Bật lên từ đất
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/6/2013 | 2:47:47 PM
YBĐT - Nhiều người là cán bộ và nguyên là cán bộ của xã Gia Hội huyện Văn Chấn (Yên Bái) có chung nhận xét rằng, quãng hơn chục năm về trước, mỗi khi nói đến Gia Hội là nói đến cái nghèo.
Nông dân Gia Hội thu hái chè Shan.
|
Quả thực, đi từ thị xã Nghĩa Lộ lên huyện Mù Cang Chải, cảnh quan khá đẹp và cuộc sống trù phú như ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, trung tâm xã Nậm Búng, Tú Lệ, ruộng bậc thang đèo Khau Phạ thì lại lọt vào giữa một vùng quê nhà cửa, cảnh quan khá tiêu điều là Gia Hội. Nhưng bây giờ, nếu qua Gia Hội thì mọi sự hầu như đã hoàn toàn thay đổi .
Vì sao cũng đất đai, con người như vậy mà Gia Hội lại nghèo? Đó là vì trên 70% dân số là người Thái ở đây vẫn quen với lối sống đơn giản, không chịu bứt phá, đổi mới tư duy trong sản xuất và một phần do trình độ dân trí thấp. Trong khi đó, những thôn khác như thôn Hải Chấn của người Kinh, thôn Chiềng Pằn I và II của người Giáy cư trú, dù điều kiện tự nhiên không bằng các thôn khác nhưng mặt bằng cuộc sống lại khá hơn nhiều.
Đưa Gia Hội thoát khỏi một xã nghèo là quyết tâm lớn của huyện Văn Chấn cũng như của cấp ủy, chính quyền xã. Mục tiêu này được bắt đầu tập trung tháo gỡ những bất cập lớn nhất. Đó là giải quyết tốt bài toán về lương thực cho người dân thông qua đầu tư hạ tầng cơ sở, đưa các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước vào đời sống thực tế ở cơ sở gắn với việc nâng cao dân trí.
Từ nhiệm vụ này, xã chú trọng vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đưa các giống lúa có năng suất cao vào gieo trồng bằng biện pháp thâm canh. Công việc này tưởng như đơn giản nhưng cũng phải khá quyết liệt, thực hiện nhiều mô hình điểm mới tạo được sự thuyết phục đối với bà con bằng chính hiệu quả kinh tế. Bằng các biện pháp này, chỉ sau vài năm, Gia Hội đã cơ bản giải được bài toán khó về lương thực.
Hiện tại, 138ha ruộng 2 vụ của xã đều cấy bằng giống mới với năng suất ổn định khoảng 55 tạ/ha/vụ. Bình quân lương thực 5.800 nhân khẩu hiện đạt 430kg/người/năm. Điểm đáng chú ý là cây lúa hiện nay đã vượt khỏi ý nghĩa giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ. Bởi lẽ, nhiều diện tích ruộng đã chuyển sang trồng khảo nghiệm hoặc trồng đại trà các giống lúa đặc sản như giống ĐS 1 để tạo thành hàng hóa.
Một hiệu ứng quan trọng nữa là khi vấn đề lương thực không còn bức xúc thì đất đồi vườn vốn trước đây trồng lúa nương, sắn kém hiệu quả nay được chuyển sang trồng ngô, trồng chè. Riêng cây ngô với hơn 100ha hai vụ được gieo trồng bằng nhiều giống ngô lai có năng suất cao, trong đó nổi bật là giống C919 đạt năng suất khoảng 7 tấn ngô hạt/ha/2 vụ. Cây ngô đã đem lại lợi ích kinh tế rất lớn cho người dân thông qua chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc tăng nguồn thu từ ngô thương phẩm.
Diện tích chè kinh doanh của Gia Hội hiện có gần 160ha, trong đó chủ yếu là giống chè Shan đặc sản. Năm 2012, sản lượng chè đạt khoảng 1.000 tấn búp tươi với giá bán bình quân 5.500 đồng/kg. Người dân ở các thôn trồng nhiều ngô, chè như Hải Chấn, Minh Nội, Nà Kè, Bản Đồn... đều có thu nhập khá và ổn định.
Trong vài năm gần đây, Gia Hội còn là địa bàn phát triển cây cao su của tỉnh. Dù cây cao su chưa được khai thác nhưng qua nghiên cứu, đánh giá khoa học bước đầu đã khẳng định, loại cây này hoàn toàn phù hợp với địa bàn tỉnh Yên Bái. Cho nên, hàng trăm héc-ta phát triển cây cao su tại Gia Hội sẽ lại tạo cơ hội mới để giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân địa phương trong tương lai.
Bên cạnh việc khai thác thế mạnh của một số loại cây trồng đó, xã cũng đang tập trung vào một số thế mạnh khác như quy hoạch đồng cỏ chăn nuôi gia súc, gia cầm mà trọng tâm là nuôi trâu, bò và lợn đen, gà đen đặc sản. Hiện nay, tổng đàn trâu, bò có tới 1.600 con và một số hộ đã phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại tổng hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như ông Hoàng Hải Ướng đã kết hợp chăn thả tự nhiên với trồng cỏ để phát triển đàn trâu, bò tới trên 60 con.
Nói về triển vọng khai thác tiềm năng đất đai của xã, ông Lò Văn Pậu - Bí thư Đảng ủy xã Gia Hội cho biết: "Hiện tại, số hộ nghèo của xã theo tiêu chí mới vẫn còn khoảng 54% nhưng đây là con số đáng phấn khởi sau nhiều năm địa phương kiên trì mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Diện tích đất canh tác của xã được phân bố khá đồng đều trong 10 thôn và tính bình quân, diện tích canh tác trên một nhân khẩu không nhỏ.
Trong xã đã có một số thôn kinh tế đi lên từ canh tác nông nghiệp như thôn Chiềng Pằn I và II, Minh Nội và nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với dịch vụ đang phát triển rất tốt. Dân trí của Gia Hội cũng đang được cải thiện rõ nét và nhiều người dân đã thể hiện rõ tinh thần vượt khó để làm kinh tế. Cấp ủy, chính quyền địa phương đang tích cực đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, chắc chắn trong những năm tới đây, đời sống kinh tế, xã hội ở Gia Hội sẽ có thêm những bước tiến mới".
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT- Để thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân, xã Khao Mang huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã tích cực tuyên truyền, vận động tất cả gần 670 hộ dân với trên 4.400 nhân khẩu sống định cư tại 10 bản trên địa bàn cùng tham gia sản xuất, thực hiện thành công việc gieo trồng 2 vụ/năm.
Hôm qua (20/6), Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa đã công bố con số nợ xấu toàn ngành ngân hàng tính đến ngày 31/5 là 4,65%.
Ảnh hưởng từ mức giảm “gây sốc” trên thị trường thế giới, giá vàng SJC phiên sáng nay cũng mất gần 1 triệu đồng/lượng, về mức thấp nhất của 2 năm qua. Tuy nhiên, khoảng cách giữa hai thị trường lại bị đẩy lên mức 6,5 triệu đồng/lượng.
YBĐT - Lục Yên có diện tích rừng khá lớn với trên 50 nghìn ha. Để rừng được bảo vệ và phát triển bền vững, Hạt Kiểm lâm Lục Yên đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường phương pháp tuyên truyền, khuyến khích người dân cùng giữ rừng.