Chuyện nghèo nơi đất ngọc

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/6/2013 | 9:21:19 AM

YBĐT - Trong những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng đất ngọc Lục Yên đã có những chuyển biến. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của toàn huyện vẫn chiếm khá cao (40,33%). Đặc biệt, trong số đó có nhiều thôn, bản tỷ lệ này chiếm tới 100%. Vậy đâu là nguyên nhân?

Lãnh đạo xã Động Quan đến thăm hộ nghèo Lý Văn Hiển.
Lãnh đạo xã Động Quan đến thăm hộ nghèo Lý Văn Hiển.

Về thôn 100% nghèo

Giữa cái nắng oi bức của mùa hè, chúng tôi tìm về thôn 4, xã Động Quan, nơi cư trú của 50 hộ dân. Sau ánh mắt nhìn thiện cảm và cái bắt tay chân thành, ông Trương Văn Đài - Bí thư thôn 4 thông tin nhanh: "Toàn thôn có 50 hộ với 245 khẩu, trong đó có 43 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo, đời sống của nhân dân khó khăn lắm". Khó có thể tin nổi, khi thôn 4 nằm cách trung tâm xã khoảng 3km, có đường bê tông chạy qua thế mà tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lại là con số tròn trĩnh 100%.

Nói về nguyên nhân nghèo, ông Đài giãi bày: “Nghèo là do thiếu đất sản xuất, thiếu phương tiện sản xuất, thiếu kiến thức sản xuất và thiếu vốn nữa”. Cũng có lý bởi thôn có 5,9ha đất trồng lúa, nếu chia cho 245 khẩu thì trung bình mỗi khẩu được 10 thước đất. Nhưng sự nghèo ở đây không vì thiếu vốn hay kiến thức sản xuất bởi hàng năm, nhân dân trong thôn vẫn được Nhà nước hỗ trợ về vốn để mua trâu, bò, gà, lợn... rồi cán bộ xã đến “cầm tay chỉ việc”... song nghèo vẫn hoàn nghèo.

Có nhiều hộ, sau khi được vay vốn để xóa đói giảm nghèo thì về mua xe máy, ăn uống. Có dự án hỗ trợ lợn nái sinh sản, nhiều hộ đã mổ ăn bởi lý do: "Lợn không đẻ, lợn ốm, lợn nuôi không lớn". Thế là "chén anh, chén chú" kề cà ngồi thâu đêm thì hỏi "lợn ơi về đâu”? Hơn nữa, nhiều hộ dân trong thôn đều có tư tưởng "ăn xổi", làm hôm nay không biết việc ngày mai, thậm chí “ăn trước trả sau” nên mới có chuyện vừa xong mùa gặt mà trong nhà nhiều hộ không có nổi 1 bao thóc.

Theo chân cán bộ thôn, chúng tôi đến thăm hộ nghèo là anh Lý Văn Hiển. 40 tuổi, anh đã có 5 mặt con. Tài sản duy nhất của gia đình là chiếc nhà sàn nhỏ từ nguồn vốn hỗ trợ làm nhà của Nhà nước.

- Vì sao nhà anh nghèo vậy?

 Anh Hiển đáp:

- Vì không có vốn sản xuất, nhà lại chỉ có 1 đám ruộng.

- Vậy để thoát nghèo, anh phải làm gì?

 Anh Hiển trả lời:

- Ôi, phải trông chờ vào con trâu nái xem nó có đẻ nữa không...

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã Động Quan chiếm 55,62%, trong đó hộ nghèo chiếm 47,75%, hộ cận nghèo chiếm 7,87%. Lý giải vì sao tỷ lệ hộ nghèo cao, đồng chí Lý Văn Đức - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: "Vì thiếu đất sản xuất, thiếu vốn và phương tiện sản xuất, một bộ phận người dân lười lao động, tập trung ở thôn 4, thôn 5, thôn 11, thôn 13, thôn 15”.

Cùng cảnh với Động Quan, xã Khánh Hòa cũng được xem là “rốn nghèo” của huyện. Tính đến ngày 5/12/2012, tỷ lệ nghèo của xã chiếm 68,11%, trong đó hộ nghèo 54,41%, hộ cận nghèo 13,7%. Theo cách tính và lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo ở Khánh Hòa còn cao của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Kim Ba là do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn.

