Một nghị quyết kịp thời, phù hợp

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/8/2013 | 2:57:11 PM

YBĐT - Thực tế qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 22, công tác xây dựng trường PTDTBT đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến năm học 2012 - 2013, toàn tỉnh Yên Bái đã có 38 trường PTDTBT và 37 trường có học sinh bán trú với quy mô trên 10.200 học sinh và chất lượng giáo dục ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã từng bước được nâng cao.

Nghị quyết số 19 quy định rõ chế độ hợp đồng với nhân viên cấp dưỡng ở các trường PTDTBT và có học sinh bán trú.
Nghị quyết số 19 quy định rõ chế độ hợp đồng với nhân viên cấp dưỡng ở các trường PTDTBT và có học sinh bán trú.

Tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Yên Bái khóa XVII đã thông qua Nghị quyết số 19/2013/NQ-HĐND về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND ngày 16/12/2009 của HĐND tỉnh về Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2010 - 2015 (gọi tắt là Nghị quyết 22).

Nghị quyết sửa đổi bổ sung đã mở rộng phạm vi áp dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định số 85 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDTBT. Đồng thời, Nghị quyết bổ sung những quy định mới, cụ thể về việc hợp đồng, trả lương cho nhân viên cấp dưỡng trong các nhà trường có học sinh bán trú, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thực tế qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 22, công tác xây dựng trường PTDTBT đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến năm học 2012 - 2013, toàn tỉnh đã có 38 trường PTDTBT và 37 trường có học sinh bán trú với quy mô trên 10.200 học sinh. Từ khi thực hiện Nghị quyết 22, chất lượng giáo dục ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, do Nghị quyết 22 của tỉnh ban hành trước các văn bản chỉ đạo của Trung ương (TƯ) về trường PTDTBT nên một số nội dung chưa mang tính thống nhất với các văn bản chỉ đạo của TƯ; sau khi triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của TƯ đối với học sinh vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã phát sinh thêm một số loại hình trường phổ thông có hoạt động quản lý, nuôi dưỡng học sinh ở nội trú tại trường nhưng học sinh không được hưởng chính sách hỗ trợ, nhà trường không có kinh phí để thực hiện nhiệm vụ đặc thù; một số quy định trong Nghị quyết 22 không còn phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển của trường PTDTBT. Việc HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 22 để phù hợp, thống nhất với các văn bản của TƯ và thuận lợi trong triển khai thực hiện là thực sự cần thiết.

Điểm quan trọng mà Nghị quyết sửa đổi bổ sung chính là phạm vi áp dụng được mở rộng. Theo đó, Nghị quyết này áp dụng đối với trường PTDTBT; trường tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và trường phổ thông có nhiều cấp học, có học sinh bán trú; trường trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học (có cấp THPT) có học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ học sinh THPT ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trường tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập thuộc các xã vùng II có học sinh ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn nhưng không được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDTBT; có nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày (ở nội trú tại trường).

Đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số: mồ côi cả cha, mẹ không nơi nương tựa; tàn tật, khuyết tật thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang học và ở nội trú tại các trường phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, không thuộc đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ theo Quyết định số 85 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ chức thực hiện, Nghị quyết nêu rõ, hàng năm, tỉnh cân đối ngân sách, bố trí kinh phí hỗ trợ cho các trường để thực hiện nhiệm vụ đặc thù (quản lý và tổ chức các hoạt động cho học sinh ở nội trú tại trường).

Đối với các trường PTDTBT được hợp đồng nhân viên cấp dưỡng nấu ăn cho học sinh với định mức cứ 30 học sinh bán trú bố trí 1 người, số học sinh dư toàn trường quá 20 em bố trí thêm 1 người. Để phù hợp với đặc thù vùng cao của tỉnh, có trường có từ một đến vài trăm học sinh bán trú, Nghị quyết quy định, mỗi trường được hợp đồng 1 nhân viên cấp dưỡng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP để làm nòng cốt; số nhân viên cấp dưỡng thiếu theo định mức thực hiện chế độ hợp đồng lao động theo mùa vụ, hỗ trợ tiền công tương ứng 1,5 mức lương cơ sở chung hiện hành, cấp 9 tháng/năm học.

Về chính sách hỗ trợ đối với các nhà trường: các trường phổ thông có học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 85 và Quyết định 12/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ học sinh THPT ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các trường tiểu học và THCS có học sinh ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã vùng II nhưng không được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 85 được hợp đồng nhân viên cấp dưỡng theo mùa vụ, định mức học sinh và mức tiền công hỗ trợ như các trường PTDTBT. Trường hợp chỉ có từ 20 đến dưới 30 học sinh bán trú ở trong trường thì bố trí hợp đồng lao động 1 nhân viên cấp dưỡng.

Chính sách hỗ trợ đối với học sinh là người dân tộc thiểu số mồ côi cả cha, mẹ không nơi nương tựa; tàn tật, khuyết tật thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang học và ở nội trú tại các trường phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, không thuộc đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ theo Quyết định số 85 thì được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 20% mức lương cơ sở chung hiện hành và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Ngoài ra, Nghị quyết còn bổ sung thêm quy định về việc tổ chức dạy tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDTBT. Phấn đấu đến hết năm 2015, 100% số cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDTBT biết một thứ tiếng dân tộc thiểu số.

Nghị quyết số 19/2013/NQ-HĐND về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết 22 là chính sách quan trọng của tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt đối với học sinh người dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm học mới 2013 - 2014 đã bắt đầu, sự kịp thời của Nghị quyết là niềm vui lớn đối với các em học sinh, các gia đình và cả các nhà trường trong phạm vi được thụ hưởng. 

Ngọc Tú

Các tin khác
Chuẩn bị tiết mục đồng diễn chào mừng năm học mới tại Trường THCS Bình Thuận.

YB ĐT - Cùng hàng triệu học sinh trong cả nước, hơn 30 nghìn học sinh huyện Văn Chấn đã bước vào năm học mới 2013 - 2014. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em được đến trường, đến lớp, những ngày này, ngành giáo dục và chính quyền các địa phương huyện Văn Chấn đang nỗ lực chuẩn bị mọi điều kiện để năm học 2013 - 2014 hoàn thành mục tiêu đề ra.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, trong hai ngày 27 và 28-8, các tỉnh phía bắc sẽ có nắng nhẹ. Tuy nhiên, từ ngày 30-8 đến 3-9, mưa rào sẽ quay trở lại. Các tỉnh, thành phố vùng núi từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Ðiện Biên có khả năng mưa vừa, có nơi mưa rất to nên lượng mưa sẽ lớn hơn khu vực đồng bằng và Thủ đô Hà Nội.

YBĐT - Ngày 27/8, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức lớp tập huấn về công tác đối ngoại cho 108 cán bộ công chức, viên chức trực tiếp làm công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Trường mần non Mù Cao là điểm cuối cùng của hành trình “Chân không bấm đất” của đoàn viên thanh niên Báo Yên Bái và các bạn ở Công ty XNK thủy sản Hà Nội có thể đến được tại xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu. Với hơn 500 suất quà, 300 đồ chơi trẻ em và 1.000 đôi dép nhựa… tổng giá trị gần 80 triệu đồng là món quà thiết thực để tiếp bước hành trình những con chữ trên những rẻo cao còn nhiều khó khăn này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục