10 năm thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị về tiếp tục chuyển đổi lâm trường quốc doanh thành công ty lâm nghiệp ở Yên Bái

Bài 2: "Bình mới" phải "rượu mới"!

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/6/2013 | 9:05:49 AM

YBĐT - Có thể nói, tài sản ở các công ty lâm nghiệp là không nhiều nhưng quyền được thuê hàng nghìn héc-ta đất màu mỡ với giá thuê 17,5 đồng/m2/năm lại có giá trị rất lớn khi đưa vào sản xuất, kinh doanh cũng như định giá tài sản trong quá trình cổ phần hóa. Hoạt động theo mô hình cổ phần hóa.

Các lâm trường được sở hữu số lượng lớn tư liệu sản xuất là đất đai, rất cần sự năng động, sáng tạo, phát huy nội lực để vươn lên.
(Ảnh: Rừng bạch đàn xã Phúc An (Yên Bình) - Thu Trang minh họa.
Các lâm trường được sở hữu số lượng lớn tư liệu sản xuất là đất đai, rất cần sự năng động, sáng tạo, phát huy nội lực để vươn lên. (Ảnh: Rừng bạch đàn xã Phúc An (Yên Bình) - Thu Trang minh họa.

Bài 1: Thực trạng kinh tế lâm trường

Bài viết trước, chúng tôi đã nêu lên thực trạng của các lâm trường quốc doanh và công ty lâm nghiệp trước và sau khi thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị. Đó là các lâm trường quốc doanh và công ty lâm nghiệp ở Yên Bái phần lớn trong tình trạng hết sức khó khăn, một vài đơn vị tổ chức được sản xuất, làm ăn có lãi nhưng số lãi rất thấp, chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có; những đơn vị còn lại thua lỗ kéo dài mà chưa có cơ chế để tiến hành giải thể. Nợ nần ngày càng nhiều thêm và khó đòi hơn, trong đó có doanh nghiệp như Lâm trường Văn Chấn và Lâm trường Lục Yên là những doanh nghiệp "chết" rồi nhưng vẫn không "chôn" được. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Thời điểm đầu những năm 2000, nghề rừng ở Yên Bái đã phát triển nhưng đầu ra cho cây nguyên liệu vẫn còn khó khăn. Cơ chế xin cho trong việc bán nguyên liệu cho Nhà máy Giấy Bãi Bằng vẫn còn. Đại đa số keo, bồ đề, bạch đàn mà các lâm trường và người dân Yên Bái làm ra đều bán cho Công ty Giấy Bãi Bằng với giá rất thấp, 450.000 đồng đến 500.000 đồng/tấn trong khi chi phí khai thác, vận chuyển là không nhỏ nên làm nghề rừng cho hiệu quả kinh tế không cao. Suốt một thời gian dài làm ăn kém hiệu quả, việc quản lý không chặt chẽ và vốn đầu tư không nhiều nên chất lượng rừng trồng nói chung ở Yên Bái rất thấp.

Đặc biệt là rừng của các lâm trường, mỗi héc-ta rừng thu 40, 50 mét khối gỗ là chuyện bình thường, lô thửa nào tốt cũng chỉ cho thu 60 đến 70 mét khối. Chuyển đổi mô hình từ lâm trường quốc doanh sang công ty lâm nghiệp, "bình đã mới, rượu đã mới", ý chí quyết tâm đều đã được thể hiện rõ, đổi mới cung cách quản lý, phương thức làm ăn… Nhưng hãy thử nhìn lại xem chúng ta đã trao vào tay giám đốc các Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Thác Bà, Yên Bình, Việt Hưng, Ngòi Lao những gì? Sau chuyển đổi, mỗi công ty lâm nghiệp được giao quản lý và sử dụng từ 1.300ha đến 1.600ha đất lâm nghiệp.

Quyết định là như vậy, thủ tục giấy tờ là như vậy nhưng thực tế thì không. Theo báo cáo, trong tổng số hơn 1.200ha đất được giao quản lý sản xuất của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Yên Bình có tới hơn 800ha đã bị dân lấn chiếm; con số này ở Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Thác Bà là hơn 300ha. Chắc chắn một điều rằng, công ty lâm nghiệp nào cũng bị dân lấn chiếm đất; nhiều khu vực trở thành điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự xã hội với những biểu hiện như khiếu kiện tập thể, kéo dài…

Rất nhiều diện tích đất của các công ty bị dân lấn chiếm để đào ao thả cá, làm nhà ở; đã mua đi, bán lại nhiều lần và không ít trong số đó còn được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhà nước đã có quyết định thành lập công ty TNHH một thành viên, quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ nhưng vốn chủ sở hữu lại không đúng như quy định hiện hành là 30 tỷ đồng/công ty.

Theo báo cáo, tổng số vốn chủ sở hữu của tất cả 9 lâm trường chỉ là 17,3 tỷ đồng. Cũng về vấn đề vốn, trong khi Nhà nước không có chính sách tín dụng ưu tiên cho ngành nghề lâm nghiệp với tính chất đặc thù cao như thời gian đầu tư dài (5 đến 7 năm cho một chu kỳ cây), lợi nhuận trực tiếp thấp, lợi ích xã hội lại rất cao… thì các ngân hàng thương mại suốt một thời gian dài áp dụng mức lãi suất lên đến 18% - 20%/năm, chưa kể các công ty lâm nghiệp không thể dùng rừng non, đất Nhà nước để thế chấp vay vốn… Thế là rừng chưa đến tuổi vẫn phải chặt bán để lấy tiền trả nợ và nuôi nhau là chuyện thường như cơm bữa tại các công ty lâm nghiệp. Lãnh đạo các công ty lâm nghiệp Thác Bà, Yên Bình, Ngòi Lao đều đã từng ngán ngẩm than rằng: "Bán lúa non để ăn thì không biết bao giờ mới khá được?".

 

Làm dịch vụ cây giống, trồng rừng và tổ chức chế biến gỗ đã giúp Công ty Lâm nghiệp Việt Hưng sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Từ những nguyên nhân kể trên đã gợi mở cho chúng ta những giải pháp để vực dậy các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Về mô hình, đã đến lúc chúng ta phải tính đến chuyện cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp Thác Bà, Việt Hưng, Yên Bình, Ngòi Lao. Vấn đề ở đây là cần có cơ chế để giải quyết số nợ mỗi công ty vài tỷ đồng do lịch sử để lại. Cần xác định rõ tài sản, giá trị tài sản của các doanh nghiệp, tránh mất vốn Nhà nước, không để người lao động đã gắn bó lâu dài với doanh nghiệp chịu thiệt.

Có thể nói, tài sản ở các công ty lâm nghiệp là không nhiều nhưng quyền được thuê hàng nghìn héc-ta đất màu mỡ với giá thuê 17,5 đồng/m2/năm lại có giá trị rất lớn khi đưa vào sản xuất, kinh doanh cũng như định giá tài sản trong quá trình cổ phần hóa. Hoạt động theo mô hình cổ phần hóa, Nhà nước bớt đi gánh nặng về ngân sách và với cung cách quản lý khác, chắc chắn các doanh nghiệp này sẽ phát triển đi lên.

Đối với các lâm trường làm ăn thua lỗ kéo dài, không thể phục hồi, cần làm rõ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, có cơ chế cho phép giải thể, giao lại diện tích đất cho người dân sử dụng hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê lại theo hình thức đấu thầu.

 Đối với Lâm trường Văn Chấn, sau khi tiến hành giải thể nên thành lập ban quản lý rừng phòng hộ vì các xã vùng cao Văn Chấn, diện tích rừng tự nhiên còn rất lớn nên cần được bảo vệ và phát triển hơn.

Về vấn đề đất đai, tỉnh, huyện và ngành tài nguyên cần giải quyết dứt điểm, không để tình trạng người dân lấn chiếm kéo dài đất đai của các công ty lâm nghiệp như hiện tại; thu hồi những "sổ đỏ" cấp sai và có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trên địa bàn. Đối với diện tích lấn chiếm, thực tế việc thu hồi rất khó khăn nhưng nếu quyết tâm vẫn có thể làm được.