Toàn xã có 80,3ha đất trồng lúa nước, chia cho 3.160 khẩu thì bình dân mỗi khẩu được 10 thước đất. Còn về vốn thì được vay quá ít, tối đa của hộ nghèo được vay 30 triệu đồng, chỉ đủ mua được 1 con trâu, không có vốn quay vòng. Với các lý do trên mà đến nay, nhiều xã của huyện Lục Yên đang có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm từ 46% trở lên, tập trung ở các xã: Trung Tâm, Phúc Lợi, Phan Thanh, Tân Lập, Tân Phượng, Minh Tiến, Minh Chuẩn...

Nguyên nhân, giải pháp

Qua tìm hiểu thực tế ở nhiều thôn của các xã có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nghèo của các hộ dân là thiếu đất sản xuất nông nghiệp. Bình quân mỗi khẩu lao động trong toàn huyện được 8 - 10 thước đất trồng lúa, trong khi đó tỷ lệ lao động sản xuất nông nghiệp chiếm trên 80%.

Trình độ sản xuất của người dân không đồng đều, tỷ lệ qua đào tạo nghề còn thấp, mới đạt 19%. Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ nhân dân còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại, lười lao động. Nhất là hiện nay, khi Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi cho hộ nghèo và hộ cận nghèo như: hỗ trợ về y tế là cấp thẻ bảo hiểm y tế 100% cho người nghèo và 70% cho hộ cận nghèo; miễn, giảm học phí cho học sinh nghèo người dân tộc thiểu số; hỗ trợ trực tiếp tiền mặt đối với hộ nghèo; hỗ trợ tiền điện; hỗ trợ làm nhà; hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi; trợ giúp pháp lý... nên nhiều người có xu hướng "thích nghèo", thậm chí có thôn 100% đều là hộ nghèo và cận nghèo.

Trước thực trạng này, huyện Lục Yên cần tăng cường công tác rà soát, kiểm tra tình hình thực tế về công tác xóa đói giảm nghèo; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi và làm chuyển biến về nhận thức trong công tác giảm nghèo; làm tốt công tác vận động người nghèo, hộ nghèo chủ động phấn đấu vươn lên trong lao động sản xuất, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.

Bên cạnh đó là chú trọng công tác đào tạo nghề cho người lao động vì thiếu đất sản xuất nông nghiệp nên cần chuyển dịch cơ cấu lao động sang các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại đồng thời có chính sách khuyến khích lao động nông thôn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và ngoài tỉnh. Song song tăng cường đội ngũ cán bộ huyện, xã về các thôn để trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trong lao động, sản xuất, tránh tình trạng "cưỡi ngựa xem hoa"... Có như vậy, mục tiêu xóa đói giảm nghèo của miền đất ngọc giảm 4% số hộ nghèo mỗi năm mới trở thành hiện thực.

Văn Tuấn

Các tin khác
Giá xăng dự báo được điều chỉnh giảm trong kỳ điều hành ngày mai (16/5).

Theo thông lệ, ngày mai 16/5, giá xăng dầu bán lẻ trong nước bước vào kỳ điều hành mới với dự báo có nhiều thay đổi.

Thị trường vàng biến động mạnh trong thời gian qua

Trước tình hình giá vàng biến động phức tạp, Bộ Công an đã tham mưu cho Thủ tướng nhiều vấn đề, trong đó tập trung sửa đổi một số quy định về độc quyền vàng miếng SJC.

Giá điện có thể được điều chỉnh 3 tháng một lần từ hôm nay (15-5) thay vì tối thiểu 6 tháng một lần như trước đây.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn kiểm tra thực địa mô hình trồng sâm của Công ty cổ phần Palex Việt Nam tại bản Dào Xa, xã Kim Nọi.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn khẳng định, mô hình trồng sâm của Công ty cổ phần Palex Việt Nam tại bản Dào Xa, xã Kim Nọi, Mù Cang Chải là hướng đi đúng theo định hướng phát triển chung của tỉnh Yên Bái, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là hướng phát triển kinh tế bền vững, tạo sinh kế cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục