Tiền đề phát triển công nghiệp bền vững
- Cập nhật: Thứ ba, 16/7/2013 | 2:28:21 PM
YBĐT - Là một trong hai mũi nhọn phát triển kinh tế, trong thời gian qua, thành phố Yên Bái đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN- TTCN) trên địa bàn, trong đó tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Đây chính là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất công nghiệp bền vững.
Các khu, cụm công nghiệp được xây dựng sẽ tạo đà phát triển công nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
|
Tận dụng các thế mạnh sẵn có, thành phố đã đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Đầm Hồng và Cụm công nghiệp Âu Lâu. Hiện nay, Cụm công nghiệp Đầm Hồng với diện tích 12ha đã được lấp đầy với 18 dự án có tổng vốn đầu tư đạt 105 tỷ đồng. Các dự án này chủ yếu sản xuất trong lĩnh vực chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản, cơ khí...
Ông Trần Quốc Trường - Giám đốc Công ty TNHH Trường Phát ở Cụm công nghiệp Đầm Hồng cho hay: “Chúng tôi vào đây từ năm 2007, được thành phố tạo điều kiện xây dựng nhà xưởng cũng như các thủ tục hành chính giải quyết nhanh gọn trong quá trình làm việc. Đến nay, Công ty đã ổn định sản xuất với sản lượng trên 3 triệu viên gạch một năm. Hiện doanh nghiệp đang nghiên cứu đưa ra thị trường loại gạch không nung, đảm bảo cung cấp cho khách hàng sản phẩm mới có chất lượng cao lại không gây ảnh hưởng đến môi trường”.
Do thay đổi quy hoạch nên Cụm công nghiệp Đầm Hồng hiện tại nằm trong khu vực dân cư. Chính vì vậy, thành phố đã khoanh vùng không phát triển mở rộng. Tiếp tục phát triển hạ tầng công nghiệp, thành phố đã đầu tư san tạo mặt bằng Cụm công nghiệp Âu Lâu nằm trên địa bàn xã Âu Lâu. Cụm này có lợi thế gần quốc lộ 37, cạnh tỉnh lộ 166, cách nút lên xuống của đường cao tốc khoảng 1,5km, diện tích quy hoạch 70ha, hiện giai đoạn 1 đã san tạo 10ha và xây dựng hạ tầng khá hoàn chỉnh. Cụm cũng đang tiếp tục mở rộng diện tích san tạo mặt bằng giai đoạn 2.
Đến nay, đã có 1 doanh nghiệp vào đầu tư và 1 đơn vị đăng ký đầu tư. Các lĩnh vực được đăng ký đầu tư sản xuất ở đây chủ yếu là chế biến nông - lâm sản - thực phẩm, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu không nung...
Ông Nguyễn Bá Thể - Giám đốc Công ty TNHH Phúc Lợi cho biết: “Khi đăng ký đầu tư trong Cụm công nghiệp Âu Lâu, chúng tôi được thành phố tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục hành chính. Đặc biệt, doanh nghiệp muốn mở rộng mặt bằng thì chỉ trong 2 đến 3 ngày là các thủ tục đã hoàn tất. Về lâu dài, chúng tôi mong thành phố tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển ngày càng mạnh và có cơ chế hỗ trợ người dân phát triển vùng nguyên liệu”.
Ngoài Cụm công nghiệp Đầm Hồng và Âu Lâu, trên địa bàn thành phố còn có Khu công nghiệp phía Nam với diện tích trên 207ha, hiện đã có 17 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn gần 2.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 22,42%. Trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng giá trị sản xuất CN-TTCN của thành phố đạt trên 618 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ, bằng 48,4% kế hoạch năm. Trong đó, các ngành nghề truyền thống và có lợi thế vẫn duy trì phát triển tốt như chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến sản phẩm từ kim loại, chế biến gỗ, giấy.
Thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp hiện đại, thành phố Yên Bái đã và đang tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng nhanh, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, thành phố thực hiện tốt các chính sách ưu đãi mời gọi đầu tư, cam kết với các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 17 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015, thành phố đã xây dựng quy hoạch các cụm công nghiệp mới và tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Theo đó, thành phố tiếp tục tập trung lồng ghép các nguồn vốn trích từ ngân sách Nhà nước và nguồn vốn kêu gọi đầu tư tập trung xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp phía Nam, Khu công nghiệp Âu Lâu; mở rộng Cụm công nghiệp Âu Lâu lên 70ha, phấn đấu đến năm 2015 đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và mời gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, thành phố cũng khảo sát quy hoạch thêm 1 cụm công nghiệp trên địa bàn xã Minh Bảo, dự kiến diện tích 50ha dành để di dời các cơ sở công nghiệp trong nội thành và bố trí các ngành sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường.
Song song, thành phố đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm bằng công nghệ hiện đại, có chất lượng và giá trị gia tăng cao; tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư đủ năng lực đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô; tập trung đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ cho công nghiệp khai thác mỏ, chế biến khoáng sản, sản xuất kết cấu thép, tấm lợp cũng như các ngành công nghiệp sản xuất các máy chế biến nhỏ trong sản xuất, chế biến nông - lâm sản.
Đặc biệt, khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thông tuyến sẽ là cơ hội quan trọng để thành phố có bước phát triển đột phá. Chính vì vậy, thành phố tiếp tục mời gọi đầu tư trong hệ thống khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch và đầu tư hạ tầng đối với các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài.
Ông Nguyễn Lâm Thắng - Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho biết: “Thành phố hiện có hai cụm công nghiệp, ngoài ra đang tiếp tục nghiên cứu quy hoạch xây dựng một số cụm công nghiệp khác để bổ sung thêm vào hệ thống các cụm công nghiệp của thành phố và hòa với hệ thống khu công nghiệp của tỉnh, đảm bảo các vị trí thuận lợi cho nhà đầu tư vào đầu tư. Thành phố cũng tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục hành chính, liên thông “một cửa” giúp doanh nghiệp với thời gian nhanh nhất tiếp cận các vấn đề của địa phương và thực hiện xây dựng, triển khai các dự án công nghiệp trên địa bàn và trong các cụm công nghiệp”.
Phát triển công nghiệp bền vững và hiện đại cần một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến hạ tầng kỹ thuật. Giải pháp phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ cho sản xuất công nghiệp cùng với những cơ chế hỗ trợ của tỉnh cũng như của thành phố chính là điều kiện tiên quyết để thu hút và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Qua đó khuyến khích, ưu đãi cho các dự án tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, phát triển bền vững và khai thác tốt tiềm năng, thúc đẩy công nghiệp của tỉnh và thành phố phát triển bền vững theo hướng hiện đại hóa trong giai đoạn hội nhập kinh tế.
Bích Liên
Các tin khác
YBĐT - Là một tỉnh miền núi, có diện tích rừng lớn, Yên Bái đã và đang nỗ lực triển khai Nghị định 99/2010 của Chính phủ và đã thu được kết quả bước đầu khá quan trọng.
Kế hoạch vay và trả nợ Chính phủ trong giai đoạn 2011-2015 đã được tính toán chặt chẽ và dự kiến dư nợ sẽ tiếp tục tăng. Dù vậy, Bộ Tài chính khẳng định ngưỡng dư nợ này vẫn trong giới hạn an toàn.
Tuyến đường có chiều dài khoảng 139,52 km, trong đó tuyến cao tốc: khoảng 131,5 km. Chiều dài đoạn tuyến nối cao tốc với QL1A: khoảng 8,02 km. Đường cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với vận tốc thiết kế 120 km/h.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo ngang giá sức mua tương đương 322 tỷ USD, kinh tế Việt Nam đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Singapore.