Tuy nhiên vẫn có khả năng tái lấn chiếm và dễ phát sinh tiêu cực, vì thế cần áp dụng giải pháp cương quyết không cấp phép khai thác và vận chuyển cho số lâm sản trồng trái phép trên diện tích đó. Hộ gia đình nào thừa nhận việc lấn chiếm, trích trả phần trăm sản phẩm cho các công ty lâm nghiệp thì cơ quan kiểm lâm mới cấp phép khai thác và cho phép vận chuyển lâm sản đi tiêu thụ. Dựa vào chính sách pháp luật (Nghị định về quản lý, khai thác, vận chuyển và chế biến gỗ rừng trồng hiện hành), ngành kiểm lâm và các công ty hoàn toàn có thể làm được điều đó.

Một vấn đề không thể không tính tới là Nhà nước cần có cơ chế, chính sách về vốn cho nghề rừng nói chung và các Công ty lâm nghiệp nói riêng, không thể nhìn lợi ích của doanh nghiệp trồng rừng chỉ đơn thuần là số gỗ thu được và áp dụng khoản vay, lãi suất thông thường mà phải nhìn rộng hơn như vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn nước… để từ đó có chính sách hỗ trợ về lãi suất và thời hạn vay cho phù hợp.

 

Lựa chọn giống cây phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao là một giải pháp quan trọng để các công ty lâm nghiệp ổn định sản xuất.

Trong khi chờ đợi cơ chế, chính sách của Nhà nước thì các công ty lâm nghiệp cũng phải tự cứu lấy mình. Công ty Lâm nghiệp Việt Hưng làm ăn đã có lãi, phần vì trước đây đơn vị giữ được đất, giữ được rừng nhưng hơn cả là đã gắn được sản xuất với tiêu thụ, nhất là việc chế biến gỗ ngay tại địa bàn.

Hàng chục xưởng chế biến gỗ của Công ty và cán bộ, công nhân đã làm tăng giá gỗ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Công ty Lâm nghiệp Thác Bà đã có sự ổn định trong sản xuất nhờ xây dựng và triển khai được phương thức làm ăn (cùng với công nhân đầu tư góp vốn và chi quyền lợi), lựa chọn được giống cây phù hợp, hiệu quả kinh tế cao, quản lý chặt chẽ rừng và đất rừng của mình.

Công ty lâm nghiệp phải là đầu mối cung cấp dịch vụ cây giống, dịch vụ kỹ thuật; phải tiến hành thực hiện khâu khai thác gỗ và tổ chức chế biến sản phẩm của mình làm ra. Thực tế, có nguồn nguyên liệu lớn trong tay mà Công ty Lâm nghiệp Thác Bà vẫn khoanh tay đứng nhìn doanh nghiệp và người dân mua gỗ về bóc ván, xẻ thanh, nghiền dăm… là điều rất khó hiểu!

Hiện nay, đã xuất hiện tình trạng công ty lâm nghiệp, lâm trường quốc doanh cứ ngồi đó mà hưởng lợi từ việc cho dân thuê lại đất dù lợi nhuận không nhiều nhưng đó là điều không thể chấp nhận được. Tỉnh và các ngành chức năng cần xem xét và có biện pháp kịp thời để tránh kiểu làm ăn "há miệng chờ sung" như vậy.

 Lê Phiên

Các tin khác
Giá xăng dự báo được điều chỉnh giảm trong kỳ điều hành ngày mai (16/5).

Theo thông lệ, ngày mai 16/5, giá xăng dầu bán lẻ trong nước bước vào kỳ điều hành mới với dự báo có nhiều thay đổi.

Thị trường vàng biến động mạnh trong thời gian qua

Trước tình hình giá vàng biến động phức tạp, Bộ Công an đã tham mưu cho Thủ tướng nhiều vấn đề, trong đó tập trung sửa đổi một số quy định về độc quyền vàng miếng SJC.

Giá điện có thể được điều chỉnh 3 tháng một lần từ hôm nay (15-5) thay vì tối thiểu 6 tháng một lần như trước đây.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn kiểm tra thực địa mô hình trồng sâm của Công ty cổ phần Palex Việt Nam tại bản Dào Xa, xã Kim Nọi.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn khẳng định, mô hình trồng sâm của Công ty cổ phần Palex Việt Nam tại bản Dào Xa, xã Kim Nọi, Mù Cang Chải là hướng đi đúng theo định hướng phát triển chung của tỉnh Yên Bái, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là hướng phát triển kinh tế bền vững, tạo sinh kế cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục