỉ đạo của tỉnh, Quỹ BV&PTR tỉnh đã tập trung hoàn thiện việc thống kê các đối tượng có sử dụng DVMTR, tiến hành xác định rõ ranh giới từng lưu vực của từng công trình thủy điện, nước sạch trong phạm vi nội tỉnh, rà soát hiện trạng và thống kê diện tích rừng trong hiện có trong từng lưu vực, phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp, đơn vị tư vấn xác định, thống nhất diện tích, hiện trạng rừng trong phạm vi lưu vực từ 2 tỉnh trở lên.

Đồng thời, lập danh sách các chủ rừng là tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, các hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư thôn đang quản lý, bảo vệ và những diện tích rừng chưa giao cho chủ quản lý cụ thể, xây dựng Đề án giao đất, giao rừng và khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài, Đề án phân loại, thống kê đối tượng sử dụng, cung cấp DVMTR và cơ chế quản lý, chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015.

Một vấn đề quan trọng là đã xác định được các đối tượng có sử dụng DVMTR để đàm phán ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR, đồng thời xác định ranh giới, diện tích rừng trong từng lưu vực có cung cấp DVMTR, từ đó, tiến hành thống kê danh sách các đối tượng là chủ rừng có cung ứng DVMTR để thực hiện chi trả trên cơ sở đúng đối tượng, diện tích, đảm bảo công khai, minh bạch.

Năm 2012, tổng số thu ủy thác thông qua Quỹ BV&PTR tỉnh là 23,5 tỷ đồng  (chủ yếu do Quỹ Trung ương điều tiết, trong tỉnh mới thu được của các nhà máy nước 104,4 triệu đồng, các công ty thủy điện nội tỉnh còn nợ 5,4 tỷ đồng).

Tổng số chi là 21,3 tỷ đồng (trong đó: trích chi phí quản lý điều hành 10%, dự phòng 5%) số tiền chi trả trực tiếp cho các chủ rừng trên 18,7 tỷ đồng với trên 23.959 hộ dân và các tổ chức, doanh nghiệp và chủ rừng theo đơn giá tại Quyết định 178/QĐ-UBND ngày 28/02/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc điều chỉnh kế hoạch thu chi tiền DVMTR năm 2012 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

PV: Đều được hưởng lợi từ DVMTR nhưng tại sao số tiền chi trả cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh lại có sự chênh lệch, thưa ông? 

Ông Kiều Tư Giang: Như chúng ta đã biết, Yên Bái được xác định là một trong 35 tỉnh có tiềm năng về DVMTR trong cả nước. Do đặc điểm điều kiện tự nhiên, rừng và đất lâm nghiệp của Yên Bái nằm trên lưu vực của 3 con sông lớn ở miền Bắc: sông Chảy, sông Hồng (các chi lưu là ngòi Hút, ngòi Thia) và các chi lưu Nậm Kim, Nậm Khốt, Nậm Chiến, Nậm Mở… đều đổ ra sông Đà. Do địa hình chia cắt, độ dốc lớn nên tiềm năng phát triển thủy điện vừa và nhỏ đều tập trung trên lưu vực sông Đà, sông Hồng. Do vậy, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR chủ yếu dựa vào tiềm năng của các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ trên các lưu vực sông, ngoài ra còn có thêm công ty, doanh nghiệp cung ứng nước sinh hoạt.

Theo Nghị định 99 thì mức thu tiền DVMTR đối với các cơ sở sản xuất điện là 20 đồng/kw điện, đơn vị, công ty cấp nước là 40 đồng/m3. Trên cơ sở xác định diện tích rừng nằm trong lưu vực của các nhà máy thuỷ điện, nước sạch để thu tiền DVMTR. Trong cùng một lưu vực, có cùng một diện tích rừng nhưng có nhiều bậc thang thủy điện thì số tiền DVMTR thu được sẽ cao hơn những lưu vực khác. Ví dụ: lưu vực sông Chảy nằm trên địa bàn các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang và một phần rất nhỏ của Phú Thọ.

Theo quy định, lưu vực có cung ứng DVMTR được tính từ vị trí mặt đập dâng ngăn dòng chảy chính, từ đó sẽ xác định tổng diện tích nằm trong lưu vực được tính đến hết địa phận của tỉnh nơi có dòng chính bắt đầu.

Theo Quyết định số 3003/QĐ-BNN-TCLN ngày 29/121/2012 về việc công bố diện tích rừng thuộc lưu vực trong phạm vi từ hai tỉnh trở lên làm cơ sở cho việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR thì lưu vực sông Chảy bao gồm 80.012 ha rừng thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình, diện tích rừng thì lớn nhưng trong lưu vực chỉ có Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà và Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Yên Bái nên số thu ủy thác và chi trả cho các chủ rừng trong lưu vực bình quân là 34.243 đồng/ha/năm, lưu vực sông Hồng bình quân 28.612 đồng/ha/năm. Cao nhất là lưu vực sông Đà 322.102 đồng/ha/năm (do lưu vực sông Đà có Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Sơn La (do Quỹ Trung ương điều tiết), Hồ Bốn, Mường Kim (thu ủy thác qua Quỹ tỉnh).

Trong tương lai gần, khi các nhà máy thủy điện Khao Mang, Khao Mang Thượng, Huội Quảng, Nậm Chiến I,II, Nậm Khốt đi vào hoạt động chắc chắn nguồn thu và mức chi trả sẽ còn cao hơn rất nhiều so với các lưu vực còn lại trên địa bàn.

PV: Xin cảm ơn ông!

 P.V (thực hiện)

Các tin khác
Đầu tư, nâng cấp thiết bị máy móc sẽ giúp các cơ sở sản xuất giảm chi phí sử dụng điện năng.

YBĐT - Ngay từ đầu năm 2013, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm đã và đang được Sở Công thương Yên Bái, trực tiếp là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Yên Bái xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện.

Bộ Công Thương cho biết vừa cấp phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu cho 4 đơn vị mới tham gia thị trường, nâng tổng số lên 17 đầu mối.

Theo NHNN, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của các tổ chức tín dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn) đã giảm và tối đa ở mức 10%/năm.

Dự án công trình điện gió Bạc Liêu có tổng công suất 99MW, tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng, gồm 62 trụ tuabin

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục