Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Giảm áp lực thi cử cho học sinh

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/9/2013 | 7:38:18 AM

Đó là một trong những thông điệp đầu năm học của Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận gửi tới các bậc cha mẹ, các học sinh, sinh viên và toàn xã hội khi trả lời phỏng vấn báo chí nhân ngày khai trường.

Trong hàng loạt những vấn đề đặt ra xin Bộ trưởng cho biết năm học này ngành GD sẽ tập trung nhất vào giải quyết những vấn đề gì?

Cùng với việc thực hiện chương trình công tác năm đã được xác định, trong năm học 2013-2014, ngành giáo dục (GD) sẽ tập trung vào việc: Tiếp tục đổi mới quản lý về giáo dục, tách bạch quản lý nhà nước với quản trị chuyên môn của nhà trường; tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục đào tạo, xử lý nghiêm các vi phạm.

Các hoạt động này nhằm đẩy lùi tiêu cực, chấn chỉnh kỷ luật, phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của cơ sở, kết hợp hài hòa giữa xây và chống, đẩy mạnh cuộc thi đua “dạy tốt học tốt”, thiết thực kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục (15/10/1968-15/10/2013).Năm học mới, tiền trường bao giờ cũng là vấn đề được xã hội quan tâm nhất. Ngành GD&ĐT có giải pháp nào để đặc trị dứt điểm căn bệnh lạm thu không?

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản chấn chỉnh vấn đề lạm thu, trong đó có các nội dung hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở GD, quy định về tài trợ cho các cơ sở GD thuộc hệ thống GD quốc dân.

Qua dư luận và theo thông tin chúng tôi có, các văn bản này đã đi vào cuộc sống, nhiều địa phương đang triển khai tích cực việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học, như Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh…), HĐND, UBND, các sở, ngành đã vào cuộc quyết liệt như ra nghị quyết, tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các Hiệu trưởng và giáo viên để xảy ra sai phạm…, khắc phục dần tình trạng này.

Đồng phục đầu năm học mới trở thành nỗi lo của không ít các ông bố bà mẹ, có nơi phải bán cả tạ thóc mới mua nổi 1 bộ đồng phục. Năm nay tỉnh Đăk Lăk cho phép các bậc cha mẹ tự mua sắm đồng phục theo mẫu quy định (quần xanh, áo trắng). Theo ông, các tỉnh thành có nên làm như Đăk Lăk?

Bộ GD&ĐT đã quy định rõ: Đồng phục của học sinh (HS) phải phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, kinh tế địa phương, có tính truyền thống, đảm bảo tiết kiệm và ổn định, đặc biệt là việc mặc đồng phục phải được sự đồng thuận của cha mẹ HS. Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT, các nhà trường triển khai việc mặc đồng phục đối với HSSV một cách tiết kiệm nhất, phù hợp với điều kiện và phải được sự đồng thuận cao của phụ huynh HS, trường nào học sinh khó khăn thì không quy định bắt buộc mặc đồng phục.

Việc Đăk Lăk tự cho phép các bậc cha mẹ mua sắm đồng phục theo mẫu quy định là thực hiện đúng theo quy định của thông tư của Bộ và tạo thuận lợi cho phụ huynh HS trong việc trang bị đồng phục cho con em mình đi học. Tôi nghĩ đây là một cách làm linh hoạt và phù hợp, do đó các tỉnh, thành phố khác cũng nên cân nhắc để học tập, không làm khó cho phụ huynh HS.

Dạy thêm học thêm không đúng quy định đã từng được nói đến nhiều năm, các địa phương cũng tích cực tìm giải pháp nhưng vẫn còn hiện tượng này. Theo ông năm học này ngành sẽ làm gì với chuyện dạy thêm học thêm?

 Tôi nghĩ đây là một cách làm linh hoạt và phù hợp, do đó các tỉnh, thành phố khác cũng nên cân nhắc để học tập, không làm khó cho phụ huynh HS. 

Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận nói về việc Đăk Lăk cho phép các phụ huynh tự mua đồng phục cho con em mình

Về việc dạy thêm học thêm (DTHT), tôi cho rằng những văn bản gần đây của Bộ GD&ĐT đã có nhiều quy định cụ thể, khả thi và đã đi vào cuộc sống. Việc chấn chỉnh tình trạng DTHT tràn lan đã được chính quyền các địa phương triển khai tích cực và đã có kết quả ban đầu.

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay đã có 50 tỉnh/thành tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ra quyết định ban hành quy định về quản lý DTHT trên địa bàn; các địa phương còn lại đang hoàn thiện văn bản và xin ý kiến các sở, ngành trước khi trình UBND tỉnh. Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, nhiều địa phương đã có các giải pháp quyết liệt chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm trái quy định như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Nam…

Để khắc phục triệt để tình trạng DTHT sai quy định thì cần thực hiện nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của thầy cô giáo, phụ huynh học sinh. Trước mắt, Bộ sẽ đôn đốc các địa phương còn lại sớm ban hành quy định về quản lý DTHT trên địa bàn, đồng thời tiếp tục chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc Thông tư về DTHT.

Về lâu dài, cần thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng dạy học, như: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm, dành thời lượng để củng cố, hệ thống hóa kiến thức đã học cho HS và phụ đạo tại lớp đối với HS học lực yếu kém; Tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để học sinh được tăng thời lượng tự học có hướng dẫn; Tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá, cải tiến các công tác thi theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, giảm áp lực về kiểm tra, thi cử cho HS.

Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học. Việc nghiên cứu đề xuất bổ sung chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo cũng cần được quan tâm triển khai.

(Theo TPO)

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Trạm Tấu tặng hoa chúc mừng hai nhà trường nhân dịp khai giảng năm học mới

YBĐT - Ngày 4/9, Trường Mầm non Hoa Phượng và Trường PTDTBT TH&THCS Pá Hu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) tưng bừng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2013 – 2014.

Rất đông phụ huynh đón con em ở cổng phụ Trường Tiểu học Nguyễn Trãi.

YBĐT - Trong suy nghĩ của rất nhiều người dân sinh sống trên địa bàn một số phường trung tâm thành phố Yên Bái, mỗi khi nhắc đến việc đi học của con em mình, họ thường nghĩ ngay đến bốn chữ "Mầm non Thực hành" (Trường Mầm non Thực hành) và "Tiểu học Nguyễn Trãi" (Trường Tiểu học Nguyễn Trãi).

Cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện, lãnh đạo chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên gia đình và công dân Lỗ Xuân Anh.

YBĐT - Năm 2013, huyện Yên Bình (Yên Bái) được giao chỉ tiêu gọi 192 công dân lên đường nhập ngũ đợt II. Đây là năm đầu tiên thực hiện Thông tư liên tịch số 13 của Bộ Quốc Phòng và Bộ Giáo dục - Đào tạo tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi nhập ngũ.

Ảnh minh họa

Đây là thông tin được đưa ra trong hội thảo mức sống tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2013 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 4/9.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục