Cuộc sống mới ở bản Đồng Ruộng

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/8/2013 | 2:44:17 PM

YBĐT - Bản Đồng Ruộng cách trung tâm xã Kiên Thành (Trấn Yên) gần chục ki-lô-mét. Cả bản có 43 hộ dân thì có đến 40 hộ là đồng bào dân tộc Mông với hơn 200 nhân khẩu. Thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực vươn lên của những người dân nơi đây nên những năm qua, Đồng Ruộng đã có những chuyển biến tích cực.

Người dân ở bản Đồng Ruộng đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Người dân ở bản Đồng Ruộng đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Năm 1987, một số hộ đồng bào Mông ở xã Suối Giàng (Văn Chấn) di cư về xã Mỏ Vàng (Văn Yên) rồi tiếp tục di chuyển, quyết định về đây vỡ đất làm ruộng, phát rừng làm nương và định cư tại bản này. Những ngày đầu đến định cư ở đây chỉ có 3 hộ gia đình người Mông gồm: Giàng A Nhà, Giàng A Vư, Giàng A Chư. Đến năm 1994, bản Đồng Ruộng mới chính thức được thành lập với hơn 20 hộ dân, trong đó có 5 hộ người Tày, còn lại là người Mông.

Già làng Giàng A Nhà - người đã có hơn 20 năm gắn bó tại bản này cho biết: “Trước đây, khu vực này hoang sơ lắm, chỉ là một vùng thung lũng tương đối bằng phẳng, lau sậy mọc um tùm, bao quanh là núi cao hùng vĩ, thú rừng nhiều vô kể, có cả beo hổ về bắt lợn, gà của dân. Những ngày đầu, cuộc sống quen dựa vào tự nhiên nên đời sống của người Mông ở đây khó khăn lắm. Phát một vạt nương, gieo vài cân ngô, ném vài nắm lúa và vào rừng săn bắt thế nên nhà ở tạm bợ, cái đói, cái nghèo đeo bám quanh năm. Nhiều hộ thiếu ăn đến vài tháng, phải lên rừng kiếm măng, củ mài, củ nâu. Đói ăn, thiếu chất dẫn đến bệnh tật, ốm yếu. Cách đây khoảng 7 - 8 năm, tỷ lệ hộ đói nghèo ở bản chiếm tới trên 50%, nhiều hộ thiếu ăn nhưng không ai biết làm cách nào để thoát được cái đói”.

Cái đói, cái khổ của đồng bào Mông ở bản Đồng Ruộng có nhiều nguyên nhân như: cơ sở hạ tầng thiếu, đường sá đi lại khó khăn; việc giao lưu, trao đổi hàng hóa với bên ngoài hạn chế, điện lưới quốc gia chưa tới nên bà con khó tiếp cận khoa học kỹ thuật.

Đồng chí Hoàng Anh Tú - Chủ tịch UBND xã Kiên Thành chia sẻ: “Thông qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước như Chương trình 134, 135 xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất nên đời sống của đồng bào có nhiều thay đổi rõ rệt. Hiện nay, con đường từ trung tâm xã đến bản đã được mở rộng. Mặc dù vẫn là đường đất nhưng ô tô tải và xe máy đã có thể đến bản, thuận tiện hơn cho việc giao lưu, trao đổi kinh tế với bên ngoài. Trước đây, đồng bào Mông chỉ biết làm một vụ với những giống lúa thuần có năng suất thấp nên thiếu lúa, thiếu gạo để ăn chứ chưa nói đến để phục vụ chăn nuôi”.

 Chính vì thế, huyện Trấn Yên đã chỉ đạo  ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện “3 cùng” với người dân để hướng dẫn họ chuyển đổi ruộng một vụ sang sản xuất 2 vụ lúa. Mới đầu cũng gặp nhiều khó khăn, cán bộ khuyến nông huyện và các ngành, đoàn thể xã lên bản cấp giống lúa mới, trực tiếp cùng người dân làm đất, gieo mạ rồi hướng dẫn cách chăm bón, phòng trừ sâu bệnh. Hiện nay, cả bản đã có 10ha lúa 2 vụ được người dân sử dụng các giống lúa mới. Năm 2012, huyện đã hỗ trợ cho bản xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi dài 750m, trị giá hơn 800 triệu đồng, đảm bảo phục vụ nước tưới tiêu cho 10ha lúa.

Đồng Ruộng ngày càng phát triển nhờ vào dự án hỗ trợ giống tre măng Bát Độ. Năm 2005, cả bản trồng được 6ha. Những năm sau, các hộ đều tham gia trồng, đến nay có gần 100ha, trong đó trên 60ha đã cho thu hoạch. Mỗi hộ dân cũng có vài trăm gốc tre, có hộ có tới 10ha tre Bát Độ, hàng năm đem lại nguồn thu nhập ổn định. Nhờ đó, số hộ nghèo giảm mạnh, nay chỉ còn 13 hộ nghèo; số hộ trung bình, khá giả ngày càng tăng.

Bên cạnh cây lúa, cây tre Bát Độ, các hộ còn có vài héc-ta ngô nương, hàng chục héc-ta sắn phục vụ chăn nuôi. Đàn trâu của bản khoảng gần 70 con, đàn lợn hơn 200 con. Có 20 hộ dân biết tận dụng những diện tích ruộng trũng đào ao thả cá, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ gia đình ngày càng phát triển.

Nhờ có chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ làm nhà ở, công trình cấp nước hợp vệ sinh nên đời sống của các hộ trong bản bớt khó khăn. Ngay trung tâm bản đã xây dựng 1 điểm trường mầm non, còn học sinh tiểu học, trung học cơ sở được học bán trú tại các điểm trường trung tâm xã. Tuyến đường giao thông từ trung tâm xã đến bản cũng đang được Nhà nước đầu tư nâng cấp để bà con đi lại thuận tiện hơn đồng thời tạo điều kiện cho giao thương phát triển.

Cuộc sống của người dân ở bản Đồng Ruộng đang ngày một đổi thay. Nhân dân thêm phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

 Q.T

Các tin khác
HĐND xã Liên Mạc, huyện Mê Linh thông qua Dự thảo Nghị quyết về việc tán thành chủ trương nhập xã Vạn Yên và xã Liên Mạc hồi đầu tháng 4.

Trong hai năm tới, Hà Nội sẽ thực hiện việc sáp nhập 100 đơn vị hành chính cấp xã, phường.

Hội HTGĐLS tỉnh Yên Bái, Nhà máy Z 183 - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và lãnh đạo huyện Trấn Yên trao tiền hỗ trợ cho gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa, thôn 6, xã Hòa Cuông (Trấn Yên).

Ngày 15/5, Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sỹ (HTGĐLS) tỉnh Yên Bái phối hợp với hai huyện Trấn Yên và huyện Yên Bình cùng đơn vị tài trợ là Nhà máy Z183 - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà tình nghĩa cho 2 gia đình chính sách khó khăn về nhà ở với số tiền 80 triệu đồng mỗi nhà.

Lãnh đạo Hội Cựu TNXP tỉnh và các doanh nghiệp trao sổ tiết kiệm cho các cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh (Ảnh minh họa).

Thành phố Yên Bái vừa có công văn yêu cầu các xã, phường tổ chức rà soát, lập danh sách các đối tượng thanh niên xung phong (TNXP) chưa được hưởng chế độ trợ cấp thuộc diện hưởng trợ cấp theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày Quốc tế gia đình với nhiều hoạt động trên thế giới và Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Ngày Quốc tế Gia đình, được tổ chức vào ngày 15 tháng 5 hàng năm, là dịp để mỗi chúng ta trân trọng và vun đắp cho tổ ấm của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục