Nối gần bản xa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/8/2013 | 3:38:01 PM

YBĐT - Sau hai năm tái định cư tại bản Táng Khờ 1, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng sự cố gắng của nhân dân, đến nay, Làng Lao đã gần về khoảng cách địa lý bởi có đường rộng tới tận nơi.

Bản định cư với 100% nóc nhà đều được lợp prôximăng.
Bản định cư với 100% nóc nhà đều được lợp prôximăng.

 Nói đến Làng Lao là nhắc đến thôn xa nhất và khó khăn nhất của huyện Văn Chấn (Yên Bái). Làng Lao - địa danh đã từng nổi tiếng với cái tên “Làng 3 không”: không điện, không đường, không trường học.

Trở lại Táng Khờ 1, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi của nơi này. Con đường mòn về bản trước đây khó khăn là vậy, một số đoạn phải men theo vách núi, chỉ cần sảy chân là có thể rơi xuống vực sâu hun hút thì nay đã được thay thế bằng con đường rộng.

Nhận thấy sự ngạc nhiên trên gương mặt của chúng tôi, ông Sa Quang Huy - Phó chủ tịch UBND xã Cát Thịnh hào hứng chia sẻ: “Đây là con đường của lòng dân Táng Khờ. Đường này toàn bộ được làm từ đôi tay và sức lao động của bà con đấy!”. Năm 2012, một đoàn sinh viên tình nguyện từ Hà Nội đến thăm Táng Khờ 1, thấy dân bản đi lại khó khăn, họ đã ủng hộ lương thực, thực phẩm để làm đường. Đồng bào mừng lắm, vui lắm, cứ xong việc ruộng nương là cả gia đình, vợ chồng, con cái kéo nhau đi làm đường, làm đến đâu lại dựng lều trại, nấu cơm, ngủ nghỉ ở đó.

Chẳng vậy mà chỉ sau hai tháng thi công, con đường dốc đứng gần 6km đường rừng đã hoàn thành mà không hề có sự trợ giúp của bất kỳ phương tiện máy móc nào. Chứng kiến thành quả kỳ diệu của sức người, chúng tôi càng thêm khâm phục sự quyết tâm và nỗ lực của bà con nơi đây!
 Đang vui câu chuyện thì gia đình anh Chảo Vàng Xu trên đường xuống chợ đi qua. Thấy chúng tôi, họ liền tay bắt mặt mừng, hỏi thăm, sợ cán bộ không quen đường chắc mỏi cái chân, đau cái người.

Khi nghe chúng tôi nói được đi đường mới đẹp thế này, không mệt như trước kia nữa là anh Xu liền dốc bầu tâm sự: “Đường này, bà con  mình tự làm đấy, chẳng mấy nữa là xe máy đi vù vù được rồi. Bây giờ phải cố gắng làm ruộng, làm nương để mua cái xe máy đi lại cho đỡ vất vả. Con cái mình đi học cũng dễ hơn, không đói, không khổ như mình nữa”. Đôi chân bước nhanh trên con đường mới làm chúng tôi hồi tưởng những chuyến lên Làng Lao - Táng Khờ trước kia. Chỉ cách trung tâm xã chưa đầy 6km nhưng cuộc sống của người dân vẫn còn rất khó khăn. Xuống chợ, đi chơi phải cuốc bộ cả ngày, đoạn đường như dài hơn với những đôi chân chai sần, những đôi vai trĩu nặng... Người lớn đã vậy, với các em học sinh lại càng khó khăn gấp bội. Con đường đến với cái chữ của các em quả thật gian nan!

Hơn hai tháng, hơn 1.000 ngày công đã hoàn thành con đường về bản Táng Khờ 1.

Sau hơn hai giờ đi bộ, chúng tôi đã thấy Táng Khờ 1 hiện ra trong nắng sớm. Thấy vậy thôi nhưng cũng phải đi thêm 30 phút nữa mới đến nhà của Bí thư Chi bộ Làng Lao - Vàng A Tếnh. Hỏi về con đường mới làm, nét mặt người bí thư trẻ vui mừng thấy rõ nhưng cũng đượm vẻ ưu tư: “Đường mới vẫn chưa thông vì còn mắc đá, bà con không làm thủ công được. Thêm nữa là con suối chỉ có cầu tạm của dân bản tự làm, chưa có cầu cứng bắc qua. Mình chỉ mong Nhà nước hỗ trợ thêm để hoàn thiện đường và cầu giúp cho dân bản đi lại đỡ vất vả!”.

Sau hai năm tái định cư, đời sống của người dân nơi đây đã dần ổn định. Cuộc sống tập trung, không du canh du cư giúp bà con được tiếp xúc, được trao đổi với nhau, với cộng đồng nhiều hơn trong đời sống hàng ngày. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, của tỉnh, của huyện, của xã vì thế bớt khó khăn hơn.

Cả thôn đã khai hoang được gần 40ha lúa nương và đang tích cực khai phá, làm thủy lợi để chuyển diện tích này thành ruộng bậc thang, dần đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ. Những năm gần đây, đồng bào đã biết trồng rừng kinh tế, ban đầu chỉ là vài hộ nhỏ lẻ tự mua cây giống về trồng, hiện nay thôn đã có gần 100ha bồ đề, trong đó hơn 20ha chuẩn bị cho thu hoạch.

Ngoài ra, cây ngô, cây sắn cũng giúp bà con có thêm nguồn thu nhập và thức ăn phục vụ chăn nuôi. Có đường vận chuyển thuận tiện, bà con trồng cấy, chăn nuôi, mang sản phẩm đi bán dễ dàng hơn, khó khăn sẽ bớt đè nặng lên đôi vai của đồng bào. “Có đường mới, ngày mưa cũng không còn vất vả nữa. Xuống chợ, xuống xã chỉ đi nửa ngày là về được đến nhà.

Con cái cho đi học cũng dễ dàng, có cái chữ thì mới hết đói, hết khổ được” - anh Sùng A Câu - Trưởng thôn Làng Lao chia sẻ. Cùng với hỗ trợ của Nhà nước, thời gian qua, đồng bào Mông ở Táng Khờ đã cố gắng lao động, sản xuất, ổn định đời sống. Hàng năm, đồng bào đã tự vận động nhau hạ sơn, số nhà lợp prô xi măng trắng trong bản đã tăng lên đáng kể, từ 40 hộ lên 70 hộ với 435 nhân khẩu. Táng Khờ 1 luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền xã Cát Thịnh và huyện Văn Chấn. Nhân dân xuống khu tái định cư đã có nước sạch để dùng, đã có điện nước, đã có lớp học cho con trẻ.

Tạm biệt Táng Khờ 1 lúc ánh chiều đã nhạt, đi trên con đường mới mở, chúng tôi lòng thêm phấn chấn. Con đường này sẽ thực sự trở thành con đường ước mơ, đưa người dân thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu, vươn tới một ngày mai tươi đẹp hơn. Con đường cũng sẽ nối gần bản xa, xóa hẳn cái tên “Làng 3 không” đã đeo đẳng trong tâm trí đồng bào Mông nơi đây suốt bao năm qua. 

 Thanh Hà

Các tin khác
Cắt băng thông xe cầu vượt nút Đại Cồ Việt-Trần Khát Chân

Sau hơn 7 tháng thi công, sáng nay (30/8), cầu vượt nút giao Đại Cồ Việt-Trần Khát Chân đã chính thức thông xe, đưa vào phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần tích cực hạn chế quá tải và ùn tắc giao thông tại khu vực nội thành Hà Nội.

Chiều tối nay, Hà Nội sẽ có mưa dông - ảnh minh họa

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, chiều tối nay (30/8), Bắc Bộ được dự báo sẽ có mưa rào và dông. Tuy nhiên, ban ngày, các khu vực này vẫn nắng nóng ở mức 35 độ C.

YBĐT - Thực hiện Quyết định 1558/QĐ-CTN của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2013, ngày 30/8, Trại tạm giam Công an tỉnh đã tổ chức lễ công bố quyết định đặc xá cho 11 phạm nhân đang chấp hành án cải tạo đã có nhiều cố gắng trong học tập, lao động và chấp hành tốt nội quy, quý chế của Trại trong quá trình cải tạo.

YBĐT - Ngày 30/8, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI và Nghị quyết Đại hội Nông dân tỉnh Yên Bái lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2013- 2018 cho 75 đồng chí là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh, cán bộ chuyên viên Hội Nông dân tỉnh; chủ tịch, phó chủ tịch hội nông dân các huyện, thị, thành phố và cán bộ đại diện một số cơ sở hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục